Những năm qua, Nhà nước cũng như Bộ Quốc phòng đã triển khai nhiều biện pháp để xử lý triệt để loại chất độc hóa học này, nhưng còn rất nhiều vấn đề chưa thể giải quyết. Ngoài việc chất độc da cam/dioxin còn lại trong lòng đất với số lượng lớn, cần một nguồn kinh phí khổng lồ, thì công nghệ xử lý triệt để loại chất độc này vẫn chưa có giải pháp tối ưu.
Từ năm 1961 đến 1971, quân đội Mỹ đã sử dụng khoảng 74 triệu lít các chất diệt cỏ, (ước tính chứa hơn 170kg dioxin. Có tài liệu nói rằng khoảng 360kg dioxin - chất có độc tính cao nhất được biết cho đến nay) và hơn 9.000 tấn chất độc CS cùng với đạn dược chứa chất độc CS dội xuống các vùng đất của Việt Nam. Loại chất độc này đã khiến khoảng 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, môi trường sinh thái đã bị hủy hoại nghiêm trọng. Hiện nay, chất độc hóa học da cam/dioxin đang còn tồn tại ở một số khu vực với nồng độ rất nguy hiểm, chủ yếu là ở các sân bay quân sự của chế độ cũ gồm Đà Nẵng, Biên Hòa, Phù Cát... Trước kia, những nơi này được quân đội Mỹ sử dụng làm kho chứa, nơi nạp chất diệt cỏ vào máy bay trước khi đi phun rải, nơi rửa máy bay sau khi đi phun rải về và là nơi chứa các vỏ thùng đựng chất diệt cỏ sau khi đã nạp vào các phương tiện phun rải.
Các đại biểu nghe báo cáo sơ đồ khu vực xử lý thuộc Dự án "Xử lý đất nhiễm chất độc da cam/dioxin tại sân bay Biên Hòa" giai đoạn 2. Ảnh: CƯỜNG ĐỘ
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Tư lệnh Binh chủng Hóa học cho biết: Việc xử lý chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh được Đảng, Nhà nước, Quân đội đặc biệt quan tâm. Từ năm 1995 đến nay, Bộ Quốc phòng đã triển khai nhiều đề tài, nhiệm vụ và dự án điều tra, thu gom, xử lý chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh nhằm đánh giá mức độ ô nhiễm dacam/dioxin tại các điểm nóng; đề xuất các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm. Binh chủng Hóa học được Bộ giao tham gia tích cực vào nhiệm vụ này, trong đó việc xử lý đất nhiễm tại sân bay Biên Hòa đã được binh chủng bắt tay thực hiện có hiệu quả.
Giai đoạn 2006-2010, Binh chủng Hóa học đã chủ trì thực hiện chôn lấp, cô lập cách ly được gần 100.000m3 đất nhiễm chất độc hoá học/dioxin trên diện tích 4,3ha tại sân bay Biên Hoà (Dự án XĐ-1), ngăn cản phát tán dioxin ra môi trường xung quanh, góp phần cải thiện môi trường, bảo vệ sức khỏe cho bộ đội và nhân dân trong khu vực. Kết quả thực hiện, dự án đã khẳng định việc chôn lấp, cô lập cách ly hoàn toàn đất nhiễm chất độc hóa học/dioxin bằng vật liệu cách ly HDPE, vải địa kỹ thuật, vật liệu lọc Enviromat và sử dụng Bentonit để hấp phụ hiệu quả, dễ triển khai thực hiện, giá thành rẻ và phù hợp với điều kiện kinh tế Việt Nam hiện nay. Từ năm 2014, Binh chủng Hóa học tiếp tục được Bộ giao thực hiện dự án XĐ-2 đào xúc, vận chuyển, chôn lấp, cô lập cách ly khoảng hơn 50.000m3 đất nhiễm chất độc tại sân bay Biên Hòa. Binh chủng đang phấn đấu sớm hoàn thành dự án này trong Quý 2 năm 2016.
Dự án XĐ1 và XĐ2 của Binh chủng Hóa học bước đầu đã đạt được kết quả xử lý đất nhiễm chất độc da cam/dioxin bằng công nghệ chôn lấp cô lập, tuy nhiên đây là giải pháp tạm thời mà Chính phủ Việt Nam lựa chọn nhằm ngăn chặn ô nhiễm dioxin ra môi trường xung quanh. Trong tương lai, toàn bộ đất nhiễm da cam/dioxin đã chôn lấp, cô lập phải được xử lý triệt để bằng công nghệ thích hợp.
