Phóng viên (PV): Đề nghị đồng chí cho biết một số nét cơ bản về truyền thống của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH?

Thiếu tướng Nguyễn Tuấn Anh: Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH hình thành từ rất sớm, nhưng dấu mốc thành lập lực lượng là khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh công bố Pháp lệnh quy định việc quản lý của Nhà nước đối với công tác PCCC (4-10-1961).

Thiếu tướng Nguyễn Tuấn Anh. 

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã bám sát những nơi địch bắn phá ác liệt nhất để hướng dẫn nhân dân ngụy trang, sơ tán, dập tắt hàng nghìn đám cháy, lập nhiều thành tích xuất sắc như: Chữa cháy trận địa tên lửa và pháo phòng không tại Ninh Bình; chữa cháy kho xăng Đức Giang (Hà Nội); chữa cháy các điểm lửa cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa)... Sau giải phóng, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH nỗ lực tham gia phục vụ công cuộc khôi phục đất nước. Nhất là thời kỳ đổi mới, đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, nhà cao tầng... được xây dựng. Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã tham mưu hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về công tác PCCC; hướng dẫn các cơ sở, doanh nghiệp và người dân về PCCC; tổ chức kiểm tra, khắc phục hàng trăm nghìn vi phạm có thể dẫn đến cháy, nổ. Xây dựng và duy trì phong trào toàn dân PCCC; tham gia CNCH khi xảy ra bão, lũ và các tai nạn, sự cố, góp phần giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội.

PV: Quá trình thực hiện nhiệm vụ, lực lượng PCCC gặp những khó khăn gì, thưa đồng chí?

Thiếu tướng Nguyễn Tuấn Anh: Bên cạnh thuận lợi lớn là luôn được Đảng, Nhà nước, Bộ Công an quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao; được sự phối hợp, giúp đỡ hiệu quả của các đơn vị, địa phương và nhân dân, chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn, bất cập như: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo về PCCC ở một số nơi chưa quyết liệt, chưa phát huy được sức mạnh tại chỗ; ý thức, trách nhiệm trong công tác PCCC của không ít chủ cơ sở và người dân còn hạn chế, vi phạm an toàn PCCC khá phổ biến. Nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất... hoạt động từ trước khi có Luật PCCC (năm 2001) nên các điều kiện an toàn về PCCC không bảo đảm. Tình trạng “già hóa” các nhà xưởng, máy móc, hệ thống điện, thiết bị kỹ thuật trong các cơ sở, khu dân cư... làm gia tăng cháy, nổ và mức độ thiệt hại.

Cảnh sát PCCC và CNCH còn nhiều khó khăn về biên chế, phương tiện, thiết bị bảo hộ chuyên dùng... Lực lượng tại chỗ ở nhiều cơ sở hoạt động chưa hiệu quả do thiếu sự quan tâm và chế độ, chính sách chưa thỏa đáng. Các khu công nghiệp, làng nghề truyền thống ngày càng nhiều, quy mô ngày càng mở rộng nhưng hạ tầng kỹ thuật và đầu tư cho công tác PCCC không theo kịp yêu cầu...

PVCùng với sự phát triển kinh tế-xã hội thì tình hình cháy, nổ cũng diễn biến phức tạp, tính chất nghiêm trọng hơn. Lực lượng PCCC có giải pháp gì để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ?

Thiếu tướng Nguyễn Tuấn Anh: Để đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, chúng tôi tiếp tục tham mưu với Bộ Công an hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện có hiệu quả Luật PCCC và các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước về công tác PCCC, CNCH; rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về PCCC và CNCH; đề nghị đưa tiêu chí an toàn PCCC trở thành một nội dung đánh giá năng lực cạnh tranh của các địa phương.

 Diễn tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Tổng kho xăng dầu Nhà Bè. Ảnh: Nam Tuấn.

Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức, kỹ năng về PCCC, góp phần làm chuyển biến nhận thức về công tác này của cán bộ các cấp, người lao động và người dân; tập trung phổ biến kiến thức, kỹ năng PCCC, CNCH. Nâng cao chất lượng phong trào toàn dân PCCC; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh những vi phạm trong công tác PCCC và CNCH; trang bị phương tiện, thiết bị PCCC phù hợp để có thể phát hiện và chữa cháy kịp thời.

Cùng với đó, tích cực triển khai hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ sản xuất, lắp ráp phương tiện, thiết bị PCCC và CNCH; mở rộng hợp tác quốc tế, tiếp cận những tiến bộ của thế giới về PCCC và tăng cường huy động nguồn lực xã hội phục vụ công tác PCCC, CNCH. Đề xuất cấp trên phê duyệt các đề án, dự án phục vụ chiến lược xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

PV: Đồng chí có nhắn gửi gì tới nhân dân để thực hiện tốt công tác PCCC?

Thiếu tướng Nguyễn Tuấn Anh: Chúng tôi xin gửi tới các chủ doanh nghiệp và nhân dân một thông điệp: Khi xảy ra cháy, nổ thì thiệt hại thường rất lớn, thậm chí không có cơ hội sửa sai. Thế nhưng lâu nay, hầu hết chúng ta mải mê làm ăn để phát triển kinh tế, ít người tính đến việc chỉ cần chủ quan, lơ là trong PCCC thì tất cả tài sản và mạng sống của mình, của gia đình và những người xung quanh đều có thể bị hủy hoại. Vì vậy, chúng ta phải đặc biệt coi trọng công tác phòng cháy; quan tâm đầu tư, thường xuyên kiểm tra bảo đảm an toàn PCCC. Ngoài việc luôn cảnh giác, triệt tiêu ngay những nguy cơ gây cháy, các gia đình, cơ sở, doanh nghiệp cần chuẩn bị đầy đủ dụng cụ chữa cháy và thoát hiểm, luyện tập phương án PCCC... Tuyệt đối không chủ quan trong công tác PCCC vì cháy, nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

60 năm qua, với tinh thần "vì nước quên thân, vì dân phục vụ", lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH có 15 đơn vị được tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân; được tặng thưởng 2 Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác.

NAM HUYỀN (thực hiện)