Nghị định số 93/2021/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo sẽ có hiệu lực từ ngày 11-12-2021.

Một nội dung được dư luận xã hội quan tâm là những quy định tại Điều 17, cụ thể: Thứ nhất, khi vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện để hỗ trợ thiên tai, dịch bệnh, sự cố, cá nhân có trách nhiệm thông báo trên các phương tiện thông tin truyền thông về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận (đối với tiền), địa điểm tiếp nhận (đối với hiện vật), thời gian cam kết phân phối và gửi bằng văn bản đến UBND cấp xã nơi cư trú theo mẫu.

UBND cấp xã có trách nhiệm lưu trữ để theo dõi, sẵn sàng cung cấp thông tin khi có yêu cầu của tổ chức, cá nhân đóng góp hoặc nhận hỗ trợ và cơ quan có thẩm quyền phục vụ công tác hướng dẫn, theo dõi, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm.

 Nhóm thiện nguyện Thanh Thủy (Phú Thọ) tặng rau, củ, quả giúp người dân phường Quỳnh Mai, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách xã hội.

 Thứ hai, cá nhân mở tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại theo từng cuộc vận động để tiếp nhận, quản lý toàn bộ tiền đóng góp tự nguyện, bố trí địa điểm phù hợp để tiếp nhận, quản lý, bảo quản hiện vật đóng góp tự nguyện trong thời gian tiếp nhận; có biên nhận các khoản đóng góp tự nguyện bằng tiền mặt, hiện vật tiếp nhận được khi tổ chức, cá nhân đóng góp yêu cầu.

Cá nhân không được tiếp nhận thêm các khoản đóng góp tự nguyện sau khi kết thúc thời gian tiếp nhận đã cam kết và có trách nhiệm thông báo đến nơi mở tài khoản về việc dừng tiếp nhận các khoản đóng góp tự nguyện. Bên cạnh đó, quy định về việc công khai đóng góp tự nguyện tại Điều 14 cũng thu hút sự quan tâm của nhiều người.

Chia sẻ quan điểm về quy định này, chị Nguyễn Lan Phương, thành viên nhóm từ thiện Bồ đề tâm (Hà Nội) cho biết: “Tôi cho rằng, cá nhân hay hội nhóm làm từ thiện đều rất tốt, nhưng đã đứng ra nhận tiền quyên góp thì phải bảo đảm công khai, minh bạch tài chính. Việc có thêm những quy định nêu trên là rất cần thiết để hoạt động từ thiện ngày càng trở nên chuyên nghiệp, ý nghĩa. Tôi sẽ nghiên cứu kỹ và thực hiện đúng theo các quy định mới này”.

Đồng tình với ý kiến trên, chị Lý Thị Chất, Trưởng nhóm thiện nguyện Thanh Thủy (Phú Thọ), cho biết thêm: “Với tôi, minh bạch là yếu tố quan trọng nhất trong hoạt động từ thiện. Tính minh bạch phải được thể hiện trong tất cả các khâu, từ thông báo, tiếp nhận tài trợ, phân phối và công khai sau các chuyến đi. Vì thế, việc Chính phủ ban hành Nghị định số 93/2021/NĐ-CP quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong hoạt động từ thiện là hoàn toàn hợp lý và phải làm chứ không phải nên hay không nên. Yêu cầu này sẽ cần thêm một vài bước triển khai, nhưng nếu làm được thì hoạt động từ thiện sẽ chặt chẽ, chuyên nghiệp hơn; thuận tiện, dễ dàng hơn cho cá nhân, tổ chức hay chính quyền địa phương nếu có các yêu cầu giám sát, thanh tra, điều tra”.

Dưới góc độ pháp lý, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp đánh giá, các quy định tại Nghị định số 93/2021/NĐ-CP hoàn toàn phù hợp, cần thiết để chấm dứt tình trạng tranh cãi, trục lợi từ hoạt động từ thiện; làm cơ sở để đánh giá tính hiệu quả cũng như giám sát hoạt động từ thiện của tổ chức, cá nhân.

Nghị định này là cơ sở pháp lý quan trọng để xác định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc đứng ra kêu gọi, tiếp nhận, phân phát tiền, hàng từ thiện. Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, tổ chức có liên quan trong việc phối hợp với các tổ chức, cá nhân bảo đảm hoạt động kêu gọi từ thiện được diễn ra kịp thời, nhanh chóng, hiệu quả, minh bạch.

“Kêu gọi từ thiện nhằm xúc tiến hoạt động từ thiện diễn ra nhiều hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn. Người đứng ra kêu gọi từ thiện phải là người có tâm, sẵn sàng vất vả vì cộng đồng. Bởi vậy, yêu cầu đăng ký kêu gọi vận động từ thiện là cần thiết để xác định đối tượng, công khai danh tính, thủ tục, nội dung và hiệu quả của công tác từ thiện. Ngoài ra, trách nhiệm thông báo, phối hợp với chính quyền địa phương trong việc phân phát hàng, quà từ thiện cũng là một nội dung quan trọng để làm cơ sở xác nhận hiệu quả, thực tế hoạt động từ thiện. Người làm từ thiện mà thực sự có tâm thì không bao giờ cảm thấy bị cản trở, ái ngại trước những quy định này”, luật sư Đặng Văn Cường phân tích.

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Trịnh Hữu Bàn, Phó chủ tịch Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Giang khẳng định: “Chúng tôi luôn sẵn sàng phối hợp với các tổ chức, cá nhân làm từ thiện để bảo đảm đưa các phần quà đến tận tay người dân gặp khó khăn, cần giúp đỡ theo đúng quy định của pháp luật và chức năng, nhiệm vụ của UBMTTQ. Thực tế qua đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 tại tỉnh Bắc Giang cho thấy, trong hoàn cảnh ngặt nghèo nhưng mọi sự ủng hộ, giúp đỡ bằng tiền, hiện vật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân thông qua UBMTTQ tỉnh Bắc Giang đều được chuyển đến đúng nơi và bảo đảm kịp thời, an toàn”.

Trước sự phát triển nhanh chóng của xã hội, Nghị định số 64/2008/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo đã bộc lộ nhiều hạn chế. Vì thế, việc Chính phủ ban hành Nghị định số 93/2021/NĐ-CP thay thế Nghị định số 64/2008/NĐ-CP là hết sức cần thiết, phù hợp với thực tiễn.

Bài và ảnh: ĐỨC TUẤN-HUYỀN TRANG