Cách đây tròn 10 năm, không rõ do “sáng kiến” của ai, ốc bươu vàng đã được nhập vào nước ta. Với khả năng ăn rất nhiều, sinh sản rất nhanh, ốc bươu vàng đã được một số người lúc bấy giờ suy tôn là con vật giúp cho nông dân xóa đói, giảm nghèo. Thực tế lúc ấy cũng có không ít người giàu lên nhờ bán giống ốc bươu vàng. Thế nhưng, chỉ trong thời gian ngắn, chẳng ai dám mua ốc bươu vàng nữa vì thịt nó nhạt thếch. Ốc bươu vàng từ ao nuôi tràn ra cánh đồng và bắt đầu gây hại. Một trong những món khoái khẩu nhất của ốc bươu vàng là thân và lá lúa. Đã có không biết bao nhiêu thóc thiệt hại do ốc bươu vàng gây ra và từ đó đến nay, mỗi năm Nhà nước đã phải chi hàng trăm triệu đồng để tiêu diệt loài ốc này, nhưng dịch ốc bươu vàng vẫn chưa chấm dứt.
Sau bài học ốc bươu vàng là “phong trào” nuôi chuột hải ly. Cũng có ý kiến nhà khoa học phổ biến trên báo, đài, cũng tổ chức khá rầm rộ, nhưng chỉ được vài năm, các nhà khoa học đã phát hiện ra mặt trái của loài chuột này và Nhà nước ta đã cấm nuôi.
Bài học từ ốc bươu vàng và chuột hải ly tưởng đã thấm, thế nhưng, mới đây, trên thị trường lại xuất hiện thêm một số động vật, thực vật lạ từ nước ngoài vào Việt Nam như cá tỳ bà, cá nheo Âu, cá hổ, rùa tai đỏ…
Theo ý kiến của các nhà khoa học: Các loài động vật, thực vật lạ từ nước ngoài vào Việt Nam có thể thích ứng nhanh với điều kiện thời tiết, khí hậu, lai với các giống bản địa, sẽ tạo ra những dòng giống khỏe nên dễ dàng xảy ra tình trạng cạnh tranh thức ăn và lai tạp làm cho các loài bản địa không còn thuần chủng nữa. Đối với thực vật, chúng có thể làm cho những loài cây bản địa ở xung quanh không thể phát triển được.
Sự xâm nhập của các sinh vật lạ, nhất là những loài mới vào nước ta tuy ở mức độ chưa lớn, nhưng đang tiềm ẩn nguy cơ gây tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp. Chính vì vậy, cần phải thiết lập một hệ thống “hàng rào” đủ mạnh để chống sự xâm nhập của các sinh vật ngoại lai. Trước khi nhập giống cây, con từ nước ngoài vào Việt Nam cần có sự đánh giá kỹ lưỡng của các nhà khoa học và phải có thời gian đánh giá, kiểm nghiệm trước khi nhân rộng. Bài học ốc bươu vàng sau 10 năm vẫn… nóng.
Phú Thọ