Những thành tựu phát triển vượt bậc của ngành công nghệ thông tin đã đem đến nhiều tiện ích cho con người. Bên cạnh đó vẫn còn nhiều mặt hạn chế do Internet đem lại. Vậy chúng ta cần phải làm gì để quản lý Internet học đường, vấn đề đang được toàn xã hội quan tâm?

“Giờ cao điểm”

Cũng giống như các bậc phụ huynh bắt đầu công việc vào buổi sáng và kết thúc công việc về nhà vào lúc tan tầm, một số học sinh cũng khởi động và kết thúc một ngày hoặc một tuần học tập bằng việc rẽ qua quán internet, gọi ngắn gọn là Net.

Chơi game online tại các quán Internet (ảnh internet)

Với sự bùng nổ của Internet, có thể dễ dàng tìm thấy một quán Internet ưng ý với cái biển quảng cáo rất hấp dẫn “máy lạnh ghế mềm” hoặc “Internet tốc độ cao” ở bất kỳ đâu. Càng dễ dàng hơn nếu tìm ở gần các trường học cấp 2 hoặc cấp 3. Vì khách hàng chủ yếu vẫn là các cô cậu học sinh đang ở lứa tuổi dễ bị hấp dẫn bởi game và online. Một ngày có ba khoảng giờ cao điểm vào sáng sớm từ 6 giờ đến 7 giờ, 11 giờ 30 phút đến 13 giờ 30 phút; từ 17 giờ đến 18 giờ 30 phút… và một tuần thì có 3 ngày cao điểm là thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật. 3 ngày cuối tuần khi sự quản lý của nhà trường và các bậc phụ huynh có phần lỏng lẻo hơn, đó cũng là cơ hội để các em giải nghiện game và online cả ngày. Như vậy, trung bình trong một ngày các em đã ngồi quán tới 4 tiếng đồng hồ.

Tại đây, các em không chỉ thoải mái hút thuốc, nói tục chửi bậy với những ngôn từ đầy bạo lực do ảnh hưởng của những trò chơi game mà còn vô tư xem văn hóa phẩm đồi trụy có nhan nhản trên mạng. Sẽ không thể tránh khỏi giật mình khi được chứng kiến các em nhỏ học sinh đầu cấp 2 xem những trang web “đen” rồi vô tư bình luận. Không những thế, quán còn là nơi các em có thể đánh bạc điện tử, cá cược và “hẹn hò”…

Phòng hơn chống

Bác sĩ Hoàng Cẩm Tú, Giám đốc Trung tâm tham vấn tâm lý giáo dục và sức khoẻ tâm thần trẻ vị thành niên cho biết: “Đa phần các bậc phụ huynh tìm đến Trung tâm đều có chung một lý giải cho sự buông lỏng quản lý là không có thời gian. Hầu hết các em được cha mẹ đưa đến Trung tâm đều trong tình trạng “nghiện nặng”. Hiện vẫn chưa có một nghiên cứu nghiêm túc về những ảnh hưởng cụ thể của internet đến học sinh. Internet rất có ích nếu các em biết cách khai thác và học tập những cái hay, cái đẹp, những kiến thức từ mạng toàn cầu. Các bậc phụ huynh hãy dành thời gian tìm hiểu con em mình đã sử dụng những dịch vụ, chương trình gì của internet, sau đó cùng chia sẻ những tiện ích, hướng dẫn, cùng con sử dụng những tiện ích ấy. Bên cạnh đó cần tạo ra những sân chơi lành mạnh hơn đủ hấp dẫn con trẻ, đánh bật thói quen “dạo chơi” trên internet”.

Để giải quyết vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Trưởng khoa Giáo dục đặc biệt, Trường đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, đưa ra ý kiến: Năm mới này các cơ quan chức năng hãy vào cuộc để “phòng hơn chống”. Việc đầu tiên là từng quán internet phải đăng ký dịch vụ được phép sử dụng với các công ty cung cấp dịch vụ cho họ và các công ty này sẽ được đặt dưới sự quản lý của các cơ quan chức năng. Đồng thời các cơ quan chức năng phải đi kiểm tra thường xuyên, kiểm tra thực sự, nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm hoặc có thể thu giấy phép kinh doanh. Hay nói một cách khác là cần một cơ quan quản lý chuyên ngành đủ kiến thức về lĩnh vực này, quản lý cả đầu vào và đầu ra của các dịch vụ internet.

Trong giới lướt mạng, có một thuật ngữ được gọi là “cứu Net”, ám chỉ việc các cô gái ham chơi không đủ tiền trả, phải kêu gọi những “mạnh thường quân” đến trả tiền giúp rồi… “trả nợ”. Hãy “cứu Net” không phải với cái nghĩa trần tục ấy, mà là cứu một bộ phận giới trẻ khỏi những mặt tiêu cực mà nó mang lại!

Vương Thúy