Hà Nội hiện có hơn 200 văn phòng, công ty, trung tâm tư vấn pháp luật (TVPL) tham gia giải đáp, hướng dẫn pháp luật với đa dạng các lĩnh vực: hình sự, dân sự, lao động, đất đai, hôn nhân và gia đình, thương mại, hành chính, khiếu nại tố cáo...

Tư vấn pháp luật cho khách hàng (ảnh internet).

Theo quy định, tư vấn viên (TVV) pháp luật phải là người có bằng cử nhân luật, có thời gian công tác pháp luật từ 3 năm trở lên, đã được bồi dưỡng kỹ năng tư vấn. Như vậy, chỉ những người có đủ trình độ và kinh nghiệm nhất định mới được công nhận. Một thực tế phổ biến là hầu hết các cử nhân luật trẻ tuổi chẳng mấy ai muốn làm việc tại đây vì thu nhập quá thấp, mức phí quy định theo Nghị định 65 đã không còn phù hợp. Ngay cả phạm vi hoạt động cũng tồn tại nhiều bất cập. Chẳng hạn quy định TVV chỉ được tư vấn soạn thảo hợp đồng có giá trị dưới 100 triệu đồng. Quy định này là không hợp lý, bởi thực tế hợp đồng có giá trị cao hay thấp thì thân chủ cũng chỉ đưa ra yêu cầu chừng ấy nội dung cần TVPL. Mặt khác, TVV cũng không được đại diện tham gia bào chữa, bảo vệ quyền lợi tại các cơ quan tố tụng. Trường hợp được cơ quan chủ quản giao thực hiện bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho thành viên tổ chức mình hoặc đối tượng khác theo quy định của pháp luật tố tụng thì lại không được lấy danh nghĩa TVV. Luật Hình sự cho phép bào chữa viên nhân dân tham gia tố tụng, trong khi đó các TVV là người am hiểu pháp luật thì lại bị hạn chế quyền này(!).

Biểu phí hiện hành khiến nhiều chi nhánh của Trung tâm đang đứng trước nguy cơ giải thể. Tại Điều 10, Khoản 3, Nghị định 65 quy định: "Mức phí được thu tối đa như sau: Hướng dẫn, giải đáp pháp luật bằng miệng, cung cấp các thông tin pháp luật, văn bản pháp luật là 50.000 đồng/vụ việc; Hướng dẫn, giải đáp pháp luật bằng văn bản là 100.000 đồng/vụ việc; Tư vấn soạn thảo đơn, di chúc và các giấy tờ khác là 100.000 đồng/vụ việc; Tư vấn soạn thảo hợp đồng 200.000 đồng/vụ việc". Với mức phí này, tại chi nhánh số 5 của Trung tâm, phí thu được không đủ trang trải cho những chi phí tối thiểu của văn phòng như: điện thoại, văn phòng phẩm, điện nước... Trên thực tế, thật khó có thể áp dụng một mức giá chung cho các dịch vụ tư vấn.

Những bất cập trong quy định về hoạt động tư vấn pháp luật như trên đã khiến cho hoạt động của loại hình tư vấn pháp luật này bị "biến thiên" dưới các hình thức khác nhau, ngày càng khó kiểm soát. Điều đó bắt buộc phải có những sự điều chỉnh, những thay đổi mang tính toàn diện, phù hợp với thực tiễn của hoạt động này...

KIM ANH