Đại tá, TS Lâm Vĩnh Ánh, Chủ nhiệm Kỹ thuật Binh chủng Hóa học cho biết, đã có một số tổ chức quốc tế như: Tổ chức Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Cục Hợp tác về phát triển Cộng hòa Séc… tham gia vào các dự án nhằm khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin. Tuy nhiên, khối lượng đất nhiễm được xử lý đạt tiêu chuẩn cho phép còn rất khiêm tốn. Hàng loạt dự án, thử nghiệm gần đây nhằm lựa chọn công nghệ tối ưu để xử lý da cam/dioxin như: Chôn lấp cô lập kết hợp xử lý sinh học tại chỗ; Công nghệ xử lý bằng cơ - hóa học MCDTM do Công ty EDL - Newzealand thực hiện năm 2012; Công nghệ xử lý hóa sinh - HPC Envirotec do HPC Group thực hiện năm 2014; Công nghệ giải hấp thu nhiệt- MCSTM do tập đoàn Thermodyne Technologies, Inc thực hiện năm 2013; Công nghệ giải hấp nhiệt trong mố (IPTD) do Terra -Therm Inc. USA thực hiện năm 2014; Giải hấp nhiệt kết hợp xúc tác... Tuy nhiên, các công nghệ trên vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện, thử nghiệm để có thể áp dụng thực tế với các loại đất và trầm tích bị nhiễm ở Việt Nam trong những năm tới. Điều kiện để triển khai các công nghệ trên đòi hỏi nhiều yếu tố đảm bảo, chi phí cho xử lý khá cao. Hơn nữa, khối lượng đất nhiễm da cam/dioxin tại Việt Nam khá lớn, do đó việc lựa chọn và xây dựng công nghệ xử lý phù hợp với điều kiện Việt Nam là rất cần thiết và cấp bách.
Đoàn công tác của Binh chủng Hóa học làm việc cùng chuyên gia Hoa Kỳ giám sát dự án xử lý Dioxin tại sân bay Đà Nẵng. Ảnh: QUANG THẮNG
Năm 2012, Việt Nam và Hoa Kỳ đã hợp tác để triển khai dự án “Xử lý đất và trầm tích nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng” với mục tiêu xử lý triệt để dioxin để loại bỏ nguy cơ gây hại đến môi trường và con người tại khu vực sân bay Đà Nẵng. Dự kiến dự án hoàn thành vào năm 2017. Chủ đầu tư là Quân chủng Phòng không-Không quân phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thực hiện. Về phía Việt Nam, Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ cho Trung tâm Công nghệ xử lý Môi trường (Binh chủng Hóa học) phối hợp với Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga thực hiện công tác giám sát và quan trắc độc lập toàn bộ quá trình thực hiện. Dự án này thời gian qua nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cấp các ngành cũng như người dân, bởi kết quả của nó sẽ mở ra triển vọng trong việc xử lý đất nhiễm da cam/dioxin tại các nơi khác như sân bay Biên Hòa (Đồng Nai), sân bay Phù Cát (Bình Định).
Dự án “Xử lý đất và trầm tích nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng” sử dụng phương pháp khử hấp thụ nhiệt tại mố IPTD (In Pile Thermal Desorption) được phát minh bởi Terra Therm - một Công ty của Mỹ. Công nghệ này sử dụng nhiều thiết bị hiện đại, đồng thời áp dụng công nghệ thông tin đối với quá trình vận hành và quản lý dữ liệu của hệ thống xử lý. Đây là công nghệ mới lần đầu tiên được áp dụng ở quy mô lớn trên thế giới, với chi phí ước tính khoảng 25 triệu đồng/m3 đất nhiễm. Công suất xử lý tối đa mỗi mẻ đạt 45.000m3 đất nhiễm, thời gian xử lý khoảng 6 - 8 tháng/mẻ. Đến thời điểm hiện nay, giai đoạn 1 của quá trình xử lý đã hoàn thành, đất sau xử lý đạt yêu cầu (dưới 150 ppt TEQ). Tuy nhiên, trong quá trình xử lý còn xảy ra những sự cố, phát thải vượt tiêu chuẩn cho phép nhưng đã được khắc phục hiệu quả. Có thể khẳng định, đây là một công nghệ xử lý triệt để dioxin trong đất khá triển vọng, cần được tiếp tục hoàn thiện để có thể áp dụng rộng rãi trong lĩnh vực xử lý dioxin và các chất hữu cơ ô nhiễm khó phân hủy khác. Tuy nhiên, với chi phí ước tính khoảng 25 triệu đồng/m3, đất nhiễm là vấn đề khá nan giải khi mà khối lượng đất nhiễm ở các khu vực còn lại không hề ít.
