Một câu hỏi được đặt ra là, vì sao tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng bị thất nghiệp vẫn tiếp tục có xu hướng tăng mạnh? Tại đối thoại trực tuyến với chủ đề “Việc làm, thị trường lao động Việt Nam trong tiến trình hội nhập” do Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ tổ chức ngày 27-12, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp đã trao đổi một số thông tin quanh vấn đề này.

Theo đó, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho rằng, thị trường lao động vẫn tiếp nhận và giải quyết việc làm cho đối tượng tốt nghiệp đại học, cao đẳng. Tuy nhiên, vấn đề việc làm đó có phù hợp với chuyên ngành họ được đào tạo hay không lại là một vấn đề. Tình trạng sinh viên tốt nghiệp xong đi chạy uber, grab là có thực, hay nói cách khác, câu chuyện “thừa thầy, thiếu thợ” vẫn đang tiếp diễn trong thị trường lao động Việt Nam.

Toàn cảnh đối thoại.

Lý giải cho vấn đề này, theo Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp có vài nguyên nhân chính như: Chất lượng công tác dự báo nhu cầu thị trường lao động chưa tốt dẫn đến chúng ta hướng nghiệp không dựa vào nhu cầu thị trường mà dựa vào kinh nghiệm là chính; cơ cấu đào tạo bất hợp lý; tâm lý “sính trường đại học” hơn là học nghề, học trung cấp…

Để tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng thất nghiệp không tiếp tục tăng cao, theo ông Doãn Mậu Diệp, cần làm tốt một số vấn đề như: Làm tốt công tác dự báo nhu cầu thị trường lao động; đẩy mạnh công tác hướng nghiệp một cách chuyên nghiệp; thay đổi tâm lý chỉ thích bằng đại học của một bộ phận…

“Những người có trình độ sơ cấp nghề thậm chí tiền lương còn cao hơn bậc cao đẳng khi được làm đúng nghề”, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh.

Cũng tại đối thoại trực tuyến với chủ đề “Việc làm, thị trường lao động Việt Nam trong tiến trình hội nhập”, các vấn đề về chuyển dịch cơ cấu lao động, phát huy chức năng của các trung tâm dịch vụ việc làm, lao động nước ngoài… cũng đã được bàn luận.

Theo đó, cơ cấu lao động ở Việt Nam nhìn chung vẫn còn lạc hậu, khoảng 2/3 lực lượng lao động làm việc ở khu vực phi kết cấu, nơi không có quan hệ lao động, thiếu tính bền vững và ít được pháp luật bảo vệ. Mặc dù, thời gian gần đây đã có sự chuyển dịch trong cơ cấu lao động nhưng chưa thực sự bứt phá.

Về vấn đề đưa lao động đi nước ngoài làm việc, hiện nay, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang tìm hiểu xúc tiến đàm phán, ký kết các hiệp định về bảo hiểm xã hội song phương nhằm đảm bảo cho người lao động tiếp cận được các chế độ an sinh xã hội khi xuất khẩu lao động. Hiện nay, số lượng lao động Việt Nam làm việc tại nước ngoài đang ngày càng tăng cao ở nhiều thị trường như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… và đang có xu thế mở rộng ra nhiều thị trường mới như: Nga, Rumani, các nước Đông Âu…

Để giải quyết một phần tình trạng thất nghiệp trong thị trường lao động, việc phát huy chức năng của các trung tâm dịch vụ việc làm là vô cùng cần thiết. Hiện nay, trên toàn quốc có 63 trung tâm dịch vụ việc làm tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc các Sở Lao động-Thương binh và Xã hội. Để các trung tâm dịch vụ việc làm này thực sự phát huy tác dụng, theo Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cần phải hoàn thiện hệ thống chính sách đối với các trung tâm này; xây dựng chuyên nghiệp hóa, nâng cao năng lực cán bộ; tăng cường sự kết nối giữa các trung tâm và trung tâm với doanh nghiệp…

Bài, ảnh: BĂNG CHÂU