Ngày xưa cha ông ta thường cảnh báo người chủ quan rằng: mất bò mới lo làm chuồng. Còn hôm nay, khi trâu, bò chết do rét đậm và rét hại, thật đúng là chết trâu, chết bò mới lo chống rét.

Ở xã Thượng Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình) trâu, bò chết rét gần 300 con (ảnh internet)
Câu chuyện thời sự sau Tết đi đâu cũng nghe bàn tán là trâu, bò bị chết do đói và rét, nhất là ở miền núi, vùng cao. Sự lơ là, chủ quan này đã phải trả giá quá đắt, nó phản ảnh sự thiếu sâu sát, kiểm tra nhắc nhở của cấp ủy, chính quyền cơ sở. Cứ có công văn, chỉ thị của trên ban hành xuống rồi huyện, xã ra tiếp công văn, chỉ thị truyền nối qua bưu điện, phát qua đài phát thanh, còn thực hiện hay không là việc của người khác.

Trâu, bò chết do đói, rét, không phải do bệnh tật mà do thả rông trong rừng hoặc nhốt ở nhà nhưng chuồng trại không bảo đảm, lầy lội, ngập nước và không có thức ăn. Khi nhiệt độ xuống dưới 10 độ C, những con trâu, bò non như bê, nghé bị chết trước rồi đến những trâu, bò trưởng thành. Rét đậm, rét hại kéo dài kèm theo không có nguồn thức ăn dự trữ, cây cỏ ngoài rừng cũng bị chết hoặc khô héo. Nhiều đàn trâu, bò đi chăn thả về bụng vẫn lép kẹp. Trâu, bò chết rét quá nhiều, bà con mới lo chống rét, thưng chuồng cho kín. Nhiều nhà chặt lá mít, lá sung cho trâu, bò ăn nhưng xem ra cũng không được mấy bữa. Cây chuối được thái mỏng, cho thêm muối làm thức ăn cho trâu, bò. Không ít gia đình nhìn trâu, bò chết rét nhưng đành bất lực! Có nhà đem chăn, chiếu ra đắp, quấn cho trâu, bò nhưng cũng không kịp vì chúng đã quá yếu.

Thời tiết diễn biến bất thường bất lợi cho sản xuất và chăn nuôi. Nếu chúng ta không tập trung chống rét, không cung cấp đủ thức ăn cho những con trâu, bò khỏe và bồi dưỡng kịp thời cho những con yếu thì số trâu, bò bị chết sẽ còn rất lớn! Con trâu là đầu cơ nghiệp; là thế mạnh chăn nuôi, hàng hóa của miền núi vùng cao! Mong rằng bài học đắt giá này phải được khắc phục ngay, không để tái diễn và đừng để mất trâu, chết hết bò… mới lo chống rét!

PHÙNG VĂN MÙI