Do thời gian đầu việc xuất bản Báo QĐND tại Cần Thơ được thực hiện thông qua việc chuyển rơ-po từ TP Hồ Chí Minh xuống nên thư ký tòa soạn chỉ cử cán bộ vào giúp nhà in ở Cần Thơ kiểm tra rơ-po trước khi chế bản trong một vài ngày rồi trở về Hà Nội. Nhưng khi thư ký tòa soạn được giao nhiệm vụ mở cơ quan thường trực Báo QĐND tại các địa phương khác thì phải tự mình thiết lập mối quan hệ tốt với địa phương, các cơ quan, ban, ngành liên quan, chọn vị trí đặt cơ quan thường trực, tổ chức xuất bản, phát hành báo đến tay bạn đọc...
Ấn tượng Quân khu 5
Tháng 2-1992, nhận nhiệm vụ đi mở cơ quan thường trực, in và phát hành Báo QĐND tại Quân khu 5 cho cả địa bàn miền Trung và Tây Nguyên, tôi lên đường vào Đà Nẵng thực hiện chuyến công tác đầy khó khăn, vất vả nhưng cũng hứa hẹn không ít niềm vui này. Đến Đà Nẵng, tôi vào Cục Chính trị Quân khu 5 và làm việc với Bộ tư lệnh quân khu. Sau khi nghe tôi báo cáo về mục đích, ý nghĩa của việc Báo QĐND mở cơ quan thường trực, in, phát hành tại TP Đà Nẵng và lộ trình triển khai nhiệm vụ, các đồng chí lãnh đạo Quân khu 5 đã nhiệt tình ủng hộ, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi nhất để tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Theo đề nghị của Báo QĐND, Cục Chính trị đã cử đồng chí Thể-cán bộ tuyên huấn sắp xếp cho tôi gặp các anh Xuân Cường, Nguyễn Viết Phác, cựu phóng viên Báo Quân khu 5. Tuy đã nghỉ chế độ nhưng cả hai anh vẫn tình nguyện tham gia công tác xuất bản Báo QĐND tại Đà Nẵng. Sau khi Báo Quân khu 5 giải thể, Lê Anh Dũng đã được điều về Bộ CHQS tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng nhưng vẫn mê làm báo, nay lại được Quân khu 5 giới thiệu và đồng ý cho chuyển về Báo QĐND làm phóng viên thường trực đầu tiên nên rất hào hứng.
Đúng hẹn, một buổi chiều sang làm việc với UBND tỉnh, chúng tôi đã rất bất ngờ khi biết rằng, đồng chí Nguyễn Đình An, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng đã chủ động biến cuộc làm việc với tôi thành cuộc gặp gỡ báo chí chúc mừng Báo QĐND mở cơ quan thường trực, in và phát hành tại TP Đà Nẵng.
Thấy tôi tỏ ra ngỡ ngàng trước cách đón tiếp đặc biệt đó của UBND tỉnh, các anh Hoàng Trà, Tổng biên tập Báo Quảng Nam-Đà Nẵng; Xuân Quang, Nguyễn Như Ý, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thường trú tại địa phương nói với tôi rằng, đó chính là tình đất, tình người miền Trung nói chung và Quảng Nam-Đà Nẵng nói riêng.
Tất cả vì “Tờ báo của chúng ta”
Trong khi công tác in và phát hành Báo QĐND tại Đà Nẵng dần đi vào ổn định, tôi bắt đầu triển khai việc lựa chọn vị trí đặt cơ quan thường trực của Báo QĐND. Song, để làm được việc đó, tôi phải nhờ đến sự giúp đỡ của Lê Anh Dũng.
Là người năng nổ, nhiệt tình, Lê Anh Dũng nhận nhiệm vụ và thực hiện ngay. Vì thế, chẳng bao lâu tôi đã có trong tay địa chỉ của một số ngôi nhà đẹp do quân khu quản lý. Nhưng một loạt cái khó lại nảy sinh, như lịch sử của những ngôi nhà đó ra sao, đơn vị nào đang sử dụng... Tôi và Lê Anh Dũng phải tranh thủ thời gian kể cả mỗi tối trước khi đi nhà in, gặp gỡ những cán bộ trực tiếp quản lý nhà đất của quân khu để thu thập thông tin rồi báo cáo trực tiếp với Tư lệnh Quân khu 5 phương án lựa chọn.
