Trong đơn gửi đến báo Quân đội nhân dân, anh thắc mắc: tại sao một cán bộ quân đội chuyển ngành, đã có 4 năm công tác ở cơ quan kiểm lâm huyện Lệ Ninh, Quảng Bình, nay không được bố trí việc làm, không được bảo đảm quyền lợi... suốt 16 năm, không rõ lý do.
Anh là Đào Hữu Khớng ở thôn 6 Trung Nghĩa, xã Nghĩa Ninh, thành phố Đồng Hới, Quảng Bình.
Tháng 2-1975 đang là học sinh lớp 9, anh Đào Hữu Khớng lên đường nhập ngũ. Anh được biên chế vào đơn vị chiến đấu khu 41, Duyên hải, Vùng 4 Hải quân. Sau đó vào Căn cứ 505 của Vùng 5 Hải quân với địa bàn chiến đấu ở Cảng Kông-pông-xom (Cam-pu-chia). Vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, ngày 30-6-1986, anh được chuyển ngành với giấy chứng nhận thời gian công tác của đơn vị: "Đã phục vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam từ tháng 2-1975 đến 30-6-1986. Trong đó thời gian ở đất liền là 1 năm 8 tháng. Thời gian ở đặc khu Vũng Tàu-Côn Đảo-đảo Phú Quốc là 6 năm 6 tháng. Thời gian ở chiến trường Cam-pu-chia 3 năm". Giấy do Chỉ huy trưởng đơn vị, Đại tá Trương Quang Thái ký. Theo Quyết định số 350 QĐ-UB, ngày 10-7-1986 của UBND huyện Lệ Ninh về việc: "Điều động cán bộ theo yêu cầu nhiệm vụ phòng Lâm nghiệp Lệ Ninh", anh đến nhận công tác tại phòng Lâm nghiệp Lệ Ninh, với mức lương 322 đồng/tháng. Quyết định này do ông Đào Hữu By, Chủ tịch UBND huyện Lệ Ninh ký. Được một thời gian, cấp trên điều chuyển anh đến công tác ở Trạm kiểm lâm Troóc Vực. Năm 1987, chuyển về Trạm kiểm lâm ở Long Đại cho đến tháng 6-1990. Thời gian này, huyện Lệ Ninh được chia ra hai huyện: Lệ Thủy và Quảng Ninh. Khi hai huyện đi vào hoạt động, anh không thấy mình được bố trí công tác ở huyện nào cả. Xét thấy trong quá trình công tác bản thân luôn phát huy phẩm chất của anh bộ đội Cụ Hồ; tận tâm, tận tụy với công việc, không vi phạm kỷ luật, luôn được cấp trên và anh em quý mến, nhưng tại sao lại không được tiếp tục làm việc? Anh đến hai phòng Lâm nghiệp của hai huyện để hỏi. Cả hai đều không có tên mình trong danh sách. Anh lên huyện Lệ Thủy, được UBND trả lời: anh ở huyện Quảng Ninh thì danh sách ở huyện Quảng Ninh. Thế nhưng nhiều lần lên huyện Quảng Ninh, UBND lại nói danh sách anh ở huyện Lệ Thủy. Cứ vậy, đạp xe hàng trăm ki-lô-mét với nhiều chuyến để hỏi, cuối cùng bất lực, sức khỏe sút kém. Ngày 23-12-1993, anh viết tờ trình gửi Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh. Sau khi xem xong, Chủ tịch huyện ghi vào tờ trình, chuyển đến hạt Kiểm lâm Lệ Ninh (cũ) để xác nhận. Hạt trưởng đã xác nhận: "Anh Đào Hữu Khớng có thời gian công tác tại Hạt kiểm lâm Lệ Ninh từ tháng 7-1986 đến tháng 6-1990. Khi chia huyện, anh Khớng không có Quyết định điều động về Quảng Ninh. Tháng 7-1990 đến nay, tôi không rõ". Cầm tờ trình đến, hỏi cán bộ tổ chức thì được trả lời "anh Khớng không có trong danh sách chuyển đến, lấy gì mà giải quyết". Ngày 20-12-2002, anh viết tờ trình và kèm theo hồ sơ gửi đến các cơ quan trong tỉnh, như: Thanh tra huyện Lệ Thủy, UBND huyện Lệ Thủy, Hạt Kiểm lâm Lệ Thủy, UBND huyện Quảng Ninh, Hạt kiểm lâm Quảng Ninh, UBND tỉnh Quảng Bình, Ban Thanh tra tỉnh Quảng Bình. Chỉ có thư của Chánh Thanh tra huyện Lệ Thủy trả lời chung chung, còn các cơ quan khác đều im lặng.
Tiếp xúc với chúng tôi, anh Khớng rơm rớm nước mắt và thổ lộ: "Đau khổ quá các anh ơi, đã gần tuổi 50 nhưng tôi phải ăn bám vào vợ. Từ tháng 6-1990 đến nay tôi về nhà, không có lấy một giấy tờ gì, không được hưởng một chế độ gì. Thấy vợ làm ruộng vất vả, tôi phải vào rừng đốn củi mong sao kiếm tiền nuôi 5 đứa con ăn học, nhưng bản thân bị bệnh hen suyễn nên cũng phải bỏ. Sau đó tôi mở quán sửa chữa xe đạp để kiếm đồng ra, đồng vào, nhưng sức khỏe yếu nên ngày làm thì ít, ngày nghỉ thì nhiều. Nghĩ càng buồn. Thời trai trẻ mình xông pha trận mạc, về già không nghề nghiệp, chẳng có đồng lương để mua thuốc tự chữa bệnh cho mình nữa".
Không biết các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Bình đã có trách nhiệm như thế nào đối với cán bộ của mình? Và cơ quan lâm nghiệp huyện Lệ Ninh, khi chia tách, lẽ nào không biết trong danh sách biên chế của mình vẫn còn có một cán bộ đang công tác đang được quản lý, nay bị bỏ rơi, bỏ sót, 16 năm không có việc làm, không có lương, không được hưởng quyền lợi, chế độ gì?
TRẦN VĂN BÌNH
(
Ban Tuyên giáo, Liên đoàn lao động Quảng Bình)