* Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an gửi vòng hoa viếng

Các đồng chí: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an gửi vòng hoa viếng. Đoàn đại biểu lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội do đồng chí Trịnh Đình Dũng, Phó thủ tướng Chính phủ, dẫn đầu vào viếng. Phó thủ tướng Chính Phủ Trịnh Đình Dũng ghi trong sổ tang: “Vô cùng thương tiếc các đồng chí đã hy sinh anh dũng khi thực hiện nhiệm vụ TKCN những người dân mất tích tại xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Các đồng chí là những tướng lĩnh, cán bộ lãnh đạo chính quyền, các sĩ quan, chiến sĩ và nhà báo. Sự hy sinh của các đồng chí là biểu tượng cao đẹp của truyền thống dân tộc, biểu tượng của tinh thần dũng cảm, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ vì nước, vì dân”.

Lễ truy điệu. Ảnh: TRẦN HOÀI.

Đoàn đại biểu Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng do Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu; tham gia đoàn có Thượng tướng Đỗ Căn, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, vào viếng các liệt sĩ.  Đến viếng các liệt sĩ còn có các đoàn đại biểu: Bộ Công an, Bộ tư lệnh Quân khu 4, tỉnh Thừa Thiên-Huế và hàng trăm đoàn đại biểu các tỉnh, thành, ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, cùng đông đảo nhân dân.

Nước mắt đồng đội

Để bảo đảm cử hành lễ viếng, lễ truy điệu các liệt sĩ được chu đáo nhất, Thượng tướng Phan Văn Giang đã chủ trì một cuộc họp ngắn tại Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên-Huế. Vị tướng bản lĩnh can trường, kinh qua trận mạc đã không cầm được nước mắt khi buộc lòng phải thông tin về sự kiện không ai muốn chỉ vừa mới xảy ra cách đó 5 giờ. “Trước khi bắt đầu tôi xin có ý kiến với 13 gia đình thân nhân và các đồng chí có mặt ngày hôm nay. Lúc 1 giờ đêm ngày 17-10, tại Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 337 của Quân khu 4, tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị tiếp tục xảy ra sạt lở làm 22 cán bộ, chiến sĩ bị vùi lấp. Tôi xin phép để điện thoại ở chế độ có chuông vì tôi còn đang phải chỉ huy quân đội khẩn trương làm nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn và các nhiệm vụ khác”-Thượng tướng Phan Văn Giang nghẹn ngào, nước mắt không kìm được trên gương mặt ông.

Những ngày trung tuần tháng mười, Huế mưa tầm tã. Khi các liệt sĩ được đồng đội đón về chuẩn bị cho tang lễ, Huế mưa như lòng người nhưng đến khi các anh chuẩn bị về với mẹ cha, vợ con... thì trời ngừng mưa! Chỉ ít giờ nữa, 13 liệt sĩ sẽ chia tay nhau để các anh trở về với nơi chôn nhau, cắt rốn. Đất mẹ sẽ đón các anh, ôm các anh vào lòng, ấm áp trong tình cảm của người thân, dòng họ. Bởi thế mà từ sáng sớm, đông đảo người dân thành phố Huế và các vùng lân cận đã đứng hai bên đường trước cổng Bệnh viện Quân y 268 thành những dãy dài để đón đợi, tiễn đưa 13 liệt sĩ. Nhiều cụ già, cựu chiến binh nhắc lại với nhau, kể cho nhau nghe nhiều câu chuyện cảm động về gương hy sinh dũng cảm, hoàn cảnh gia đình của các liệt sĩ.

