Những tờ báo ra đời trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp được giới nghiên cứu, sưu tập gọi chung là “báo chiến khu”. Trải qua hàng chục năm với bao biến động, rất hiếm tờ báo còn nguyên vẹn, đầy đủ các số báo. Thật may, nhờ sự tạo điều kiện, giúp đỡ nhiệt tình của Thư viện Quân đội và một số nhà sưu tập, chúng tôi đã được đọc gần hết các số báo của hai tờ Vệ Quốc quânQuân du kích.

Báo Vệ Quốc quân ra đời từ chủ trương của Trung ương Quân ủy (nay là Quân ủy Trung ương) tại Hội nghị chính trị viên toàn quân lần thứ nhất diễn ra tháng 2-1947. Chỉ sau chưa đến một tháng, ngày 10-3-1947, Báo Vệ Quốc quân số 1 đã hoàn thành trong sự cố gắng vượt bậc của đội ngũ làm báo, in ấn trong điều kiện thiếu thốn trăm bề.

Trang nhất của Báo Vệ Quốc quân (số 14) và Quân du kích (số 1).

Việc ra đời tờ báo của quân đội được quân và dân ta hào hứng đón đợi. Đặc biệt, Báo Vệ Quốc quân được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm, Bác đã gửi thư chúc mừng Báo Vệ Quốc quân ra số đầu tiên, Người nhấn mạnh: “Vệ Quốc quân là quân đội của nhân dân, để bảo vệ đồng bào, giữ gìn Tổ quốc. Báo Vệ Quốc quân là cốt để nâng cao tinh thần và kỷ luật của bộ đội”. Thấm nhuần lời dạy của Bác, gần 70 số báo Vệ Quốc quân trong hơn 3 năm tồn tại đã phản ánh đậm nét không khí, chiến công của cán bộ, chiến sĩ trên tuyến đầu chống giặc. Đọc kỹ các nội dung khác trên Báo Vệ Quốc quân, có thể thấy tờ báo luôn bám sát các sự kiện của quân đội và đất nước thông qua các số báo đặc biệt, các “bài đinh”. Đáng chú ý là số báo đặc biệt ra Ngày Thương binh-Liệt sĩ đầu tiên (27-7-1947), phản ánh các hoạt động đền ơn đáp nghĩa; số báo về Phong trào “Mùa đông binh sĩ”, kêu gọi sức dân giúp bộ đội có thêm áo ấm vượt qua mùa đông núi rừng để giết giặc, lập công.

Nhiều vấn đề thuộc về tâm tư, tình cảm, chính sách... cũng được Báo Vệ Quốc quân quan tâm, nhanh chóng có bài viết như là “liều thuốc tinh thần” cho bộ đội. Chẳng hạn, có bạn đọc gửi thư về tòa soạn thắc mắc chuyện người lính Vệ Quốc quân làm việc văn phòng tẻ nhạt, không được ra trận, lại thiệt thòi về cấp bậc. Báo Vệ Quốc quân đã rất khéo léo định hướng tư tưởng trong công tác tuyên truyền để quân và dân hiểu được người lính “bàn giấy” có nhiệm vụ quan trọng không kém người lính trên mặt trận; đồng thời “nhắc nhở” người lính làm việc ở văn phòng cần nỗ lực làm việc vì mục tiêu chung là thắng lợi của cuộc kháng chiến.

Báo Quân du kích do Cục Dân quân chỉ đạo nội dung, ra đời sau Báo Vệ Quốc quân một năm. Trong số 1 ra ngày 1-4-1948, Báo Quân du kích nói rõ mục đích ra đời: “Nêu cao thành tích về mọi ngành. Phổ biến kinh nghiệm về mọi mặt. Vạch rõ chủ trương và công tác thống nhất. Đảm bảo sự thực hiện chiến thuật du kích”. Định hướng cách thức làm Báo Quân du kích được Bác Hồ căn dặn trong một bức thư: “Viết sao cho giản đơn, dễ hiểu, thiết thực. Sao cho mỗi đồng bào, mỗi chiến sĩ đều đọc được, hiểu được, nhớ được, làm được”.

Với tôn chỉ, mục đích là tờ báo dành cho dân quân nên khác với Báo Vệ Quốc quân có nhiều chuyên mục phù hợp với mọi người, Báo Quân du kích lại có những đặc trưng khá giống với một tờ tạp chí. Báo thường xuyên đăng những bài viết dài tràn hai trang báo của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Cục trưởng Cục Dân quân Lê Liêm (sau này là Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị kiêm Chủ nhiệm Báo Quân đội nhân dân), những bài phổ biến kiến thức về chiến tranh du kích, kinh nghiệm chiến đấu... Tất nhiên, với cách dùng từ phổ thông, dễ hiểu, hành văn ngắn gọn, súc tích nên dù bài viết dài, đề cập vấn đề “chuyên môn” về chiến tranh du kích nhưng đọc không mệt mỏi mà vẫn hấp dẫn.

Để “mềm hóa” tờ báo và phục vụ đời sống tinh thần dân quân, Báo Quân du kích cũng thường xuyên đăng các phóng sự, bản nhạc, truyện ngắn, bài thơ đặc sắc, tranh châm biếm...

Cẩn trọng lật giở từng trang báo mỏng có tuổi đời hơn 70 năm mà trong chúng tôi dâng lên niềm xúc động. Dẫu có đọc tài liệu lịch sử ghi lại sự khó khăn trong làm báo thời bấy giờ khi phải vận chuyển máy móc, vật tư hàng trăm cây số bằng phương tiện thô sơ; hằng đêm, công nhân nhà in và cán bộ tòa soạn đốt đuốc, thắp đèn bằng dầu trẩu để lắp máy, sắp chữ lên khuôn, sửa bài, đọc mo-rát... chúng tôi vẫn không thể hình dung thế hệ làm báo đi trước đã làm thế nào vượt qua bao khó khăn, hạn chế của thời kỳ kháng chiến để thực hiện những trang báo hay, thiết thực, khá hiện đại và chuyên nghiệp đến vậy!

Có đọc những trang báo sinh ra trong khói lửa chiến trường mới thấm thía lời dạy của Bác: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Làm báo nói chung là làm cách mạng nhưng với hai tờ báo Vệ Quốc quânQuân du kích, thế hệ làm báo chiến khu đã thực sự đặt nền móng cho phẩm chất nhà báo chiến sĩ cao đẹp. Nhà báo chiến sĩ đồng nghĩa với không ngại khó, không ngại khổ, tuân thủ kỷ luật quân đội; xung phong lên tuyến đầu, bám sát thực tiễn, phản ánh đời sống, chiến đấu của quân và dân ta. Ngày nay làm báo đã thực sự khác xưa, có nhiều phương tiện, thiết bị hiện đại hỗ trợ nhưng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của độc giả, hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao thì yếu tố con người vẫn quan trọng nhất. Phẩm chất nhà báo chiến sĩ vì thế càng tỏa sáng, để thế hệ làm báo Báo Quân đội nhân dân hiện nay luôn tự hào, không ngừng phấn đấu vươn lên.

HÀM ĐAN