Đó không chỉ là nỗi đau, niềm khắc khoải của thân nhân, gia đình các liệt sĩ mà của cả xã hội. Vì thế, cùng với quan tâm chăm lo đời sống thân nhân, gia đình người có công (NCC) thì công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt, xác minh danh tính liệt sĩ rất cần sự tham gia tích cực của toàn xã hội, góp phần chăm lo, xoa dịu nỗi đau chiến tranh. Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7), Báo Quân đội nhân dân trích đăng một số ý kiến về nội dung này.

Trung tá CHẾ NGỌC HÀ, Đội trưởng Đội Quy tập hài cốt liệt sĩ, Phòng Chính trị, Bộ CHQS tỉnh Nghệ An:

Luôn tâm niệm “Phải nhanh chóng đưa các anh về đất mẹ”

Đội Quy tập hài cốt liệt sĩ (HCLS), Bộ CHQS tỉnh Nghệ An được thành lập ngày 18-4-1984, có nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập HCLS trên địa bàn tỉnh Nghệ An và 3 tỉnh Xiêng Khoảng, Viêng Chăn, Xây Xổm Bun (Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào). Công tác tìm kiếm, quy tập thường được tổ chức vào mùa khô (từ tháng 10 năm trước đến tháng 5 năm sau). Mùa khô ở Lào, thời tiết nắng nóng khắc nghiệt, gió bỏng rát, khô hanh, nhưng khó khăn nhất là nguồn thông tin ít. Kể cả khi có thông tin chính xác, nhưng sau nhiều năm, địa hình thay đổi so với sơ đồ được cung cấp nên có những đợt tìm kiếm kéo dài cả tháng, thậm chí anh em tìm kiếm đến 4 lần trong vòng 10 năm như lần tìm 8 HCLS có họ tên tại khu vực núi Phu Phả Đen, bản Thèn Phùn, huyện Mường Khùn (tỉnh Xiêng Khoảng). Bên cạnh đó, các phần mộ liệt sĩ chủ yếu nằm ở vùng núi cao, rừng sâu, địa hình hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn. Nhiều nơi anh em phải hành quân bộ, vừa đi vừa mở đường; nguy cơ mất an toàn cao, nhất là do bom mìn sót lại... Những lúc đó, lương thực, thực phẩm, nước uống cạn kiệt, cả đội lại động viên nhau, khắc phục mọi khó khăn, quyết tâm tìm kiếm để sớm đưa các liệt sĩ trở về với quê hương, gia đình.

Nhiều năm thực hiện nhiệm vụ trên đất bạn, thường xuyên công tác xa nhà, xa Tổ quốc, chúng tôi chẳng mấy khi được đón Tết cùng gia đình. Thiệt thòi là thế nhưng cán bộ, nhân viên của đội luôn tâm niệm “Phải nhanh chóng đưa các anh về đất mẹ”. Đó cũng là động lực, mệnh lệnh không lời thôi thúc chúng tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ, vượt qua những lần bị thương, sốt rét. Với quyết tâm đó, giai đoạn 2013-2020, đội đã tìm kiếm, quy tập được 588 HCLS. Riêng mùa khô 2021-2022, đội đã tìm kiếm, quy tập được 103 HCLS.

 Đội quy tập Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 337 (Quân khu 4) quy tập hài cốt liệt sĩ. Ảnh: DUY ĐÔNG

 

Bà NGÔ THỊ THÚY HẰNG, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sĩ (MARIN):

Nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh

Từ năm 2013, Trung tâm MARIN phối hợp với Cục Người có công (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) tổ chức 28 buổi tư vấn lưu động nhằm phổ biến kiến thức tìm liệt sĩ, cung cấp thông tin về mộ liệt sĩ cũng như thông tin về nơi hy sinh, trường hợp hy sinh của liệt sĩ tới thân nhân của hơn 20.000 liệt sĩ trên cả nước. Trung tâm cũng phối hợp với các cơ quan chức năng để xác minh danh tính 932 phần mộ liệt sĩ thiếu thông tin hoặc sai thông tin bằng phương pháp thực chứng. Điều này làm lợi cho ngân sách nhà nước hàng chục tỷ đồng vì không phải thực hiện việc giám định HCLS. Với tâm nguyện “kết nối để hàn gắn vết thương chiến tranh”, trung tâm luôn mong muốn có sự phối hợp của các sở lao động-thương binh và xã hội cùng bộ CHQS các tỉnh, thành phố để có thể đưa thông tin về liệt sĩ đến với các gia đình chính xác và nhanh chóng nhất. Dự kiến trong thời gian tới, trung tâm sẽ kết hợp với Trung tâm Việt Nam và lưu trữ tại Đại học Texas Tech ở Lubbock, Texas (Hoa Kỳ) tổ chức tìm kiếm và trao trả nhiều kỷ vật chiến tranh cho thân nhân liệt sĩ cũng như khai thác dữ liệu về các hố chôn liệt sĩ tập thể.

----------

Anh NGUYỄN VŨ CHIÊN, Phó bí thư Tỉnh đoàn Nam Định:

Thanh niên phải luôn biết ơn, sống có trách nhiệm với những hy sinh của cha anh

Ngay từ đầu tháng 7, tổ chức đoàn các cấp đã tổ chức nhiều điểm khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho gia đình chính sách, thương binh, bệnh binh, người già neo đơn, Bà mẹ Việt Nam anh hùng... Chúng tôi cũng vận động nguồn lực, đóng góp ngày công xây dựng và tu sửa nhà tình nghĩa, nhà nhân ái cho các gia đình chính sách; tu sửa, chỉnh trang, làm vệ sinh các bia, đài tưởng niệm; các công trình ghi công, phần mộ, đền thờ liệt sĩ; tạo cảnh quan môi trường sạch, đẹp tại các nghĩa trang, tượng đài liệt sĩ và các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh Nam Định. Những hoạt động trên của tổ chức đoàn các cấp góp phần chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho thân nhân và gia đình NCC của tỉnh. Nhưng quan trọng hơn là chúng tôi muốn gửi đến thế hệ trẻ thông điệp về lòng biết ơn, sống trách nhiệm với những người đã hy sinh xương máu để chúng ta có cuộc sống hòa bình, ấm no, đủ đầy ngày hôm nay.