Trong điếu văn truy điệu, Trung tướng Nguyễn Doãn Anh, Tư lệnh Quân khu 4 khẳng định: "13 đồng chí hy sinh là những tướng lĩnh, cán bộ cao cấp giữ trọng trách cao trong LLVT Quân khu 4; Cục Cứu hộ-Cứu nạn (Bộ Tổng Tham mưu); trong chính quyền địa phương, là những sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, cán bộ ưu tú của quân khu và địa phương. Các đồng chí đã anh dũng hy sinh cho sự bình yên của nhân dân trước thiên tai, bão lụt. Chúng ta đã, đang thực sự sống trong cuộc chiến đấu giữa thời bình, hành động "phía trước là nhân dân" với mệnh lệnh từ trái tim, luôn sẵn sàng có mặt ở nơi hiểm nguy để cứu giúp nhân dân là hành động cao đẹp, thể hiện sâu sắc phẩm chất sáng ngời và bản lĩnh của “Bộ đội Cụ Hồ"; của những công chức, viên chức mẫu mực, trách nhiệm, tận tụy, thực sự là công bộc, là người “đầy tớ" trung thành của nhân dân. Các chiến sĩ hy sinh là mất mát đau thương đối với quân và nhân dân cả nước. Trong những ngày qua, trước sự hy sinh của các đồng chí, Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Quân khu 4 và nhân dân cả nước tiếc thương, đau xót trước sự mất mát không thể bù đắp này. Thân nhân hãy nhận của chúng tôi sự tiếc thương vô hạn và sâu sắc. Xin gửi lời chào vĩnh biệt, các chiến sĩ an nghỉ trong lòng đất mẹ. Phẩm chất đạo đức và sự dũng cảm của các đồng chí luôn sống mãi trong tim của đồng đội và nhân dân. Xin kính cẩn nghiêng mình trước sự hy sinh cao cả của các chiến sĩ giữ bình yên cho nhân dân...".

 Di chuyển thi hài các Liệt sỹ đưa về quê nhà. Ảnh: TRẦN HOÀI.

Lời hứa dang dở

Cách đây hơn một tuần, Thượng tá Hoàng Mai Vui, Phó trưởng phòng Xe máy, Cục Kỹ thuật, Quân khu 4, vui mừng thông báo với đồng đội cùng cơ quan, con trai anh là Hoàng Mai Trung Hiếu vừa trúng tuyển vào Học viện Y Dược cổ truyền Việt Nam. Anh đã xin phép cơ quan tạo điều kiện để ngày 17 và 18-10 này về đưa con trai đầu lòng đi nhập học. Niềm vui, niềm tự hào của người bố đang trào dâng với bao cảm xúc thì thông tin trên địa bàn các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế có mưa rất to, gây ngập lụt một số nơi... Tạm gác lại lời hẹn với con, trưa ngày 11-10, anh lên đường tham gia đoàn công tác của Bộ tư lệnh Quân khu 4 vào tỉnh Thừa Thiên-Huế kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống lũ lụt, TKCN. Trước lúc đi, anh gọi điện cho con trai và nói: "Các tỉnh phía nam quân khu đang bị ngập lụt, bố phải cùng đồng đội đi giúp nhân dân. Mong sao lũ rút nhanh, bà con an toàn, cuối tuần sau bố sẽ về đưa con đi nhập học...". Thế mà nay, lời hẹn của người cha đã mãi mãi không còn thành hiện thực được nữa!

 Tại lễ tang, một hình ảnh khiến chúng tôi không cầm được nước mắt, đó là con gái của liệt sĩ Trương Anh Quốc trong tiếng khóc nấc gọi bố. Vì còn quá nhỏ, cháu vẫn chưa hiểu được người cha thân yêu đã ra đi mãi mãi, nhưng hình ảnh của anh vẫn còn mãi trong lòng người dân, cán bộ, chiến sĩ LLVT. Đó sẽ là động lực để sau này cháu lớn lên với niềm tự hào là con của Bộ đội Cụ Hồ đã hy sinh vì nhân dân.

Đó cũng chính là mong mỏi của những người đồng chí, đồng đội với thân nhân người đã khuất. Bằng tình cảm, trách nhiệm của mình, Thượng tướng, Tổng Tham mưu trưởng Phan Văn Giang ghi trong sổ tang: Thượng tướng Phan Văn Giang-Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam-ghi vào sổ tang: "Xin gửi tới gia đình các đồng chí lời chia sẻ chân thành về sự hy sinh, mất mát không gì bù đắp nổi. Mong các gia đình nén đau thương, sớm vượt qua khó khăn để ổn định cuộc sống và nuôi dạy con cháu tiến bộ, trưởng thành như nguyện vọng của các đồng chí trước lúc đi xa".

