QĐND Online - Khoảng 10 năm trở lại đây, việc tổ chức đồng quản lý rừng đặc dụng đã được Nhà nước tạo điều kiện với hàng loạt các chính sách, trong đó nổi bật là Quyết định 07/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ triển khai thí điểm và xây dựng chính sách đồng quản lý rừng cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tuy nhiên, cho đến nay, việc tổ chức triển khai đồng quản lý rừng đặc dụng vẫn gặp phải nhiều vướng mắc, bất cập…
Khó khăn “chồng” khó khăn
Tại Hội thảo “Đồng quản lý rừng đặc dụng Việt Nam: Những bài học thực tiễn và khuyến nghị chính sách” mới được tổ chức tại TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình, các đại biểu đến từ nhiều địa phương trong cả nước đã nêu ra một loạt những khó khăn trong việc quản lý rừng đặc dụng tại địa phương mình.
 |
Trao đổi kinh nghiệm hợp tác quản lý bảo vệ rừng đặc dụng tại Hội thảo “Đồng quản lý rừng đặc dụng Việt Nam: Những bài học thực tiễn và khuyến nghị chính sách”. |
Tỉnh Tuyên Quang có 6 khu rừng đặc dụng trong đó có 3 khu bảo tồn thiên nhiên, 3 khu rừng văn hóa lịch sử. Các hạt kiểm lâm tại các khu rừng đặc dụng vừa là đơn vị thực hiện chức năng quản lý, bảo vệ rừng, vừa kiêm ban quản lý rừng đặc dụng, chịu trách nhiệm quản lý toàn bộ diện tích được giao. Trong quá trình quản lý, các cơ quan chức năng đã gặp khó khăn do lực lượng kiểm lâm mới chỉ tập trung cho công tác quản lý, bảo vệ rừng, công tác bảo tồn đa dạng sinh học chưa có cán bộ chuyên trách. Việc bảo tồn mới chỉ dừng lại ở yếu tố khách quan (bảo tồn tại chỗ). Do nhiều yếu tố về kinh tế, nhận thức, việc đồng quản lý rừng chưa được triển khai sâu rộng.
Ông Hoàng Văn Lâm, Tổ chức Bảo tồn Động thực vật hoang dã Quốc tế (FFI) nêu ra những bất cập tồn tại: Các văn bản hỗ trợ pháp lý trước đây còn hạn chế, trong khi các đơn vị đồng quản lý rừng đặc dụng tại các địa phương lại có cách hiểu, cách tiếp cận và huy động người dân tham gia vào công tác bảo vệ và chia sẻ lợi ích từ rừng khác nhau. Thậm chí, việc kêu gọi người dân cùng tham gia vào đồng quản lý và chia sẻ lợi ích tại nhiều địa phương vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Linh hoạt trong việc huy động cộng đồng
Trước những tồn tại của công tác đồng quản lý rừng đặc dụng, các đại biểu đã chia sẻ những kinh nghiệm tại địa phương mình trong quá trình huy động cộng đồng cùng tham gia công tác quản lý rừng đặc dụng.
Tại Khu bảo tồn Ngọc Sơn-Thổ Luông (Hòa Bình), sau khi khu bảo tồn được thành lập, người dân địa phương cho rằng rừng lúc này không còn thuộc về họ nên không quan tâm tới việc bảo vệ rừng, thậm chí còn có tâm lý khai thác gỗ trước khi khu bảo tồn cấm hoàn toàn. Để thay đổi nhận thức của nhân dân, ban quản lý đã vận động người dân ở 5 xóm trọng điểm trong vùng lõi khu bảo tồn thành lập Ban tự quản lâm nghiệp xóm, huy động người dân cùng tham gia bảo vệ rừng.
Người dân khi tham gia bảo tồn sẽ được hưởng những lợi ích thiết thực như: Được hưởng lợi ích, thù lao từ bảo vệ và phát triển trên phạm vi rừng xóm; được nhận khoán bảo vệ rừng, thuê rừng, trồng rừng; được ưu tiên vay vốn, hỗ trợ khoa học kỹ thuật, hỗ trợ cây giống, con giống…
Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải lại lựa chọn cách thức tập huấn và họp thôn cho nhân dân trong địa phương để nâng cao nhận thức bảo vệ rừng đặc dụng.
Rõ ràng, do đặc thù khác nhau, tại mỗi địa phương, mỗi khu rừng đặc dụng lại có cách huy động nhân dân cùng chung tay vào công cuộc quản lý, bảo vệ rừng khác nhau. Tuy nhiên, không thể phủ nhận được sức mạnh của người dân trong việc bảo vệ phát triển rừng. Thay đổi ý thức của nhân dân, đưa nhân dân trở thành đối tượng chính quản lý, bảo vệ rừng là cách làm tích cực để đồng quản lý rừng đặc dụng đạt được hiệu quả cao.
Bài, ảnh: THU THỦY