Bởi vậy, nhà trường đã tạo nên trang sử không kém hào hùng, phản ánh những nỗ lực vượt lên chính mình, qua mọi gian lao, thử thách, hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ. Đó cũng là niềm tự hào của các thế hệ cán bộ, học viên, nhân viên, chiến sĩ, nhắc nhở họ phát huy truyền thống đơn vị trong cuộc sống.
Mười lăm năm ấy biết bao nghĩa nghĩa tình!
Tiền thân của Trường Hạ sĩ quan Quân khu 3 là Lớp Tập huấn Cán bộ tăng cường cho Quân khu Hữu Ngạn, khai giảng tháng 10-1971, tại xã Đồng Tâm (Lạc Thủy, Hòa Bình); một năm sau, di chuyển về xã Ba Sao (Kim Bảng, Hà Nam Ninh-nay là Hà Nam) lấy tên là Trường Tập huấn quân sự Quân khu Hữu Ngạn. Tháng 12-1974, trường nhận đào tạo thêm cán bộ cấp phân đội về kỹ - chiến thuật pháo cao xạ, thông tin, trinh sát và đổi tên thành Trường Tập huấn quân sự-Binh chủng Quân khu Hữu Ngạn.
Năm 1976, Quân khu Hữu Ngạn và Quân khu Tả Ngạn sáp nhập thành Quân khu 3, tách khối huấn luyện binh chủng ra khỏi trường để nhập vào đơn vị khác, đồng thời đổi tên trường thành Trường Hạ sĩ quan Quân khu 3 (THSQQK3) cùng với di chuyển trường đến xã Thạch Bình, huyện Nho quan (Ninh Bình). Từ đây, nhiệm vụ chính trị của trường là đào tạo cán bộ Tiểu đội trưởng, Quản trị trưởng.
 |
Ban Liên lạc truyền thống THSQQK3 vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, năm 2002. Ảnh tư liệu. |
Kể từ “buổi ban đầu” (năm 1971) cho đến khi giải thể (năm 1986), nhà trường đã vừa góp phần đáp ứng yêu cầu của tiền tuyến, “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”; cùng toàn quân, toàn dân khắc phục hậu quả chiến tranh với chế độ bao cấp, kinh tế kiệt quệ, đời sống vô cùng khó khăn; lại vừa phải gồng mình lên, bảo vệ biên giới ở phía Tây Nam, phía Bắc, và làm nghĩa nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia. Nhiều cán bộ của trường được điều động đến các đơn vị trấn giữ biên cương.
Trong bối cảnh ấy, nhà trường thường xuyên phải điều chỉnh, đổi thay để đáp ứng trúng mục tiêu yêu cầu đào tạo ứng với những đối tượng, thời cuộc khác nhau. Mỗi lần như thế, cán bộ, nhân viên, học viên, chiến sĩ của trường như bước vào chiến dịch. “Chung lưng đấu cật” chạy đua với thời gian. Khẩn trương di chuyển, củng cố tổ chức, sắp xếp giảng đường, thao trường, phương tiện học tập, nơi ăn chốn ở. Quyết liệt vượt qua mọi khó khăn, hướng ra tiền tuyến, hướng về cơ sở, thực hiện thi đua ba tốt: “Dạy tốt - Học tập rèn luyện tốt - Công tác và phục vụ tốt”. Không hiếm lúc cán bộ, giáo viên ăn dở bữa cơm đã phải đứng dậy để kịp giờ huấn luyện. Vậy mà, thao trường, bãi tập khi giải lao vẫn bát ngát tiếng cười…
Chúng tôi đọc lá thư của cụ ông (là cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954, Trung tá quân đội, thân sinh Đại tá Trần Quảng Bình) gửi con trai ngày 15-7-1983 (khi ấy anh Bình 20 tuổi, là Binh nhất, học viên lớp Tiểu đội trưởng khóa 1982), có đoạn: “Em Hương nhắc đến anh (Bình) nhiều. Cứ có bữa ăn tươi lại nhắc đến anh Bình. Ba mợ mong con khắc phục mọi khó khăn thiếu thốn, phấn đấu học giỏi, tiến bộ mọi mặt để sau này ra trường làm được việc cho quân đội, góp phần làm cho gia đình ta thêm phần hạnh phúc. Hẹn ngày sum họp, ba mợ sẽ bồi dưỡng bù cho con”… thì không nén nổi xúc động, càng hiểu thêm về đời sống của học viên nhà trường hồi ấy: “Cơm độn bo bo. “Ăn mãi” chẳng no. Vẫn miệt mài lăn, lê toài, bò”, đương nhiên, cũng rất đỗi tự hào về các anh.