Mặc dù đang điều trị tại bệnh viện, sức khỏe chưa bình phục, nhưng trong câu chuyện với chúng tôi, Trung tướng Phan Hoan, Tư lệnh Quân khu 5 tỏ ra rất phấn khởi. Đồng chí cho rằng việc chúng tôi chọn nhà số 3 phố Nguyễn Văn Trỗi (nay là số nhà 172 đường 2-9), TP Đà Nẵng làm cơ quan thường trực Báo QĐND là rất hợp lý vì đây là một căn nhà độc lập, chưa có đơn vị nào sử dụng. Nhìn bên ngoài, ngôi nhà số 3 phố Nguyễn Văn Trỗi còn khá khang trang, nhưng bên trong ngổn ngang gạch vữa, cửa xập xệ... Thấy tôi tỏ vẻ ái ngại, Lê Anh Dũng nói chắc nịch: "Anh cứ giao việc này cho em!".
Một ngày sau, tôi trở lại số 3 phố Nguyễn Văn Trỗi thì nhà cửa đã tinh tươm, sạch sẽ. Tôi khen Lê Anh Dũng giỏi giang, nhưng Dũng lại hướng về phía anh chị em Phòng Quản lý xe máy của Quân khu 5 cười bảo, em nhờ anh em bên đó làm giúp. Nghe vậy, tôi thầm cảm ơn Dũng và đặc biệt là biết ơn các cán bộ, chiến sĩ thuộc Phòng Quản lý xe máy Quân khu 5.
Nhà đã có, Quân khu 5 tặng thêm mấy chiếc giường cá nhân. Vùng 3 Hải quân tặng bộ bàn ghế tiếp khách và chiếc tủ tài liệu. Anh em chúng tôi trưng biển lên, thế là thành Văn phòng Cơ quan thường trực Báo QĐND tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Lê Anh Dũng nhận nhiệm vụ đi đóng, về mở “văn phòng”. Thi thoảng anh em chúng tôi đến số 3 phố Nguyễn Văn Trỗi trao đổi công việc cho có "hơi người" chứ thực ra “đại bản doanh” vẫn là phòng khách của Cục Chính trị quân khu, nơi tôi ở và làm việc lúc đó.
Việc tổ chức in và phát hành báo đi vào nền nếp, văn phòng cơ quan thường trực đã đâu vào đấy, tôi bắt đầu báo cơm tại nhà ăn của Cục Chính trị quân khu. Biết tin này, anh Nguyễn Thành Út, Chủ nhiệm Chính trị quân khu khi đó ở phòng kế bên phòng khách đã bảo công vụ mang hai suất cơm của cả anh và tôi về phòng để hai người cùng ăn cho vui. Ngoài ra, anh còn nói với Cục Chính trị cho tôi mượn một chiếc xe đạp Phượng hoàng mới tinh để khi rảnh rỗi tôi có thể dạo quanh phố phường Đà Nẵng-một trong những trung tâm của miền Trung và Tây Nguyên như cách nói của anh Út.
Theo giới thiệu của anh Nguyễn Thành Út, tôi đến thăm Xí nghiệp Dược 34. Trong câu chuyện với anh Phạm Viết Trang, Giám đốc xí nghiệp, tôi bỗng nhận ra người đồng ngũ thuộc lớp tuyển sinh đại học quân sự đầu tiên của Quân đội ta trước đó một phần tư thế kỷ nên tình như người nhà. Anh Trang đã kể cho tôi nghe tất cả thuận lợi và khó khăn của một xí nghiệp đi đầu trong hạch toán kinh doanh tự trang trải. Đồng cảm với những suy nghĩ của anh, sau đó tôi đã viết bài về Xí nghiệp Dược 34 Quân khu 5 với nhan đề “Hạch toán và trăn trở”, được bạn đọc chú ý.
Cũng tại đây, tôi đã gặp Đặng Trung Hội, cán bộ chính trị của Xí nghiệp Dược 34. Nghe anh giới thiệu về thành tích của một cán bộ kỹ thuật, tôi cảm nhận anh là người có năng khiếu nên đã động viên anh viết bài về tấm gương lao động tốt này. Sau bài viết đầu tay được đăng trên Báo QĐND với sự giúp đỡ của tôi, Đặng Trung Hội tiếp tục viết. Rồi đến một ngày, nhận thấy anh viết đã tương đối ổn, tôi giới thiệu anh với các phòng biên tập. Đúng như dự báo của tôi trước đó, anh lọt vào "mắt xanh" của Ban biên tập Báo QĐND và trở thành Trưởng cơ quan thường trực đầu tiên của báo tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Những năm sau đó, Đặng Trung Hội và Lê Anh Dũng đã sát cánh cùng nhau quản lý địa bàn, không để sót lọt sự kiện. Trên thực tế, các anh đã có nhiều bài viết tốt được bạn đọc đánh giá cao và đoạt giải báo chí toàn quốc.
