Người dân đến chờ làm thủ tục hành chính tại Đà Nẵng

Để xây dựng trung tâm dạy nghề và dạy tiếng nước ngoài, có công ty đã phải mòn mỏi đợi chờ 432 ngày, kiên trì vượt được qua 24 “cửa ải” xin dấu. Có công dân tới gõ “cửa phường” gần 30 lần nhưng vẫn chưa làm xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Một gia đình liệt sĩ gần nửa thế kỷ mang đơn đi kiện nhưng việc giải quyết vẫn cứ phải… chờ… Những thông tin trên không phải là chuyện bịa mà có thật là ví dụ cụ thể để khẳng định rằng các thủ tục hành chính của chúng ta ở một số nơi đã “hành dân là chính”.

Công cuộc cải cách hành chính của chúng ta cũng đã được thực hiện khá lâu, thế nhưng theo nhận xét của nhiều đại biểu Quốc hội, nó vẫn quá chậm chạp. Chỉ thị mới đây của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ: “Tình trạng quan liêu, nhũng nhiễu, cửa quyền, gây phiền hà của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan hành chính nhà nước, tổ chức sự nghiệp dịch vụ công trong giải quyết các thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công liên quan đến đời sống thiết thân hằng ngày của người dân và hoạt động đầu tư, kinh doanh của các nhà đầu tư, doanh nghiệp vẫn còn rất phổ biến, có lúc, có nơi nghiêm tọng, ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư và kinh doanh, gây bức xúc trong xã hội”.

Thủ tục hành chính dưới con mắt người dân luôn phức tạp, thiếu công khai, minh bạch do có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do một hồ sơ cần có nhiều loại giấy tờ, nhiều khi có những loại giấy tờ không thật sự cần thiết. Để có một loại giấy tờ trong hồ sơ người dân hoặc doanh nghiệp thường phải liên hệ với nhiều cơ quan hành chính nhà nước để xin. Khoảng thời gian đó dài hay ngắn tùy vào việc xin có đúng địa chỉ hay không, có thêm khoản “bồi dưỡng” cho công chức Nhà nước hay không. Doanh nghiệp và công dân ít được biết chính xác theo quy định của Nhà nước họ sẽ phải chi trả, đóng góp cho ngân sách những khoản phí, lệ phí gì khi làm thủ tục hành chính đó. Chính vì vậy, để cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính, cần phải có các đòn tấn công mạnh mẽ (thức là công khai thủ tục phải chi phí bắt buộc) vào các khâu nói trên.

Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định ban hành Quy chế thực hiện cơ chế “một cửa” tại các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương mà chúng ta thường gọi là thực hiện theo cơ chế “một cửa”, từ năm 2003. Tuy nhiên, theo nhận xét của một số công dân và doanh nghiệp, tuy là “một cửa”, nhưng đã có khá nhiều “ổ khóa” và để mở các “ổ khóa” này nhiều khi chẳng dễ dàng. Chính vì vậy, cần phải có thêm cơ chế để dẹp bướt các “ổ khóa” này để “một cửa” chỉ có “một ổ khóa”.

Mặt khác, để công cuộc cải cách hành chính của chúng ta thành công, cũng rất cần đến thói quen “không tiếp tay cho tiêu cực” của người dân và các doanh nghiệp. Nếu phát hiện công chức Nhà nước nhũng nhiễu, cần báo ngay với những người có trách nhiệm.

Một tin vui đối với những ai quan tâm tới “cửa ải” hành chính. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký Chỉ thị số 32/2006/CT-TTg về một số biện pháp cần làm ngay để chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính trong giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp. Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiến hành ngay việc rà soát, bổ sung, sửa đổi các quy định nội bộ về quy trình, thủ tục hành chính không còn phù hợp, gây phiền hà cho việc tiếp nhận và xử lý công việc của người dân và doanh nghiệp; kiên quyết loại bỏ những khâu trung gian, những thủ tục rườm rà, chồng chéo, những loại giấy tờ không cần thiết. Phải thiết lập cho được cơ chế kiểm tra, giám sát thường xuyên, độc lập, khách quan trong nội bộ, khắc phục tình trạng khép kín, thiếu công khai, minh bạch dễ phát sinh tiêu cực trong việc giải quyết các thủ tục hành chính với người dân và doanh nghiệp. Công bố công khai các số điện thoại đường dây nóng, địa chỉ hộp thư điện tử của cơ quan, đơn vị, tổ chức mình để tiếp nhận các góp ý về quy trình, thủ tục; các thông tin, vướng mắc của cá nhân, tổ chức đối với những việc làm sai trái, sách nhiễu, tiêu cực, gây phiền hành của cán bộ, công chức, viên chức. Phân công trách nhiệm cụ thể trong việc theo dõi, ghi nhận đầy đủ các thông tin, góp ý, xây dựng quy chế thẩm tra, xác minh, xử lý kịp thời và công bố công khai kết quả xử lý.

Chúng ta hy vọng, thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng, các “cửa ải” hành chính sẽ bớt dần đi.

ĐỖ PHÚ THỌ