Ngoài nhiệm vụ chính trị, nhà trường còn thắt chặt mối đoàn kết quân dân. Mỗi khi mùa mưa lũ, cán bộ, học viên sát cánh với nhân dân địa phương trị thủy sông Bôi, sông Hoàng Long. Có những đêm trắng, dàn hàng ngang trên mặt đê, dùng bao cát, sọt đá tạo con chạch ngăn nước chống tràn, bảo vệ tính mạng và tài sản của dân. Nông vụ chí kỳ, cán bộ, học viên cùng xuống đồng giúp dân cấy cày, gặt lúa chạy lụt…
Qua 15 năm làm nhiệm vụ, trường đã đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ - chiến thuật quân sự cho lớp lớp cán bộ cấp tiểu đội, và một số đối tượng khác của quân khu; cho “ra lò” hàng ngàn cán bộ Tiểu đội trưởng, Quản trị trưởng, đáp ứng yêu cầu của Quân khu 3 và chi viện cho các đơn vị theo quyết định của Bộ. Bên cạnh đó, còn làm nghĩa vụ quốc tế, đào tạo cán bộ cấp tiểu đội giúp Lào và Campuchia.
Hầu hết số học viên ra trường và số cán bộ, nhân viên khung được quân đội điều chuyển đi nhận nhiệm vụ tại các đơn vị toàn quân, hoặc chuyển ngành khi giải thể nhà trường, đều phát triển tốt. Nhiều đồng chí thành cán bộ chủ chốt các cấp. Trong đó có: Thiếu tướng Hoàng Văn Lượng-Phó tư lệnh Quân khu 3, Đại biểu Quốc hội khóa XI (đã qua đời); Thiếu tướng Phạm Nghĩa Tình, Phó giám đốc Học viện Hậu cần; Đại tá Phạm Văn Chiêm, Cục trưởng Cục Hậu cần, Tổng cục Kỹ thuật; Đại tá Trần Quảng Bình, Trưởng phòng Dự án và Đầu tư, Tổng Công ty Xây dựng công trình hàng không ACC, Quân chủng Phòng Không - Không quân; Đại tá Dương Nguyên Diệp, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp Văn phòng Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Đại tá Nguyễn Hồng Phái, cán bộ Thanh tra Bộ Quốc phòng;... Các đồng chí nghỉ hưu, nghỉ theo chế độ chính sách, về tham gia xây dựng địa phương đều hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Phát huy truyền thống vẻ vang
Năm 1983, Đại tá Hoàng Anh Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Phó hiệu trưởng về chính trị THSQQK3, với tầm nhìn của người lãnh đạo và lòng yêu thương đồng đội, đã dựng lên khung BLL truyền thống của trường ngay trước khi nhà trường giải thể. Năm 2002, ông tổ chức lần gặp mặt đầu tiên, tại Hà Nội, vào lăng viếng Bác Hồ kính yêu. Hôm ấy, ông gọi đồng chí Trần Quảng Bình (lúc đó là Trung tá, thuộc cơ quan Bộ Tổng Tham mưu) và một số đồng chí cán bộ đương chức lại, dặn dò: “Trường HSQQK3 ra đời và tồn tại trong thời kỳ khó khăn gian khổ, ác liệt như thế, nhưng luôn luôn trung thành vô hạn với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, đoàn kết vượt mọi khó khăn, hướng