Nhà báo Đặng Minh Phương giới thiệu tờ báo Cờ Giải phóng và chiếc võng dù kỷ vật.

Với niềm đam mê với nghề báo, khát khao vào chiến trường, khiến nhà báo Đặng Minh Phương không chịu ngồi yên. Năm 1966, đang công tác tại Báo Nhân dân, ông viết đơn xung phong vào Mặt trận Khu 5, thực hiện nhiệm vụ tại tòa soạn Báo Cờ Giải phóng, cơ quan của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Trung Trung bộ.

Chiến trường Khu 5 những tháng ngày bom đạn ác liệt, các phóng viên được phân công xuống những vùng tiếp giáp địch. Tòa soạn chỉ có 3 người vừa viết bài, vẽ tranh, trình bày báo, vừa phải lo gùi gạo. Để bảo đảm bí mật, tòa soạn Báo Cờ Giải phóng liên tục thay đổi vị trí đóng quân. Để tiện lợi trong cơ động và làm việc, mỗi phóng viên được cấp 1 chiếc võng dù.

Chiếc võng dù - kỷ vật của nhà báo Đặng Minh Phương.

Cuối năm 1968, khi quân ta chuẩn bị mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân, Liên khu 5 được lệnh di chuyển trụ sở từ Trà My (Quảng Nam) về sát TP Đà Nẵng để thuận lợi trong hoạt động. Cơ quan Báo Cờ Giải phóng là một trong những đơn vị di chuyển đầu tiên để đưa tin chiến trận. Ngày thứ hai trong hành trình, đoàn của cơ quan báo và cán bộ tuyên huấn cơ quan mặt trận đến một làng nhỏ bên bờ sông Tranh. Đồng chí Phương cùng các thành viên trong đoàn vào một ngôi nhà của người dân địa phương xin nghỉ tạm. Nhà báo Đặng Minh Phương và nhà báo Nguyễn Hồng (phóng viên tòa soạn) mắc võng vào cột nhà để nằm nghỉ. Cả hai vừa thiu thiu ngủ, thì bất ngờ nghe một tiếng “rầm”. Tấm phên trước nhà rách toác, khói mù mịt. Anh Phương giật mình nhìn hai đầu chiếc võng, thấy hai lỗ thủng do mảnh đạn pháo. Hai vết thủng cách đầu và chân của anh chỉ gang tấc. Kể chuyện với chúng tôi, nhà báo Đặng Minh Phương cho hay: “Chiếc võng dù như "thần hộ mệnh" của tôi. Sau này nhiều lần được cấp võng mới, nhưng tôi không nhận, mà vẫn xin dùng chiếc võng dù bị rách hai đầu ấy”.

Những năm tháng làm báo ở chiến trường, trên chiếc võng dù bị rách do mảnh đạn pháo, nhà báo Đặng Minh Phương đã viết nhiều tin, bài về quân sự, chiến tranh nhân dân, hoạt động chiến đấu của bộ đội Liên khu 5 trên các chiến trường, góp phần tuyên truyền, cổ vũ, định hướng tư tưởng, xác định quyết tâm chiến đấu cho bộ đội luôn dám đánh và đánh thắng.  

Bài và ảnh: PHẠM KIÊN