Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trao đổi với TS Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia về những giải pháp khắc phục tình trạng này trong thời gian tới.

Gia tăng tai nạn khu vực ngoài đô thị

Phóng viên (PV): Thiệt hại do TNGT gây ra trên cả nước hiện vẫn đang ở mức cao. Theo ông, đâu là những yếu tố chính tác động đến công tác bảo đảm trật tự ATGT thời gian qua?

TS Khuất Việt Hùng: Từ thực tế trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua có thể thấy, những vụ TNGT liên quan đến xe khách đã giảm đáng kể. Trên các tuyến quốc lộ quan trọng, huyết mạch cũng ít xảy ra tai nạn hơn. Tuy nhiên, tai nạn lại xảy ra nhiều, nghiêm trọng tại khu vực ngoài đô thị, đặc biệt là các tuyến đường ở nông thôn. Thời gian 7 ngày nghỉ Tết, trung bình mỗi ngày có 29 người chết. Cũng trong thời gian này, xảy ra 4 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, có 2 vụ liên quan đến xe khách làm 4 người chết và 2 vụ tai nạn khác liên quan đến xe gắn máy làm chết 6 người.

Có nhiều nguyên nhân khiến TNGT vẫn diễn biến phức tạp, trực tiếp là do người tham gia giao thông không tuân thủ quy tắc, vi phạm tốc độ, làn đường, phần đường, uống rượu bia vẫn lái xe... Có trường hợp đến điểm giao cắt đường sắt nhìn thấy tàu tới gần mà vẫn cố đi qua. Cũng cần nói thêm rằng, ở khu vực nông thôn, hiệu lực, hiệu quả của công tác bảo đảm trật tự ATGT, tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm còn hạn chế. Lực lượng cảnh sát giao thông và các lực lượng chức năng ở nhiều huyện, xã còn mỏng, địa bàn lại rộng nên khó có thể tăng cường tuần tra, xử lý, nhắc nhở khi người dân vi phạm.

leftcenterrightdel
Tiến sĩ Khuất Việt Hùng 

PV: Trước đây, tại các trạm thu phí vẫn thường xảy ra ùn tắc, nhất là vào dịp lễ, Tết. Vừa qua, tình trạng này đã được cải thiện. Ông đánh giá thế nào về những giải pháp chống ùn tắc giao thông tại các trạm thu phí sau một thời gian được triển khai?

TS Khuất Việt Hùng: Để hạn chế tình trạng ùn tắc ở các trạm thu phí, trong Nghị định số 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ đã có quy định rất rõ, phải mở ba-ri-e để phương tiện đi qua khi dòng phương tiện ùn ứ. Nếu đơn vị quản lý, khai thác tuyến đường không thực hiện sẽ bị xử phạt, mức phạt cao nhất lên đến 70 triệu đồng. Bên cạnh việc có quy định rõ ràng, đơn vị khai thác, vận hành cũng đã chủ động hơn. Trước đây, ví như mỗi trạm thu phí có 10 cửa, mỗi chiều 5 cửa, có khi làn vắng chẳng ai đi qua, làn đông thì ùn tắc. Hiện nay, đã thực hiện phân luồng hợp lý hơn, san bớt cửa bán vé sang làn đông xe, chủ động bán vé từ xa để phương tiện qua trạm nhanh hơn. Khi có ùn tắc, các đơn vị sẵn sàng mở ba-ri-e bởi thực tế đường tắc cũng ảnh hưởng đến việc thu phí. Trong công tác thu phí đã dần hình thành thói quen mới, văn hóa mới giúp giảm ùn tắc giao thông. Đồng thời, những vấn đề từ thực tiễn đặt ra cũng thúc đẩy đơn vị quản lý, vận hành nhanh chóng áp dụng các giải pháp công nghệ như thu phí không dừng, tiến tới hạn chế triệt để ùn tắc tại trạm thu phí, bảo đảm thu đúng, thu đủ phí sử dụng đường bộ.

Có nên hạn chế phương tiện cơ giới cá nhân?

PV: Hiện nay, phương tiện cơ giới cá nhân có xu hướng tăng nhanh. Theo ông, cần quản lý thế nào đối với phương tiện cơ giới cá nhân để hạn chế ùn tắc, TNGT?

TS Khuất Việt Hùng: Theo quan điểm của tôi, việc người dân mong muốn sở hữu phương tiện cá nhân là điều chính đáng. Mặc dù vậy, gia tăng phương tiện cơ giới cá nhân là một trong những nguyên nhân dẫn đến tăng nguy cơ tai nạn, ùn tắc giao thông. Chúng ta đặt câu hỏi có cần quản lý phương tiện cá nhân hay không? Rõ ràng quản lý là rất cần thiết để tránh việc lạm dụng. Quản lý phương tiện cơ giới cá nhân cần chú trọng đến các giải pháp để giúp người dân lựa chọn phương tiện đi lại phù hợp với đặc điểm chuyến đi, với điều kiện hạ tầng và có chất lượng chuyến đi cao nhất. Nghĩa là tránh được ùn tắc, đồng thời tránh chiếm dụng đường quá nhiều làm ảnh hưởng đến người tham gia giao thông khác.

leftcenterrightdel
Tai nạn giao thông trên đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ.  Ảnh: Hoàng Gia Minh 

PV: Khi nói đến hạn chế phương tiện cá nhân, có ý kiến cho rằng điều này ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

TS Khuất Việt Hùng: Chúng ta vẫn thường nói một cách chung chung là hạn chế xe cá nhân. Theo tôi cần phải nói rõ là hạn chế phương tiện cơ giới cá nhân, còn xe phi cơ giới như xe đạp phải khuyến khích sử dụng. Bên cạnh đó, cần nhấn mạnh đến khía cạnh quản lý sử dụng chứ không phải hạn chế quyền sở hữu phương tiện cơ giới của người dân. Khi đặt vấn đề này cần tránh tạo ra tâm lý đối đầu với chính sách. Cần làm nổi bật mục tiêu quản lý sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân là để làm lợi cho chính người tham gia giao thông, mang lại chất lượng cuộc sống tốt hơn cho họ chứ không phải ngăn cấm khiến người dân không được thỏa mãn nhu cầu đi lại. Để làm được điều này, bên cạnh đưa ra chính sách, cơ quan quản lý nhà nước cần hỗ trợ người dân về thông tin, điều kiện để có thể lựa chọn phương thức đi lại tối ưu nhất cho bản thân và xã hội. Theo ước tính, nếu chỉ cần 20% người đang đi xe gắn máy hiện nay chuyển sang đi ô tô thì không còn chỗ trống trên đường. Do vậy, cần có chính sách quản lý phương tiện cá nhân phù hợp. Khi người dân giảm mức độ sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân cũng là điều kiện để mở rộng và nâng cao chất lượng vận tải công cộng.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

MẠNH HƯNG – PHẠM HƯNG (thực hiện)