Bộ Nội vụ đang làm rõ thực chất số cán bộ công chức (CBCC) chuyển từ khu vực công sang khu vực tư và sẽ đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền, quyết định chế độ, chính sách cho phù hợp để động viên CBCC làm việc cho cơ quan Nhà nước, phát huy năng lực và sở trường, yên tâm công tác hơn. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn trả lời báo chí bên lề phiên thảo luận của UBTVQH về dự thảo Luật Công vụ.

- Thời gian qua, báo chí đã phản ánh hiện tượng chảy máu chất xám ở nhiều cơ quan Nhà nước. Nguyên nhân ra đi của các cán bộ nhà nước, thậm chí có chức vụ rất cao, là lương bổng và môi trường làm việc. Bộ Nội vụ đã có những giải pháp gì nhằm hạn chế tình trạng này?

- Về lương, thu nhập, chúng tôi đã nói ở nhiều diễn đàn, kể cả trước Quốc hội, rằng chúng ta đang thực hiện cải cách tiền lương nhưng cải cách phải dựa trên cơ sở phát triển kinh tế và điều kiện kinh tế cho phép. Trong lộ trình cải cách đó, sẽ từng bước nâng dần lương đội ngũ công chức lên. Nhưng mặt khác, trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, có những đơn vị có quyền chủ động hơn trong việc bố trí sắp xếp lương, vì vậy có những người thấy được đáp ứng ở khu vực tư thì họ chuyển sang.

Chúng ta mong muốn người giỏi làm ở khu vực công, nhưng cũng có một thực tế là chúng ta đang động viên các thành phần kinh tế cùng phát triển. Cho nên một số người ra khu vực tư nhân làm việc có điều kiện đóng thuế tốt, góp phần cho phát triển kinh tế đất nước, thì cũng bổ trợ cho việc chúng ta giải quyết chính sách cho khu vực công.

- Còn về môi trường làm việc?

- Trong dự Luật Công vụ, Chính phủ cũng đề ra những quy định cụ thể về chính sách nhà ở, điều kiện, môi trường làm việc để công chức có điều kiện làm việc tốt, phục vụ lâu dài cho Nhà nước.

- Bộ trưởng có nói làn sóng di chuyển công chức từ khu vực công sang tư có mặt tốt. Nhưng đặt vấn đề ngược trở lại là nếu không có người giỏi ở khu vực công thì có phải là điều đáng lo ngại không?

- Đó là điều đáng phải suy nghĩ, nhưng chúng ta không thể nóng vội trong một thời gian mà có thể nâng lương cho cán bộ ở khu vực công cao hơn hẳn khu vực tư nhân được. Bởi đi liền với nó là một loạt cơ chế, chính sách và quan trọng nhất là phải phát triển kinh tế. Chúng ta trả lương cho CBCC trên cơ sở kinh tế của chúng ta phát triển. Như thế mới bền vững.

- Bộ trưởng nhận định thế nào về ý kiến cho rằng cơ quan Nhà nước hiện nay khó tuyển được người giỏi, tuyển được rồi thì khó giữ chân họ?

- Thực ra đó cũng chỉ là nhận định của một vài người chứ chưa phải là tổng kết có tính khảo sát về mặt khoa học. Chúng tôi thấy rằng không phải hiện nay các cơ quan Nhà nước không tuyển được người giỏi. Rất nhiều người giỏi có năng lực vẫn muốn vào làm cơ quan Nhà nước. Và không phải người giỏi đều ra ngoài đâu. Có một bộ phận thôi. Ngoài việc thu nhập, người ta còn có lý tưởng, có trách nhiệm với Nhà nước. Rất nhiều người có tài năng vẫn làm việc ở cơ quan Nhà nước. Người làm quản lý như tôi suy nghĩ rằng, làm thế nào để động viên được họ, đừng để khai thác quá nhiều nhiệt tình của họ, mà phải quan tâm, đãi ngộ cho phù hợp hơn.

LINH OANH (ghi)