Song song với việc trực tiếp thực hiện các dự án điều tra, xử lý chất độc hóa học tồn lưu, Binh chủng Hóa học còn triển khai thực hiện đề tài cấp Nhà nước "Nghiên cứu lựa chọn công nghệ tích hợp xử lý triệt để da cam/dioxin trong đất và trầm tích tại sân bay Biên Hòa" của Đại tá, Tiến sĩ Lâm Vĩnh Ánh làm chủ nhiệm đề tài.
Đề tài do Viện Hóa học - Môi trường quân sự (Binh chủng Hóa học) đề xuất nhằm đánh giá khả năng xử lý của các công nghệ hiện có và đề xuất công nghệ xử lý triệt để da cam/dioxin phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Trên cơ sở các kết quả khảo sát, nghiên cứu các công nghệ xử lý đã được minh chứng, đề tài đã đề xuất công nghệ tích hợp xử lý triệt để dioxin trong đất và trầm tích. Đây là các phương án kết hợp các kỹ thuật áp dụng cho từng công đoạn xử lý, phù hợp với điều kiện thực tế cho đất và trầm tích nhiễm da cam/dioxin ở Việt Nam nhằm đạt được tiêu chí xử lý triệt để, không gây ô nhiễm môi trường thứ cấp, có tính khả thi, có thể triển khai ở quy mô lớn và có chi phí xử lý phù hợp.
Các kỹ thuật được áp dụng trong quá trình nghiên cứu, khảo sát gồm: Rửa đất và trầm tích nhiễm da cam/dioxin bằng dung dịch các chất hoạt động bề mặt (HĐBM), kết hợp xử lý da cam/dioxin trên hệ thống thiết bị rửa đất bằng các tác nhân oxy hóa - khử và vật liệu hấp phụ thích hợp và kết hợp bằng công nghệ giải hấp nhiệt có mặt nano Fe3O4/CaO cho hiệu suất làm sạch đạt 99,98 ÷ 99,99%. Ngoài da cam/dioxin, công nghệ tích hợp còn cho phép loại bỏ 82,01 ÷ 87,5% hợp chất hữu cơ của asenic trong đất nhiễm. Các sản phẩm sau xử lý của công nghệ tích hợp đáp ứng yêu cầu theo QCVN 45:2012/BTNM, khí thải phát sinh trong giai đoạn xử lý nhiệt đáp ứng yêu cầu theo QCVN 02: 2012/BTNMT được phép thải vào môi trường không khí, nước thải sau xử lý được tái sử dụng trong hệ thống dây chuyền công nghệ. Công nghệ tích hợp có khả năng xử lý triệt để dacam/dioxin cho nhiều đối tượng mẫu, hiệu suất xử lý của công nghệ tích hợp đạt 99,32%, chi phí xử lý dự kiến khoảng 150 ÷ 170 USD/tấn đất và trầm tích nhiễm. Các sản phẩm sau xử lý đáp ứng đầy đủ các yêu cầu theo QCVN 45:2012/BTNMT quy định, phù hợp cho điều kiện tiến hành xử lý một khối lượng đất nhiễm rất lớn tại Việt Nam. Mô hình công nghệ tích hợp có thể triển khai ứng dụng trong thực tế, với các quy mô lớn hơn và có khả năng chuyển giao công nghệ cho các đơn vị thực hiện công tác xử lý đất và trầm tích nhiễm da cam/dioxin.
Việc xử lý triệt để đất nhiễm chất độc da cam/dioxin trên các vùng đất ở Việt Nam là vấn đề lớn và hết sức nan giải, đồng thời cũng là vấn đề cấp bách phải giải quyết. Nó không chỉ đòi hỏi rất nhiều công sức, kinh phí mà còn cần có công nghệ tiên tiến, hiện đại. Nhà nước, các bộ, ngành, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã rất tích cực vào cuộc, tuy nhiên đây là vấn đề khắc phục hậu quả sau chiến tranh, bởi thế, đòi hỏi sự vào cuộc, trách nhiệm tham gia tích cực của Hoa Kỳ cũng như các tổ chức quốc tế. Không còn những vùng đất nhiễm, không còn những người dân phải chịu thiệt thòi do hậu quả của chất độc da cam/dioxin cũng là mong muốn chính đáng của nhân loại tiến bộ.
MINH HƯNG