Họ đã trải qua nhiều khó khăn, gian khổ, đóng góp to lớn trong các thời kỳ kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mặc dù đã được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm, giải quyết chế độ, chính sách... nhưng hiện vẫn còn không ít TNXP chưa được hưởng các chế độ chính sách theo quy định.
Ông Nguyễn Cao Vãng, Phó chủ tịch Trung ương Hội Cựu TNXP Việt Nam cho biết, về giải quyết chế độ liệt sĩ cho TNXP, cả nước đã giải quyết công nhận 5.667 trường hợp, còn tồn đọng 384 trường hợp; về chế độ thương binh, đã giải quyết 35.914 hồ sơ, còn tồn đọng 6.541 hồ sơ; về chế độ nhiễm chất độc da cam, đã giải quyết 5.132 hồ sơ TNXP bị nhiễm, còn tồn đọng 10.701 hồ sơ; đã giải quyết 1.477 hồ sơ con TNXP bị nhiễm, còn tồn đọng 409 hồ sơ; về chế độ bảo hiểm y tế, đã giải quyết 183.412 hồ sơ, còn tồn đọng 33.480 hồ sơ; về trợ cấp mai táng phí, đã giải quyết 22.739 hồ sơ, còn tồn đọng 4.601 hồ sơ.
Chia sẻ về việc tồn đọng công nhận thương binh, liệt sĩ, ông Nguyễn Cao Vãng cho biết, việc tồn đọng công nhận thương binh, liệt sĩ cho TNXP có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do tính chất lịch sử để lại. Đó là TNXP khi đó chưa có tổ chức chính quy, thời gian thì đã quá lâu dẫn đến hồ sơ thất lạc hoặc không có giấy tờ gốc; người hy sinh chỉ còn đồng đội trong đơn vị biết; nhiều người bị thương còn vết thương thực thể. Trong khi đó, một số văn bản về chế độ, chính sách như Pháp lệnh Ưu đãi Người có công, Nghị định 31/2013/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư 28/2013/TTLT- BLĐTBXH-BQP của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) và Bộ Quốc phòng chưa sát với tình hình thực tế của TNXP. Ví dụ, khoản 1, Điều 3 Thông tư 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP quy định căn cứ xác nhận liệt sĩ: “Có danh sách liệt sĩ lưu tại cơ quan, đơn vị có ghi tên người hy sinh…”. Thế nhưng do tính chất lịch sử, các đơn vị TNXP sau khi hoàn thành nhiệm vụ đã giải thể, số TNXP làm nhiệm vụ ở Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải và các địa phương cũng đều không được lưu giữ. Vậy, làm sao có thể “có giấy tờ lưu tại cơ quan chức năng” để công nhận là liệt sĩ. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp hy sinh, bị thương đã lập hồ sơ theo các quy định cũ nhưng do thay đổi chính sách cũng chưa giải quyết được. Số hồ sơ này còn ở hội cựu TNXP các cấp và cá nhân lưu giữ. Tất cả hồ sơ tồn đọng này năm 2017 chưa được giải quyết theo quy trình Quyết định số 408/2017/QĐ-BLĐTBXH ngày 20-3-2017 của Bộ LĐ-TB&XH. Đã thế, nhiều trường hợp chưa lập được hồ sơ, chỉ có danh sách khai ở địa phương và hội cựu TNXP các cấp về hy sinh, bị thương của mình.
Trước tình hình trên, với vai trò là nhân chứng lịch sử, tháng 8-2016, Trung ương Hội Cựu TNXP Việt Nam đã trực tiếp báo cáo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc những vướng mắc trong việc công nhận thương binh, liệt sĩ, người nhiễm chất độc da cam. Thủ tướng đã có ý kiến chỉ đạo tại Thông báo kết luận số 276/TB-VPCP ngày 6-9-2016 của Văn phòng Chính phủ, giao Bộ LĐ-TB&XH và các bộ, ngành liên quan xem xét giải quyết. Bộ LĐ-TB &XH đã rất quan tâm, chỉ đạo thành lập tổ công tác liên ngành giữa Trung ương Hội Cựu TNXP và Cục Người có công khảo sát thí điểm tình hình hồ sơ thương binh, liệt sĩ tồn đọng tại 4 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ngãi, Bình Định. Ngày 4-6-2018, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đã có văn bản kết luận, thống nhất cho giải quyết các trường hợp đề nghị liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh của TNXP được vận dụng theo quy trình tại Quyết định 408/QĐ-LĐTBXH ngày 20-3-2007 của Bộ LĐ-TB&XH giải quyết đối với từng trường hợp cụ thể đang áp dụng cho quân đội và công an.
Còn về TNXP và con đẻ bị nhiễm chất độc hóa học, những trường hợp này tồn đọng do chủ yếu hoạt động ở vùng giáp ranh giữa tỉnh Quảng Bình với tỉnh Quảng Trị và biên giới Việt-Lào. Trong khi đó Nghị định 31/2013/NĐ-CP quy định địa bàn hoạt động phải từ Quảng Trị trở vào và 10 xã của huyện Vĩnh Linh mới được giải quyết. Tuy nhiên, chất độc hóa học có thể khuếch tán trong không khi và trôi theo dòng nước nên vùng ảnh hưởng cần được mở rộng. Trung ương Hội Cựu TNXP Việt Nam cũng đã báo và Thủ tướng đã chỉ đạo giao Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng nghiên cứu công bố địa bàn giáp ranh bị nhiễm chất độc hóa học làm cơ sở cho Bộ LĐ-TB&XH xem xét sửa đổi, bổ sung thủ tục và hồ sơ giải quyết. Mới đây, Trung ương Hội Cựu TNXP Việt Nam cũng đã có văn bản và làm việc trực tiếp với hai bộ. Cán bộ hai bộ cũng có tính thống nhất cao về tính lịch sử, tính thực tế của sự việc và sẽ báo cáo cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho bổ sung địa bàn để tháo gỡ vấn đề này trong thời gian sớm nhất.
Việc giải quyết chế độ, chính sách cho TNXP dù đã có chủ trương nhưng sẽ còn những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện. Theo ông Nguyễn Cao Vãng thì các TNXP hầu hết tuổi đã cao, thân nhân đề nghị công nhận liệt sĩ, nhất là thời kỳ chống Pháp thì có gia đình không còn ai hoặc biết rất ít về người hy sinh. Mặt khác, trình độ cán bộ, hội viên ở cơ sở còn hạn chế… nên việc hoàn thiện hồ sơ là một trong những trở ngại lớn. Vì vậy, bên cạnh những chủ trương đúng thì rất cần sự nỗ lực, chung sức hơn nữa của các cán bộ chức năng ở cả Trung ương và địa phương cùng với hội cựu TNXP...
KIM DUNG