... Tiếng gió rít, mưa quật trên mái tôn khiến căn nhà vốn đã neo người của Đại úy QNCN Đinh Văn Trung, Đài trưởng 15W, Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Thông tin 80, Quân khu 4, nay càng vang vọng trong sự trống vắng. Có mặt lúc này ở nhà chỉ còn người già và trẻ con, mọi người trong gia đình đều đã có mặt ở Huế, chuẩn bị cho lễ tang của 13 đồng chí. Hôm đó, nhận nhiệm vụ lên đường, anh Trung chỉ ăn tạm ít lương khô và hứa xong nhiệm vụ sẽ trở về tổ chức sinh nhật cho cho cô con gái chỉ còn 20 ngày nữa là tròn 1 tuổi. Vậy mà đêm 12-10 định mệnh ấy đã khiến lời hứa trở về của anh Trung mãi mãi không thể thực hiện.

Tại xã Nghi Liên, TP Vinh, Nghệ An, gia đình Thiếu tá Nguyễn Cảnh Cường, Đại đội trưởng Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Thông tin 80, Quân khu 4 cũng chung một nỗi đau mất mát. Ông Nguyễn Kim Anh (60 tuổi), bố của liệt sĩ Nguyễn Cảnh Cường ngậm ngùi: “Gia đình tôi bốn đời đi bộ đội nên hiểu rõ đã là người lính thì nhiệm vụ nào cũng sẵn sàng, nhất là nhiệm vụ bảo đảm thông tin liên lạc trong mọi hoàn cảnh, mọi hiểm nguy, nhưng nỗi đau này quá lớn. Cường mới cưới vợ cuối năm ngoái, vợ chồng cháu chưa kịp có con”. Là đơn vị bảo đảm thông tin liên lạc, Cường ít khi được về nhà, dù chỉ cách có 8km. 

Nhìn ngôi nhà cấp 4 của gia đình Đại úy QNCN Trương Anh Quốc, nhân viên Điệp báo chiến dịch, Phòng Tham mưu, Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên-Huế đang xây dở dang mà lòng chúng tôi quặn thắt. Ngôi nhà là sự chắt chiu, vay mượn của vợ chồng anh. Vừa lo việc đơn vị, vừa lo việc nhà, anh tranh thủ mỗi khi được về làm quần quật để kịp có chỗ che mưa nắng cho mẹ, cùng vợ và hai con thơ trước mùa mưa bão. “Mấy ngày đi theo đoàn công tác giúp dân, mỗi khi gọi điện về nhà anh luôn động viên, dặn vợ cố gắng chăm sóc hai con cho tốt. Anh nói, sau đợt công tác này, anh sẽ xin nghỉ phép để về xây cho xong nhà cho ba mẹ con có chỗ ở, đỡ phải nay đây mai đó. Rứa mà, anh ơi! Nhà mình chưa xây xong...!”, chị Nhàn, vợ anh, nấc lên nghẹn ngào.

Nhìn tấm hình Thượng tá Lê Tất Thắng, Phó lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn Thông tin 80, Quân khu 4 đang giao nhiệm vụ cho hai đồng chí là Đại úy Nguyễn Cảnh Cường và Thượng úy Đinh Văn Trung trước khi theo đoàn cán bộ vào hiện trường sạt lở tại Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 mà đồng đội không kìm nổi nước mắt. Qua lời kể của một đồng chí may mắn thoát nạn, trên đoạn đường ấy, phân đội thông tin cực kỳ vất vả vì ngoài quân tư trang, các anh còn mang mỗi người một bộ máy thông tin được buộc chặt sau lớp áo mưa chật cứng. Nhiều đoạn đường phải trèo đèo lội suối hay bùn sình, đất đá ngập chân rút mãi không lên nhưng các anh vẫn rất cẩn trọng bảo đảm an toàn khô ráo, sạch sẽ cho máy móc thông tin, bảo đảm TTLL kịp thời và thông suốt được ngay. Đúng 20 giờ 15 phút ngày 12-10, phiên liên lạc đầu tiên với Sở chỉ huy tiền phương được nối thông trong sự vui mừng của hai đầu sóng điện. Trong phiên liên lạc cuối cùng, các anh còn hẹn Đài sở chỉ huy tiền phương đúng 5 giờ sáng hôm sau mở máy liên lạc. Vậy mà, phiên liên lạc đó đã không bao giờ được nối thông, thực hiện được nữa.

