Đón tận nhà, đưa tận nơi

Anh Nguyễn Thanh T. trú tại TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) làm việc tại một công ty ở Hà Nội. Trước đây, anh chọn xe buýt làm phương tiện đi lại. Nhưng thời gian gần đây, để phòng, chống dịch Covid-19, tuyến xe buýt số 58 của TP Hà Nội và tuyến 01 của tỉnh Vĩnh Phúc mà anh thường đi phải giảm tần suất hoạt động, giảm lượng khách phục vụ, đồng thời thay đổi lộ trình, không có sự kết nối giữa hai tuyến khiến việc đi lại rất khó khăn.

Chưa biết giải quyết thế nào để việc đi lại thuận tiện thì anh T. được một người bạn giới thiệu vào nhóm facebook "Hội xe ghép Vĩnh Phúc-Hà Nội". "Truy cập vào trang này, tôi có thể chọn một trong số hàng trăm chiếc xe ô tô cá nhân luôn sẵn sàng phục vụ khách. Chỉ cần gọi điện đặt trước một vài tiếng là sẽ có xe đón tận nhà, đưa đến tận nơi, rất tiện...", anh Nguyễn Thanh T. cho biết.

Trong vai khách có nhu cầu đi xe ghép từ Hà Nội về Vĩnh Yên, tôi liên hệ với tài khoản facebook "Bonbon Car" qua số điện thoại 0972.210xxx. Đúng hẹn, một chiếc xe ô tô hiệu Toyota Vios đón tôi tại địa điểm đã thống nhất và đưa về tận nhà. Trên đường đi, xe đón thêm hai khách đã hẹn trước. Trò chuyện với lái xe, chúng tôi được biết, nhóm xe ghép này có hàng chục thành viên. Các thành viên trong nhóm tự đầu tư xe ô tô cũng như chịu các chi phí như xăng dầu, vé cầu đường...

Việc điều động, phân phối thành viên đưa đón khách được thực hiện thông qua "tổng đài" 0972.210xxx. Trước đây, xe hoạt động từ 4 giờ đến 16 giờ hằng ngày với chiều Vĩnh Yên-Hà Nội và từ 7 giờ đến 20 giờ đối với chiều Hà Nội-Vĩnh Yên, tần suất 1 giờ/chuyến mỗi chiều, giá "vé" là 150.000 đồng/người.

  Một chiếc xe chờ để đón khách đi ghép trên tuyến phố thuộc quận Hoàn Kiếm (Hà Nội).

Thời gian gần đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng khách giảm nên xe sẽ chạy khi gom được từ 2 đến 3 khách. Khách phải trả 200.000 đồng/lượt nếu chọn hình thức đi ghép với người khác và 500.000 đồng nếu "bao" cả xe. Số tiền thu được, lái xe phải trả từ 10% đến 15% cho "tổng đài"...

Như vậy, xe ghép khách KDVT chui không chỉ dừng lại ở phạm vi một cá nhân tranh thủ thời gian rỗi để đi làm thêm mà còn phát triển gần như một hãng taxi, tập hợp nhiều thành viên tham gia... Đáng nói là qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhận thấy, tình trạng này không chỉ diễn ra ở Vĩnh Phúc mà còn khá phổ biến ở hầu hết các địa phương trên cả nước. Tuy nhiên hiện nay các cơ quan chức năng chưa có biện pháp quản lý hiệu quả nên hình thức kinh doanh này đang hoạt động công khai và ngày càng gia tăng, gây ra những hệ lụy tiêu cực.

Cần có sự quản lý chặt chẽ

Do giá dịch vụ rẻ hơn nhiều so với taxi, lại thuận tiện trong đưa đón, không phải chịu cảnh chen lấn, chật chội như khi đi xe khách, xe buýt nên những năm gần đây, xe ghép khách trở thành sự lựa chọn của nhiều người, từ công chức, viên chức, người lao động đến bệnh nhân có nhu cầu đi khám, chữa bệnh tại các bệnh viện, nhất là tại Hà Nội... Không chỉ chở người, xe ghép khách còn nhận và "ship" các loại hàng hóa ký gửi về tận nơi cho khách.

Tuy khá thuận tiện cho khách nhưng hình thức xe ghép khách KDVT chui có nhiều bất cập. Trước hết, Nhà nước thất thu thuế. Không như các doanh nghiệp và cá nhân đăng ký KDVT hành khách phải chịu các loại thuế như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế môn bài... xe ghép khách lại trốn được tất cả các loại thuế này.

Cũng vì trốn thuế nên giá dịch vụ rẻ hơn nhiều so với taxi, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh. Mặt khác, hoạt động KDVT hành khách, KDVT hàng hóa chịu sự quản lý chặt chẽ của pháp luật, cụ thể như các điều kiện, quy định về kỹ thuật, chất lượng phương tiện, phương án kinh doanh, bảo đảm an toàn giao thông, phòng, chống cháy nổ... tại Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10-9-2014 của Chính phủ. Thế nhưng xe ghép khách kinh doanh chui lại ở ngoài vòng pháp luật và khách hàng sẽ là người chịu thiệt nếu xảy ra các sự cố như tai nạn giao thông, trộm cắp, mất mát tài sản...

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Long Biên, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, việc quản lý xe ghép khách KDVT chui trên địa bàn hiện gặp nhiều khó khăn do chủ yếu là xe gia đình, rất khó để phát hiện, bắt quả tang hành vi vi phạm. Thời gian tới, sở sẽ nghiên cứu, có biện pháp quản lý phù hợp.

Để hạn chế tình trạng này, chúng tôi cho rằng cần tuyên truyền, vận động để người dân nhận thấy những tác hại, từ đó không sử dụng dịch vụ xe ghép khách chạy chui. Bên cạnh đó cần tuyên truyền, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhóm đang kinh doanh theo hình thức này thành lập doanh nghiệp để hoạt động theo đúng quy định của pháp luật. Mặt khác, các lực lượng chức năng cần kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Bài và ảnh: PHƯƠNG HIỀN