Đầu tiên là việc “biết có bão nhưng vẫn cho tàu du lịch hoạt động”. Cơ quan chức năng đã xác định tàu Vịnh Xanh 58 rời bến lúc 12 giờ 55 phút ngày 19-7. Thời điểm đó, tâm bão số 3 cách vịnh Hạ Long hơn 1.000km về phía Đông, chưa có lệnh cấm tàu xuất bến vì bão chưa ảnh hưởng tới khu vực này.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cơn dông chiều 19-7 quét rất mạnh từ miền Bắc vào miền Trung là do ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục đi qua Bắc Bộ, không phải do ảnh hưởng của bão số 3. Đây là một siêu mây dông hiếm gặp trong khí tượng, rất khó dự báo. Thực tế, từ chiều đến tối 19-7, trận dông lốc bất ngờ này đã quét qua nhiều địa phương, gây thiệt hại cả trên biển và đất liền, khiến nhiều tàu, thuyền nhỏ ở vùng biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh bị lật. Lúc 13 giờ 30 phút ngày 19-7, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Quảng Ninh có cảnh báo dông lốc, tàu Vịnh Xanh 58 đã rời bến được hơn 30 phút. Vịnh Hạ Long đang nắng đẹp, trời trong xanh thì dông lốc kéo đến rất nhanh, các tàu đang hoạt động hoàn toàn bị bất ngờ.

Lực lượng tìm kiếm cứu nạn tiếp cận tàu bị lật trong điều kiện thời tiết xấu. Ảnh do Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Hòn Gai cung cấp

Về thông tin cho rằng "triển khai CHCN chậm, hơn 3 giờ sau khi tàu bị chìm thì lực lượng cứu hộ mới đến hiện trường". Thực tế cho thấy, tàu Vịnh Xanh 58 mất tín hiệu GPS từ 14 giờ 5 phút, nhưng hơn một giờ sau (lúc 15 giờ 13 phút) thì mới báo tin cho Trạm Biên phòng cửa khẩu thuộc Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Hòn Gai, Ban chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Ninh. Nguyên nhân dẫn đến việc báo tin chậm cần được làm rõ và xử lý trách nhiệm, rút kinh nghiệm nghiêm túc, có giải pháp khắc phục để không tiếp tục xảy ra; nhất là cần ban hành các quy định về bảo đảm an toàn cao hơn theo chuẩn quốc tế, đặc biệt phải trang bị hệ thống báo tin tự động và vị trí trong tình huống khẩn cấp trên tất cả tàu chở khách du lịch. Nếu lực lượng chức năng biết tin sớm thì chắc chắn sẽ hạn chế được thiệt hại.

Ngay khi nhận được tin báo, Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Hòn Gai đã lập tức triển khai TKCN và báo cáo cấp trên. Đại tá Hoàng Văn Thuyết, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh khẳng định: Công tác CHCN không chậm trễ. Lực lượng cứu hộ của Quân đội đã lập tức cơ động TKCN ngay khi nhận được thông tin; tỉnh Quảng Ninh, Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự Quốc gia và Bộ Quốc phòng đã điều động nhiều lực lượng tham gia TKCN. Cụ thể, lúc 15 giờ 13 phút ngày 19-7, Trạm Biên phòng cửa khẩu thuộc Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Hòn Gai nhận được tin báo tàu Vịnh Xanh 58 mất kết nối GPS, nghi gặp nạn khi đưa khách đi tham quan tuyến 2 trên vịnh Hạ Long, không có tọa độ cụ thể. 

Tiếp nhận thông tin, Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Hòn Gai báo cáo ngay Ban chỉ huy BĐBP tỉnh, đồng thời lệnh cho tổ công tác của đơn vị dùng 2 xuồng đi TKCN. Tuy nhiên, lúc này trời nhiều mây mù, gió mạnh, tầm nhìn hạn chế nên sau vài vòng cơ động trên vịnh để tìm kiếm, đến 16 giờ 9 phút, tổ công tác mới tìm thấy tàu bị lật và khẩn trương cứu vớt được 7 nạn nhân còn sống. Ngay sau đó, tàu của Hải đội 2 do Ban chỉ huy BĐBP tỉnh điều động cũng đến hiện trường, tiếp nhận 3 nạn nhân từ tàu của ngư dân cứu vớt và một người từ tàu gặp nạn, đưa vào bờ chuyển đi cấp cứu. Trong số 11 nạn nhân được cứu sống ban đầu, một người đã tử vong sau khi đưa đến bệnh viện.

Các lực lượng tìm kiếm cứu nạn xuyên đêm. Ảnh: VĂN ĐẢM

Điện thoại của phóng viên Báo QĐND còn lưu tin nhắn và hình ảnh xuồng của BĐBP cùng xuồng của cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và CHCN đang tiếp cận tàu Vịnh Xanh 58 bị lật để cứu người (do Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Ninh gửi đến lúc 16 giờ 25 phút). Trước đó, xuồng của Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Hòn Gai đã tìm thấy tàu bị lật và đưa được 4 nạn nhân vào bờ, khi quay ra để cứu tiếp thì chiến sĩ trên xuồng ghi lại hình ảnh tàu của cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cùng chiếc xuồng thứ hai của Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Hòn Gai đang cứu 2 nạn nhân bám trên đáy tàu bị lật.

Thời điểm này cách lúc chiếc xuồng thứ nhất của Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Hòn Gai phát hiện, cứu 4 nạn nhân đầu tiên khoảng 20 phút. Trừ cả thời gian chiến sĩ gửi tin nhắn báo cáo cấp trên và một lúc sau Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy BĐBP tỉnh mới chuyển tiếp đến phóng viên (sau khi báo cáo Bộ CHQS tỉnh), thì có thể thấy BĐBP đã tìm thấy tàu bị lật và tiến hành cứu nạn lúc khoảng 16 giờ 10 phút (hơn 50 phút sau khi nhận được tin báo và 2 giờ 5 phút từ khi tàu Vịnh Xanh 58 mất tín hiệu GPS, chứ không phải hơn 3 giờ).  

