Để kịp thời khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm an toàn cho người dân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu đã ban hành công văn yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục rà soát các khu vực không bảo đảm an toàn, nhất là các khu vực bị ngập sâu, chia cắt, vùng trũng thấp ven sông suối, khu vực nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn, nghiêm cấm người và phương tiện đi lại trên những tuyến đường bị ngập sâu, nước chảy xiết, ngầm, tràn, trên các sông, suối, hồ chứa nước; kiên quyết không để người dân sơ tán quay trở về nhà khi chưa bảo đảm an toàn. Các địa phương khẩn trương khắc phục nhanh hậu quả mưa, lũ, chủ động huy động lực lượng hỗ trợ người dân nhanh chóng sửa chữa lại nhà cửa bị hư hại, tốc mái, sạt lở đất...; khắc phục sự cố sạt lở và triển khai công tác bảo đảm an toàn giao thông, nhất là qua ngầm tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết...
 |
Lực lượng chức năng huy động máy xúc thu gom rác thải tại TP Hội An (Quảng Nam). |
Tại TP Hội An, do ảnh hưởng của mưa to cộng với xả lũ của các đập thủy điện khiến nhiều tuyến đường ở phố cổ bị chìm trong biển nước, nhiều khu vực trũng thấp ngập sâu hơn 0,5m. Sáng 19-10, có mặt tại phường Minh An-khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất trong đợt mưa lũ vừa qua ở Hội An-chúng tôi ghi nhận, nước lũ rút đã để lại lớp bùn non dày đặc cùng hàng tấn rác thải từ thượng nguồn trôi về. Sau khi lũ rút, chính quyền địa phương đã huy động các lực lượng cùng người dân dọn dẹp vệ sinh đường phố, nhà cửa. Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP Hội An, cho biết: “Ngay từ chiều 18-10, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo phường Minh An và Công ty Cổ phần Công trình công cộng Hội An huy động gần 100 người tập trung dọn vệ sinh, bùn đất, thu gom các loại rác thải trên sông Hoài; tổ chức lực lượng phun thuốc khử trùng vệ sinh môi trường... Dự kiến, cuối ngày 19-10, các lực lượng sẽ hoàn thành việc dọn vệ sinh sau lũ để người dân trong khu phố cổ có thể mở lại hoạt động kinh doanh, buôn bán”.
Trên địa bàn các huyện miền núi Tây Giang, Phước Sơn, Đại Lộc... nước cũng đã rút. Ngay sau khi nước rút, các đơn vị, địa phương và người dân đã nhanh chóng triển khai vệ sinh môi trường nhằm phòng, chống dịch bệnh sau mưa, lũ. Tuy nhiên, các tuyến đường từ xã Phước Thành đi xã Phước Lộc (huyện Phước Sơn), xã Tr’Hy (huyện Tây Giang) đi các xã vùng cao vẫn tiếp tục sạt lở, bùn đất từ trên đồi núi trôi xuống gây khó khăn cho phương tiện đi lại.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Hoàng Linh, Phó chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết: Trước những thiệt hại do mưa, lũ gây ra, địa phương đã huy động phương tiện, máy móc khắc phục các điểm sạt lở nặng để bảo đảm lưu thông đi lại cho nhân dân giữa các xã vùng cao; tổ chức các lực lượng giúp các gia đình có bùn đất trôi vào nhà. Hy vọng trong mấy ngày tới, với sự trợ giúp của các lực lượng, việc khắc phục hậu quả mưa lũ sẽ được đẩy nhanh tiến độ, cuộc sống của nhân dân sẽ sớm trở lại bình thường...
Bài và ảnh: NGUYỄN THÀNH