Anh Lê Văn Trung, Bí thư Tỉnh đoàn Thanh Hóa cho biết, trên cơ sở 19 tiêu chí xây dựng NTM, Ban Thường vụ tỉnh đoàn chỉ đạo các cấp bộ đoàn ký giao ước thực hiện các tiêu chí cụ thể, như: Xã không còn hộ thanh niên nghèo; không còn nhà ở tạm bợ, dột nát; củng cố và thành lập mới các mô hình, câu lạc bộ thanh niên do ĐVTN làm chủ... Để thực hiện được các tiêu chí, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn chỉ đạo, vận động các cấp bộ đoàn, ĐVTN tích cực tham gia hưởng ứng, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo trong hoạt động ứng dụng khoa học công nghệ, khởi nghiệp, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế. Cùng với đó, phối hợp với các sở, ngành, tổ chức, doanh nghiệp triển khai nhiều hình thức hỗ trợ thanh niên, trong đó khuyến khích, tìm kiếm và phát triển các ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo trong ĐVTN. Từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đã có 758 ý tưởng của ĐVTN tham dự cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp cấp tỉnh, trong đó có các mô hình, ý tưởng ứng dụng hiệu quả thành tựu khoa học công nghệ và được áp dụng vào thực tiễn, như: Mô hình công ty điện tử quảng cáo led ABC; mô hình sản xuất than tre hoạt tính; mô hình Thiên phú Smart-chế tạo máy phục vụ tự động hóa nghề nấm...

 Thành viên Câu lạc bộ Thanh niên khởi nghiệp xã Mậu Lâm (Như Thanh, Thanh Hóa) thực hiện mô hình nuôi ong. Ảnh: TIẾN HƯNG

Để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo trong thanh niên nông thôn, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn còn phối hợp tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, tập huấn kiến thức mô hình kinh tế tập thể; hướng dẫn thanh niên xây dựng mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã; tiếp tục khai thác các nguồn vốn vay, các chương trình, dự án hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế; nhân rộng các mô hình trang trại, gia trại trong thanh niên, các câu lạc bộ khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư cho ĐVTN. Từ đó xuất hiện nhiều mô hình ứng dụng sáng tạo, như: Ứng dụng phương pháp lai hữu tính trong chọn giống lúa thuần năng suất, chất lượng cao; ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất đá ốp lát, gạch không nung; sản xuất rau ăn lá, cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGap bằng phương pháp thủy canh NFT...

Điểm nhấn trong việc giúp thanh niên nông thôn khởi nghiệp sáng tạo là Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt Đề án “Chương trình tín dụng ưu đãi hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp” cho ĐVTN trong tỉnh với tổng kinh phí 10 tỷ đồng. Đến nay, tổng dư nợ đạt hơn 9,8 tỷ đồng với 118 lượt dự án được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi; đồng thời tạo điều kiện để ĐVTN được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ ngân hàng chính sách xã hội với số tiền gần 950 tỷ đồng cho 26.100 hộ thanh niên vay vốn. Đến nay, các mô hình được đầu tư đã bước đầu mang lại hiệu quả, giúp nhiều gia đình thanh niên ổn định kinh tế.

Nhờ làm tốt các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ thanh niên trong ứng dụng khoa học, kỹ thuật công nghệ, các cấp bộ đoàn tỉnh Thanh Hóa đã giúp đông đảo ĐVTN khởi nghiệp sáng tạo, phát triển kinh tế, góp phần quan trọng vào hoàn thành các tiêu chí NTM.

AN DUYÊN