leftcenterrightdel
Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Phan Vinh vẽ tranh về biển, đảo quê hương.

Ban giám hiệu nhà trường đã cất công sưu tầm khá đầy đủ tài liệu, hình ảnh liên quan đến anh hùng, liệt sĩ Nguyễn Phan Vinh để giới thiệu cho các em học sinh hiểu sâu sắc về chiến công huyền thoại của người anh hùng cùng đồng đội trên vùng biển Hòn Hèo năm xưa...

Sử sách mãi còn ghi, đêm 30 rạng ngày Mồng Một Tết Mậu Thân (31-1-1968), Tàu 235, thuộc Đoàn tàu không số, do Trung úy Nguyễn Phan Vinh làm thuyền trưởng nhận nhiệm vụ vận chuyển 14 tấn vũ khí, đạn dược chi viện cho quân và dân Khánh Hòa. Ngày 27-2-1968, Tàu 235 bí mật rời bến, thẳng hướng vào phía Nam. Sau hai ngày đêm hành quân trên vùng biển quốc tế, đến 18 giờ ngày 29-2-1968, Tàu 235 tới ngang vùng biển Nha Trang thì phát hiện máy bay trinh sát địch lượn vòng quanh tàu rồi mất hút. Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh nhận định tàu ta đã bị lộ nên cho anh em ngụy trang cẩn thận, chờ đêm tối chuyển hướng vào bờ, cả tàu chuẩn bị thả hàng sẵn sàng chiến đấu.

Kim đồng hồ chỉ đúng 23 giờ; màn đêm đen đặc, Tàu 235 đè sóng lướt tới. Khi cách Hòn Hèo khoảng 6 hải lý thì bất ngờ gặp 3 tàu chiến của địch và 4 chiếc khác dàn hàng ngang, triển khai đội hình phục kích thành thế bao vây hòng bắt sống tàu ta. Trước tình hình đó, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh đã mưu trí chỉ huy thủy thủ thả khói mù, khôn khéo điều khiển tàu luồn lách qua đội hình tàu địch đến đúng vị trí bến quy định thuộc xã Ninh Phước, huyện Ninh Hòa (Khánh Hòa). Vì không liên lạc với lực lượng bến đón, thuyền trưởng ra lệnh thả hàng xuống biển và khẩn trương cho tàu di chuyển sang vùng biển Ninh Văn để không lộ vị trí thả hàng. Lúc này đã là 1 giờ 30 phút ngày 1-3.

Phía bên ngoài, các tàu địch di chuyển khép chặt vòng vây. Trên không, chúng huy động máy bay lên thẳng vũ trang yểm trợ. Cuộc chiến không cân sức diễn ra quyết liệt. Phía trước là núi, phía sau là 7 tàu địch ngăn chặn lối ra, Tàu 235 ở vào tình thế vô cùng khó khăn. Trên trời, máy bay địch thả pháo sáng; đèn pha các tàu địch tập trung chiếu sáng để các loại hỏa lực bắn xối xả. Mặc cho lửa đạn, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh vẫn bình tĩnh chỉ huy thủy thủ vừa kiên cường đánh trả địch, vừa cho tàu chạy sát vào gần bờ hơn. Cuộc chiến đấu ngày càng ác liệt, nhiều đồng chí của ta bị thương, máy tàu hỏng nặng, thuyền trưởng bị thương ở đầu. Biết không thể thoát khỏi vòng vây của địch, Nguyễn Phan Vinh hội ý với anh em và ra quyết định hủy tàu để không lọt vào tay địch. Thuyền trưởng cho tất cả anh em bơi vào bờ trước, còn anh và thợ máy Ngô Văn Thứ ở lại chuẩn bị các loại kíp nổ và trực tiếp điểm hỏa khối thuốc nổ hủy tàu rồi bình thản nhảy xuống nước bơi vào bờ....

Đúng 2 giờ sáng, một cột lửa bùng lên kèm theo tiếng nổ dữ dội chấn động cả vùng biển, hất tung một nửa thân Tàu 235 lên triền núi Bà Nam. Sau giây phút hoảng loạn, bọn địch điều thêm máy bay và gọi phi pháo bắn phá, dọn đường cho quân đổ bộ lên bờ hòng bao vây bắt sống thủy thủ Tàu 235. Cuộc chiến đấu trên bộ giữa thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh cùng thợ máy Ngô Văn Thứ với bộ binh địch diễn ra vô cùng ác liệt. Lợi dụng địa hình, địa vật, các anh đã tiêu diệt nhiều tên địch. Cuối cùng, do vết thương ngày càng nặng, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh và thợ máy Ngô Văn Thứ đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và anh dũng hy sinh...

Với chiến công phi thường ấy, ngày 25-8-1970, liệt sĩ Nguyễn Phan Vinh được Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Nhân kỷ niệm 15 năm Ngày giải phóng quần đảo Trường Sa (29-4-1990), tên người thuyền trưởng Tàu 235 quả cảm ấy đã thành tên một hòn đảo trong quần đảo Trường Sa-đảo Phan Vinh. Năm 1998, một ngôi trường ở quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng cũng vinh dự lấy tên anh đặt tên cho trường-Trường Tiểu học Nguyễn Phan Vinh...

Vinh dự được mang tên người anh hùng, cán bộ, chiến sĩ đảo Phan Vinh hôm nay luôn phát huy truyền thống vẻ vang của Quân chủng Hải quân; cán bộ, chiến sĩ đảo Phan Vinh trong quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành đã lập nhiều thành tích xuất sắc; nhiều năm liền được công nhận “Đơn vị Quyết thắng” và được tặng nhiều bằng khen, giấy khen của Bộ Quốc phòng và Quân chủng Hải quân... Dẫu rằng, điều kiện trên đảo còn nhiều khó khăn, nhưng các thế hệ cán bộ, chiến sĩ luôn sát cánh bên nhau, đồng cam cộng khổ, đoàn kết một lòng khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ đảo Phan Vinh tự hào với những chiến công đã đạt được. Dù khó khăn, gian khổ, dù mất mát, hy sinh, họ vẫn chắc tay súng, vững vàng nơi vùng biển, đảo tiền tiêu, bảo vệ vững chắc biển, trời Tổ quốc.

Thi đua với cán bộ, chiến sĩ trên hòn đảo mang tên người anh hùng, ở nơi “thành phố đầu biển, cuối sông”, Trường Tiểu học Nguyễn Phan Vinh cũng nỗ lực, phấn đấu trở thành ngôi trường đạt chuẩn quốc gia. Trong suốt 21 năm qua, các thế hệ thầy giáo, cô giáo và các em học sinh luôn ra sức thi đua thực hiện phong trào “Dạy tốt, học tốt”, xứng đáng là một trong những trường tiêu biểu, xuất sắc của ngành giáo dục-đào tạo TP Đà Nẵng.

Bài và ảnh: TÙNG LÂM