Cánh cổng vừa mở, tôi ngỡ ngàng không dám tin vào mắt mình. Người phụ nữ đứng trước mặt tôi khá nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, khác xa với cái tuổi "thất thập cổ lai hy" của bà. Nét đẹp tuổi thanh xuân còn phảng phất trong ánh mắt, nụ cười hồn hậu mà thoạt nhìn tôi không thể tưởng tượng bà là cựu chiến sĩ biệt động nức tiếng một thời với biệt danh “Chim sắt”.

“Chim sắt” Nguyễn Thị Thu Nguyệt từng là thành viên Đội biệt động 159 Biệt động Sài Gòn từ khi mới 14 tuổi. Với tính cách hoạt bát, nhanh nhẹn và vô cùng gan dạ, dù bị địch bắt treo lủng lẳng trên cao, phía dưới là chó béc-giê hung hãn, nhưng Thu Nguyệt vẫn tỉnh bơ, không hề run sơ. Bởi thế, bà được đồng đội đặt cho biệt danh “Chim sắt”. Bà tham gia hoạt động cách mạng với nhiệm vụ giao liên, đưa người vào chiến khu, mang tài liệu công văn, vận chuyển vũ khí vào nội thành… Bà đã cùng đồng đội lập nhiều chiến công, gây hoang mang cho quân thù. Song, chiến công vang dội của bà là đưa mìn nổ chậm vào sân bay Tân Sơn Nhất, gài được mìn hẹn giờ trên máy bay Boeing 707 với ý định tiêu diệt đoàn sĩ quan Hoa Kỳ. Bà Nguyệt kể:

- Để thực hiện được trận đánh quan trọng này, Đội biệt động 159 lập kế hoạch chuẩn bị từ trước, tiến hành gài người vào làm nhân viên điều khiển không lưu ở sân bay, mang bí số E8; đồng thời giao cho tôi đóng vai người yêu của E8 ra vào sân bay để nghiên cứu, nắm tình hình, quy luật hoạt động của mục tiêu. Tuy nhiên, vấn đề là làm thế nào đưa được thuốc nổ vào máy bay, bởi bọn địch kiểm soát rất nghiêm ngặt và chỉ có tụi cố vấn, sĩ quan Mỹ mới được đi chuyến bay đó. Suy nghĩ mãi, tôi đề xuất phương án giả mang bầu để chuyển thuốc nổ vào sân bay. Phương án được tổ chức nhất trí, kiếm thêm cho tôi một túi xách tay giống hệt của cố vấn Mỹ để thuận tiện tráo đổi. Nhờ vậy, kế hoạch được thực hiện trót lọt.

Bà Nguyệt (thứ hai, từ trái sang) cùng đồng đội giao lưu với tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Nhiều ngày liền, Thu Nguyệt phải tập mang bụng bầu, đi lại cho thật giống để không bị nghi ngờ. Chính điều này khiến bà bị nhiều người cười chê bởi hư đốn, chưa chồng mà chửa. Vượt lên tất cả những lời dị nghị, Thu Nguyệt dành hết tâm trí, thời gian cho nhiệm vụ, không hề giải thích với ai. Sau khi hoàn tất công tác chuẩn bị, ngày 25-3-1963, "bà bầu" Thu Nguyệt ì ạch vào sân bay, xách theo một chiếc túi du lịch y chang túi cố vấn Mỹ thường dùng. Trong lúc ngồi chờ, bà quan sát không thấy ai để ý, liền đi nhanh vào nhà vệ sinh, gỡ thuốc nổ ra bỏ vào túi du lịch rồi bí mật đánh tráo túi đồ của cố vấn Mỹ trong phòng đợi. Hoàn thành nhiệm vụ, bà rời sân bay về nơi đã hẹn gặp đồng đội.

Số thuốc nổ đã được hẹn giờ, sau khi máy bay cất cánh 15 phút sẽ phát nổ tiêu hủy chiếc máy bay và toàn bộ hành khách gồm 80 tên cố vấn Mỹ. Thế nhưng, một sự cố kỹ thuật đã xảy ra ngoài dự kiến. Chiếc máy bay rời Sài Gòn sang tận sân bay Honolulu (Ha-oai, Hoa Kỳ), bọn cố vấn rời khỏi máy bay được 2 phút thì mìn mới phát nổ. Tuy không tên nào thương vong nhưng tiếng nổ bất ngờ phá hủy chiếc máy bay ngay trên đất Mỹ gây chấn động dư luận và khiến quân đội Mỹ hoang mang về nguy cơ mất an toàn trong các chuyến bay do bị biệt động tấn công. Chúng ra lệnh tăng cường phòng bị và kiểm soát gắt gao tất cả các chuyến bay có chở sĩ quan, cố vấn Mỹ. Lý giải sự cố này, bà Nguyệt kể:

- Do áp suất không khí ở độ cao hơn 10.000m khiến đồng hồ hẹn giờ chạy chậm hơn bình thường nên tụi cố vấn mới thoát chết trong gang tấc.

Kết thúc chiến tranh, trở về đời thường, bà Nguyệt tích cực tham gia công tác xã hội. Đảm nhiệm các cương vị tổ chức, đoàn thể giao, bà luôn tận tâm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được nhân dân tin yêu, quý mến. Trước hoàn cảnh khó khăn của đồng đội, gia đình bà đã hai lần từ chối nhận nhà theo tiêu chuẩn dành cho người có công mà tự nguyện nhường lại cho các đồng chí khác. Những năm gần đây, cứ vào dịp kỷ niệm Ngày thành lập quân đội, ngày 30-4 hoặc trước Ngày hội tòng quân…, bà thường được các nhà trường, đoàn thanh niên mời kể chuyện truyền thống để bồi đắp lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho thế hệ trẻ. Bà bảo, ở cái tuổi xưa nay hiếm, đó cũng là một niềm vui, một cách để mình cống hiến cho xã hội.

YẾN LONG