Đọc và làm theo Báo QĐND
Giữa năm 1998, chúng tôi lên đường mở cơ quan thường trực Báo QĐND tại TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắc. Chúng tôi đã làm việc trực tiếp với anh Tất Thắng, Tổng biên tập Báo Đắc Lắc, đặt vấn đề "xin" một phóng viên trẻ của báo về cơ quan thường trực Báo QĐND. Thuyết phục mãi anh Thắng mới đồng ý. Trong suốt thời gian công tác tại Đắc Lắc, mặc dù công việc nhiều, phải làm cả ngày lẫn đêm rất vất vả nhưng tôi vẫn lặng lẽ làm việc một mình, không gặp, không thông báo cho người phóng viên trẻ nói trên biết tin vui được Báo QĐND lựa chọn.
Trong khi chờ Lê Anh Dũng từ Đà Nẵng lên làm phóng viên thường trực đầu tiên của Báo QĐND tại Đắc Lắc, tôi đã làm việc với UBND tỉnh, được đồng chí chủ tịch UBND tỉnh mời dự và phát biểu tại cuộc giao ban cán bộ chủ chốt của tỉnh. Tại hội nghị này, đồng chí chủ tịch UBND tỉnh và các thành viên tham dự đã vui mừng chào đón Báo QĐND đặt cơ quan thường trực tại TP Buôn Ma Thuột. Đồng chí chủ tịch UBND tỉnh giao Bộ CHQS tỉnh dành vị trí nhà đất thích hợp nhất để Báo QĐND đặt cơ quan thường trực và khẳng định tiền sửa chữa nhà sẽ do tỉnh chi trả. Đồng chí chủ tịch UBND tỉnh cũng giao Văn phòng UBND tỉnh dành một chiếc ô tô của lãnh đạo tỉnh và chọn một lái xe giỏi sẵn sàng đưa đồng chí cán bộ Báo QĐND đi thăm các tỉnh Tây Nguyên, vận động cán bộ, nhân dân đọc và làm theo Báo QĐND. Lúc đó, cả hội trường vang lên tràng pháo tay hưởng ứng.
Khi Lê Anh Dũng có mặt tại Buôn Ma Thuột, hai chúng tôi cùng nhau xem xét tất cả những địa điểm mà Bộ CHQS tỉnh có ý định dành cho cơ quan thường trực Báo QĐND và đã chọn căn nhà nay là số 1A Bùi Hữu Nghĩa, TP Buôn Ma Thuột-nơi vốn là vị trí đóng quân của đơn vị thông tin liên lạc của Bộ CHQS tỉnh. Việc xuất bản, phát hành Báo QĐND tại Đắc Lắc đã đi vào nền nếp. Sau khi sắp xếp công việc, bố trí người trực xuất bản chu toàn, chúng tôi được UBND tỉnh Đắc Lắc cử người dẫn đi thăm, làm việc tại một số nơi trong tỉnh rồi qua Gia Lai, Kon Tum, vào Binh đoàn 15, thăm, tặng quà một số hộ dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt và thăm, làm việc tại công trường thủy điện Yaly... Sau chuyến công tác, tôi viết một bài ký dài với tiêu đề “Yaly-Dòng nước, dòng điện” đăng trên Báo QĐND để tri ân những người đã, đang và sẽ thắp sáng vùng đất Tây Nguyên tươi đẹp của Tổ quốc.
Năm 2001, Báo QĐND mở cơ quan thường trực, xuất bản và phát hành báo tại Quân khu 4. Yêu cầu nhiệm vụ lần này rất cao vì được thực hiện trong suốt quá trình diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng. Và lần này tôi lại nhận nhiệm vụ "mở đường". Ngay từ buổi gặp gỡ đầu tiên, các đồng chí lãnh đạo Quân khu 4 đã khẳng định: Việc Báo QĐND mở cơ quan thường trực tại Quân khu 4 vào thời điểm quan trọng này là vinh dự lớn của quân khu. Quân khu 4 sẽ làm tất cả để Đại hội toàn quốc lần thứ IX của Đảng thành công tốt đẹp. Trước mắt, quân khu giao Cục Chính trị bố trí cho nhà báo ăn nghỉ tại nhà khách quân khu T50 và điều nhà báo Thuận Thắng, phóng viên Báo Quân khu 4 sang hỗ trợ theo đề nghị của Báo QĐND. Từ đó, nhà báo Thuận Thắng trở thành phóng viên thường trú đầu tiên của Báo QĐND tại Quân khu 4 .
... Sau khi thực hiện thành công các đề án phát triển Báo QĐND, dù trực tiếp quản lý một ấn phẩm hoặc tiếp tục đi mở cơ quan thường trực của Báo QĐND ở các vùng, miền trong cả nước, vất vả, đôi khi mệt mỏi nhưng tôi vẫn thấy rất vui. Bởi trong tâm trí tôi, mỗi việc tôi làm, mỗi nơi tôi đến đều là những miền ký ức thú vị và không phai mờ. Thay lời kết, tôi tạm mượn câu thơ của nhà thơ Chế Lan Viên để nói lên nỗi lòng mình: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”.
Đại tá VŨ THĂNG