Vượt lên hoàn cảnh

Khương Xuân Quỳnh sinh ra đã không biết mặt cha. Quỳnh lớn lên trong vòng tay yêu thương của mẹ, của bà ngoại ở xã Bồ Đề, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.

Năm Quỳnh 10 tuổi, mẹ Quỳnh quyết định đi tìm cuộc sống mới ở phương Nam. Quỳnh ở lại với bà ngoại đã hơn 80 tuổi. Bà cháu nương tựa vào nhau mà sống, bữa đói, bữa no lần hồi đắp đổi qua ngày. Bà thương Quỳnh nên luôn miệng dặn dò: "Cuộc sống cực khổ, thiếu thốn thế nào cháu cũng cố gắng vươn lên để thay đổi số phận của mình". Khi Quỳnh đang học lớp 6, chuẩn bị kết thúc năm học, bà Quỳnh đổ bệnh nặng rồi qua đời. 12 tuổi, Quỳnh phải tự lo cho bản thân, quyết định mọi chuyện trong cuộc sống. Quỳnh bảo, kể ra trong làng cũng còn họ hàng bên ngoại, nhưng hoàn cảnh các bác, các chú khó khăn nên cũng không giúp được gì. Lúc này, mẹ Quỳnh đã có gia đình riêng, cuộc sống còn nhiều thiếu thốn, Quỳnh lại có thêm một cô em gái cùng mẹ khác cha.

Nhìn sang bạn bè cùng trang lứa, ở độ tuổi này các bạn đang được sống trong tình yêu thương đủ đầy của cả cha và mẹ; còn Quỳnh, phải tính toán ăn bữa hôm nay lo bữa ngày mai; vừa đi học vừa đi làm thêm để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Thiếu thốn về vật chất chưa đáng sợ bằng sự cô đơn, trống trải mà Quỳnh hằng ngày phải đối diện. Quỳnh nghẹn lời kể: “Nhiều lúc tôi thèm được một lần gọi tiếng cha, được ở trong vòng tay yêu thương của mẹ, có cảm giác bình yên trong một gia đình. Đáng sợ nhất là những dịp Tết đến, xuân về. Nhìn gia đình người ta đầm ấm, sum vầy, mình thấy tủi thân lắm".

 Cán bộ đơn vị trò chuyện cùng chiến sĩ Khương Xuân Quỳnh.

Năm học lớp 10, Quỳnh quyết định dừng việc học, lên Hà Nội xin việc làm tại một công ty khử trùng với mức lương 3 triệu đồng/tháng. Năm đầu tiên, Quỳnh tiết kiệm mua được chiếc xe máy làm phương tiện đi lại. Cần mẫn, chịu thương chịu khó, cộng thêm tiền mẹ Quỳnh dành dụm gửi về hỗ trợ, tháng 7-2020, Quỳnh sửa chữa ngôi nhà mà bà ngoại để lại. Hôm đầu tiên về ở trong ngôi nhà mới, Quỳnh trằn trọc, thao thức cả đêm vì vui mừng khi không còn cảnh nhà dột mỗi khi mưa xuống.

Ấm áp nghĩa tình

“Từ ngày về ngôi nhà chung Đại đội 1, tôi được sống trong sự yêu thương của một tập thể gắn bó, đoàn kết. Tôi được mọi người quan tâm, chia sẻ, động viên trong cuộc sống và có thêm nhiều anh em, bè bạn thân thiết”-đó là những chia sẻ mộc mạc của chiến sĩ mới Khương Xuân Quỳnh khi trò chuyện với chúng tôi.

Đại úy Nguyễn Hữu Thắng, Chính trị viên phó Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 209 cho biết: “Ngay khi tiếp nhận chiến sĩ mới, nắm được hoàn cảnh của Quỳnh, cán bộ tiểu đoàn đã báo cáo với chỉ huy đơn vị, đồng thời tham mưu đề xuất giúp đỡ, tạo điều kiện để Quỳnh nhanh chóng hòa nhập với môi trường mới”. Chúng tôi được biết, giờ nghỉ, ngày nghỉ, đơn vị bố trí cán bộ sinh hoạt cùng, gần gũi trò chuyện, động viên giúp Quỳnh gỡ bỏ mặc cảm, tự ti về hoàn cảnh. Trong các buổi sinh hoạt chung, chỉ huy đơn vị khéo léo nói về hoàn cảnh của Quỳnh, những thiệt thòi trong cuộc sống và những nỗ lực cố gắng mà Quỳnh đã vượt qua, vừa để tạo sự thông cảm, chia sẻ; đồng thời cũng lấy đó làm tấm gương vượt lên hoàn cảnh, vươn lên trong cuộc sống đối với các chiến sĩ trẻ.

Hơn một tháng kể từ ngày nhập ngũ, cuộc sống của Quỳnh đã có nhiều thay đổi: Quỳnh thấy mình được sống trong sự yêu thương của tình đồng chí, đồng đội. Quỳnh trở nên hoạt bát, tự tin, mạnh dạn hơn trong các hoạt động chung của đơn vị. Không những thế, Quỳnh luôn chủ động, tích cực trong học tập và rèn luyện. Trò chuyện với chúng tôi, khuôn mặt Quỳnh rạng rỡ, ánh lên niềm vui. Quỳnh bảo: “Chắc chắn đây sẽ là khoảng thời gian đáng nhớ nhất trong cuộc đời của tôi. Ở đây đã cho tôi những tình cảm ấm áp, yêu thương của một gia đình lớn”.

Rời đơn vị, chúng tôi vẫn vấn vương ánh mắt tự tin cùng giọng nói quả quyết của Khương Xuân Quỳnh: “Tôi đã tự hứa với bản thân, ở đâu và lúc nào cũng phải thật cố gắng để trở thành người có ích. Hết thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự, tôi sẽ học nghề để có cuộc sống ổn định, có điều kiện chăm lo cho mẹ và em gái”.

Bài và ảnh: VÂN ANH