Nhận được báo cáo vụ việc từ Ban chỉ huy BĐBP, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh cũng kịp thời báo cáo Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và Bộ tư lệnh Quân khu 3...; đồng thời lệnh cho Đội tàu tuần tra của Bộ CHQS tỉnh nhanh chóng cơ động, phối hợp cùng Ban chỉ huy BĐBP và Công an tỉnh TKCN. Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Ninh báo cáo Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự Quốc gia đề nghị chi viện lực lượng, phương tiện, đồng thời triển khai cho các lực lượng: Công an, Quân sự, Biên phòng, Cảng vụ hàng hải, Trung tâm cấp cứu mỏ Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam, Sở Nông nghiệp và Môi trường, Sở Y tế, Ban Quản lý vịnh Hạ Long... và các cơ quan chức năng huy động người, phương tiện tham gia TKCN.

Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và các đồng chí lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam, Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự Quốc gia, Quân khu 3, Quân chủng Hải quân, BĐBP, Cảnh sát biển, Bộ CHQS, Ban chỉ huy BĐBP tỉnh... trực tiếp ra hiện trường chỉ đạo lực lượng gần 1.000 người với hơn 100 tàu, xuồng các loại, có các phương tiện đặc chủng và thợ lặn dân sự, đặc công nước hải quân tiến hành TKCN xuyên đêm. Đến 1 giờ 40 phút ngày 20-7, các lực lượng đã tìm vớt được 45/49 người (10 người còn sống, 35 người tử vong), trục vớt tàu bị lật đưa về cảng. Sau đó, lực lượng chức năng tiếp tục tìm kiếm, đến 16 giờ ngày 22-7 tìm được thêm thi thể 2 nạn nhân, hiện đang tìm kiếm 2 nạn nhân mất tích.

Như vậy, ngay khi nhận được thông tin tàu Vịnh Xanh 58 mất kết nối tín hiệu GPS, dù mới nghi gặp nạn và trong điều kiện thời tiết xấu, lại chưa biết vị trí cụ thể, nhưng lực lượng chức năng đã khẩn trương vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao, huy động tổng lực để TKCN.

Với ý kiến thắc mắc “tàu bị lật không chìm hẳn, sao không kéo lên ngay để cứu người?”. Phóng viên có mặt tại Sở chỉ huy TKCN và hiện trường được chứng kiến các đồng chí lãnh đạo cùng chuyên gia về TKCN bàn tính kỹ. Khi tàu lật ở trạng thái “bán nổi”, bên trong có thể vẫn còn người sống nên phải nhanh chóng đưa thợ lặn vào tìm cứu; những nạn nhân đã tử vong thì thi thể cũng cần được giữ nguyên. Nếu kéo tàu lên ngay, việc điều phương tiện đến kéo cũng mất một khoảng thời gian; mặt khác, quá trình kéo tàu lên, nước sẽ tràn mạnh vào các khoang khiến nạn nhân còn sống bị va đập và nhấn chìm; nạn nhân đã tử vong sẽ bị nước đẩy ra ngoài và cuốn đi chỗ khác, rất khó tìm kiếm. Vì thế, phương án sử dụng thợ lặn tìm, đưa nạn nhân ra ngoài rồi mới kéo tàu bị lật lên là hợp lý hơn cả.

Việc không điều máy bay trực thăng đi CHCN ngay là bởi thời tiết chiều 19-7 rất xấu, trong dông lốc thì máy bay không thể an toàn khi hoạt động TKCN trên biển (thực tế, nhiều chuyến bay hàng không dân dụng ra miền Bắc cũng không hạ cánh được, phải chuyển sang sân bay khác và phải lùi giờ bay). Chưa kể, tàu bị lật ngay trong vịnh Hạ Long, nơi có nhiều tàu, thuyền, tiện cơ động lực lượng đến TKCN thì không cần thiết phải sử dụng máy bay trực thăng TKCN, nếu sử dụng cũng không hiệu quả.

Vụ lật tàu du lịch Vịnh Xanh 58 gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là rất đau xót và đáng tiếc. Các cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và xử lý nghiêm sai phạm của các tập thể, cá nhân liên quan (nếu có). Tuy nhiên, nếu trực tiếp chứng kiến hoặc xem các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh công tác TKCN được các lực lượng tiến hành khẩn trương trong dông gió, đêm tối, nhiều người bơi lặn, ngâm nước suốt nhiều giờ, quên ăn và không ngủ, chúng ta sẽ thấy rõ sự nỗ lực, trách nhiệm hết mình vì tính mạng của nhân dân. Vì thế, cần nghiêm túc nhìn nhận đúng sự việc trên cơ sở có chuyên môn nghiệp vụ TKCN và hoàn cảnh thực tế, không tùy tiện phán xét thiếu khách quan.

Ngày 20-7, Công an tỉnh Quảng Ninh đã xác minh, xử lý vi phạm hành chính đối với công dân N.H.A.T. (sinh năm 1982, trú tại phường Hồng Gai) về hành vi đăng nội dung sai sự thật trên mạng xã hội liên quan đến vụ lật tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, gây nhiễu loạn thông tin, tác động tiêu cực tới tâm lý người dân và làm ảnh hưởng đến nỗ lực của các lực lượng chức năng đang trực tiếp TKCN.  

HUY QUANG

 *Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.