Khi đoàn xe tang dừng lại trước nhà đồng chí Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, nhiều người không kìm nén được cảm xúc đã bật khóc thành tiếng. Sự ra đi của đồng chí Chủ tịch huyện quá đột ngột với tất cả cán bộ và nhân dân địa phương. Họ quá đau thương vì vừa mất đi một người lãnh đạo trẻ, nhiệt huyết, tài năng, suốt ngày lăn lộn về cơ sở lo lắng cho dân. Đợt lũ vừa qua, nhà anh bị ngập sâu, mẹ già đang nằm viện nhưng anh nén lại để về tận các xã thấp trũng, trực tiếp chỉ đạo cứu người và tài sản của dân thâu đêm. Đồng chí Hồ Đôn, Chánh văn phòng UBND huyện tâm sự: “Đồng chí Chủ tịch huyện những ngày mưa lũ liên tục về các thôn xã trực tiếp giúp dân, nhiều đêm gần như thức trắng, ăn mì tôm qua bữa cùng bà con". Chị Nguyễn Thị Hồng, hàng xóm của anh Bình nói trong nước mắt: “Tui chẳng mấy khi thấy anh Bình ở nhà. Anh thấy đó, nhà Chủ tịch huyện mà nhìn đơn sơ thua cả nhà dân. Anh suốt ngày chỉ lo nghĩ và làm việc vì người dân chúng tôi, không thương, không tiếc răng được...!”. Còn với liệt sĩ Phạm Văn Hướng (Trưởng phòng Thông tin tuyên truyền, Cổng thông tin điện tử UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế), theo nguyện vọng của gia đình, linh cữu anh sẽ được đưa ra Thanh Hóa hỏa táng. Sau đó, gia đình sẽ mang tro cốt về quê nhà Thái Bình. Một người thân của liệt sĩ cho biết: "Trong này Hướng không còn ai cả, chúng tôi muốn đưa em ấy về quê".

Trong khi lễ tang được cử hành, nỗi tiếc nhớ còn khôn nguôi thì trên hướng Quảng Trị, Rào Trăng, lực lượng TKCN tiếp tục lên đường. Đoàn công tác của Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên-Huế gồm 16 đồng chí cán bộ, chiến sĩ do Trung tá Phan Thắng, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng chỉ huy tiếp tục hành quân vào Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 để trinh sát, bàn biện pháp TKCN 15 người hiện vẫn còn mất tích, đồng thời tiếp tế lương thực, thực phẩm và nhiên liệu cho số công nhân ở đây.

Đó là một biểu hiện của biến đau thương thành hành động cụ thể, khẩn thiết trong thực hiện nhiệm vụ TKCN của các LLVT nhân dân, của cấp ủy, chính quyền địa phương. Như lời của Trung tướng Nguyễn Doãn Anh, Tư lệnh Quân khu 4 tâm sự với thân nhân các liệt sĩ: “LLVT Quân khu 4 tiếc thương vô hạn trước mất  mát, hy sinh lớn này. Và chúng tôi càng xây dựng quyết tâm cao nhất, ý chí vững bền nhất hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tìm dân, cứu dân, để xứng đáng với niềm tin yêu và sự hy sinh của các đồng chí”.

 TRẦN HOÀI – KHÁNH TRÌNH – TUẤN SƠN – ĐÌNH THĂNG