Thực tế tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới, tình trạng vi phạm an toàn giao thông (ATGT) vẫn diễn ra khá phổ biến, kéo theo nhiều hệ lụy đau lòng. Trong khi hệ thống hạ tầng giao thông còn thấp kém, đường sá quanh co, đèo dốc hiểm trở thì việc người dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên phớt lờ các quy định về ATGT lại càng khiến nguy cơ tai nạn thêm hiện hữu.

Ảnh minh họa: TTXVN 

Một điều dễ thấy là tại các phiên chợ vùng cao hay các tuyến đường liên xã, việc người điều khiển mô tô, xe máy không đội mũ bảo hiểm, chở ba, chở bốn vẫn diễn ra công khai. Nhiều vụ TNGT nghiêm trọng đã xảy ra mà nạn nhân là học sinh chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện. Tháng 2-2024, tại xã Mường Toong (Mường Nhé), một học sinh lớp 9 điều khiển xe máy chở hai bạn cùng lớp đã lao xuống vực trong lúc đổ đèo, khiến một em tử vong tại chỗ, hai em còn lại bị thương nặng. Trường hợp tương tự cũng xảy ra ở xã Tả Gia Khâu (huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai) khiến một thiếu niên 14 tuổi tử vong do va chạm với xe tải khi đang điều khiển xe máy không có giấy phép.

Nguyên nhân của thực trạng này bắt nguồn từ nhiều phía. Trước hết là do nhận thức pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế. Ở nhiều bản làng vùng sâu, vùng xa, người dân vẫn chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của việc đội mũ bảo hiểm cũng như điều kiện để được phép điều khiển phương tiện mô tô, xe máy. Xe máy ở vùng cao không chỉ là phục vụ việc đi lại mà còn là phương tiện dùng để vận chuyển nông sản, nên nhiều gia đình cho con em đi xe từ khi còn rất nhỏ.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật chưa sâu rộng, chưa phù hợp với điều kiện ngôn ngữ, văn hóa vùng cao, đồng bào dân tộc thiểu số. Trong khi đó, lực lượng chức năng mỏng, địa bàn rộng, giao thông khó khăn khiến việc kiểm tra, xử lý gặp nhiều trở ngại....

Trước tình hình trên, lực lượng công an các địa phương đã có nhiều nỗ lực để siết chặt kỷ cương giao thông. Ví như tại huyện Quản Bạ (Hà Giang), Công an huyện phối hợp với đoàn thanh niên, hội phụ nữ tổ chức các buổi tuyên truyền bằng tiếng dân tộc Mông tại chợ phiên và các trường học, kết hợp phát mũ bảo hiểm miễn phí. Tại xã Sín Thầu (Mường Nhé), công an xã đến từng hộ vận động không để con em chưa đủ tuổi sử dụng xe máy, đồng thời lập danh sách theo dõi đối tượng vi phạm, tái phạm.

Nhiều địa phương còn triển khai mô hình “Cổng trường ATGT”, phối hợp giữa nhà trường và lực lượng chức năng để giám sát học sinh; kiểm tra đột xuất tại các điểm chợ, xử phạt hành chính các trường hợp không đội mũ bảo hiểm, tạm giữ phương tiện đối với người điều khiển không đủ điều kiện...

Tuy nhiên, việc “phạt để răn đe” chỉ là một phần. Giải pháp bền vững vẫn là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đồng hành với nhân dân trong tham gia giao thông. Vùng cao đang đổi thay từng ngày, nhưng ATGT không thể là phần bị lãng quên trong quá trình phát triển đó. Khi nhận thức của bà con chưa đồng đều thì vai trò “cầm tay chỉ việc” của lực lượng chức năng, già làng, trưởng bản và cả thầy, cô giáo là rất quan trọng. Một chiếc mũ bảo hiểm đúng quy định, một lời nhắc nhở đúng lúc, đúng chỗ có thể cứu sống một mạng người.

HỒNG SÁNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.