ra tiền tuyến, hướng về cơ sở, dạy tốt, học tập rèn luyện tốt, công tác và phục vụ tốt. Trường giải thể khi tình hình kinh tế, xã hội đất nước cực kỳ khó khăn. Đa số anh chị em xuất ngũ gia cảnh thiếu thốn. Nhiều người “đất xấu nặn chẳng nên nồi”, bần hàn kéo dài. Đến khi đổi mới, mở ra cơ hội phát triển kinh tế, xã hội thì số anh chị em này vẫn chật vật vì sức khỏe giảm sút, vốn liếng không có gì đáng kể, thành ra vẫn cứ “muộn màng” về mọi mặt. Hàng trăm đồng chí nữ nhập ngũ khoảng thời gian 1971-1974, không ít thân phận “tuổi đuổi xuân đi, quá lứa lỡ thì” sống đơn thân. Cán bộ khung ngày một già. Quân số chỉ có giảm dần, vì không có nguồn bổ sung. Bởi vậy, các anh em còn trẻ khỏe, cố gắng duy trì BLL để “tiếp lửa truyền thống, hoạt động tình nghĩa và tri ân đồng đội”. Sinh thời, Thiếu tướng Hoàng Văn Lượng cũng đã nhắn gửi ý kiến ấy cho đồng đội.
 |
Đại biểu dự gặp mặt kỷ niệm 50 năm thành lập THSQQK3 (tháng 4-2021). |
Năm 2003, Đại tá Hoàng Anh Tuấn vận động đồng đội toàn trường quyên góp, xây 5 nhà tình nghĩa tặng 5 đồng chí nữ gia cảnh neo đơn, không có khả năng làm nhà ở, tại huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình. Ba năm sau ông qua đời.
Nhớ lời tiền bối trao truyền, những năm gần đây, BLL nhà trường do Đại tá Phạm Văn Chiêm (học viên lớp Tiểu đội trưởng khóa 1982) làm Trưởng Ban, đã tổ chức một số lần gặp mặt tại Thái Bình, Hà Nội… Các BLL thành viên ở các huyện thuộc tỉnh Nam Định và các huyện Chương Mỹ, Thường Tín, Phú Xuyên, quận Hà Đông (TP Hà Nội)… cũng tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa tích cực.
Năm nay, đáp lại nguyện vọng của đại đa số cán bộ, giảng viên, nhân viên, học viên của trường qua các thời kỳ, tháng Tư vừa qua, tại trụ sở J102, Cục Xe Máy, Tổng cục Kỹ thuật, xã Thạch Bình, huyện Nho Quan, Ninh Bình (trên địa bàn THSQQK3 đứng chân), Ban LL truyền thống THSQQK3 tổ chức gặp mặt kỷ niệm 50 năm thành lập trường (1971-2021).
Cuộc gặp mặt diễn ra phù hợp với yêu cầu về phòng, chống dịch Covid-19. Chương trình nội dung được chắt lọc, chỉ đề cập những vấn đề thiết thực. Âm vang Mái Trường Hạ sĩ quan Quân khu 3 dịp kỷ niệm 50 năm thành lập với bao điều nhắn gửi đậm đà ý nghĩa nhân văn. Tiễn chúng tôi, Đại tá Trần Quảng Bình-Phó trưởng ban liên lạc truyền thống nhà trường đưa tấm danh thiếp ghi số điện thoại 0983005073 và nói vui: “Trường tôi bé, nhưng là “bé hạt tiêu”! Đừng quên trường tôi nhé!”. Tiếng anh hòa trong những tiếng nói cười thiết tha theo các đại biểu về mọi miền quê…
Bài và ảnh: PHẠM XƯỞNG-QUẢNG BÌNH