Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: Phiên họp thứ 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV sẽ diễn ra từ ngày 12 đến ngày 22-9. Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ dành phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến các dự án: Luật Thủy lợi; Luật Đường sắt (sửa đổi); Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ; Luật Quản lý ngoại thương; Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi); Luật Quy hoạch; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi); Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi); Luật Du lịch (sửa đổi). Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án: Luật Đấu giá tài sản; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Luật Về hội.
Đặc biệt, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội khóa XIV; cho ý kiến về việc ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Quy chế lập, thẩm tra, trình Quốc hội quyết định dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước (thay thế Nghị quyết số 387/2003/NQ-UBTVQH11); dự thảo Nghị quyết về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ chi thường xuyên; dự thảo Nghị quyết về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ chi thường xuyên; dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp.
Cũng trong phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về Cho ý kiến về báo cáo công tác năm 2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, về công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng và cho ý kiến về việc cử Ủy viên Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán Quốc gia.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN.
Với nhiều nội dung như trên, để bảo đảm phiên họp thứ 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đạt chất lượng cao, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung tham gia cho ý kiến về các nội dung trong phiên họp.
* Tiếp đó, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên thứ nhất cho ý kiến về Luật Thủy lợi. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trình bày Tờ trình Dự án Luật Thủy lợi. Tiếp theo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày báo cáo tóm tắt thẩm tra dự án Luật Thủy lợi.
Tờ trình về Luật Thủy lợi do Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn trình bày, nêu rõ: Thủy lợi có vai trò hết sức quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, cấp nước cho dân sinh, các ngành kinh tế khác, là giải pháp quan trọng trong công tác phòng, chống thiên tai, góp phần phát triển bền vững kinh tế-xã hội. Kế thừa các quy định còn phù hợp của Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi và các văn bản pháp luật liên quan, dự án Luật Thủy lợi được xây dựng gồm 9 chương với 72 điều, quy định cụ thể phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, những vấn đề chung về hoạt động thủy lợi...
Tại phiên thảo luận, các đại biểu đã tập trung làm rõ những điểm mới của Dự án luật Thủy lợi. Đó là quy định “giá dịch vụ” thay cho “thủy lợi phí” tại Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi để bảo đảm phù hợp, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành. Đồng thời, việc thực hiện cơ chế giá sẽ làm thay đổi nhận thức của xã hội về công tác thủy lợi từ “phục vụ” sang “dịch vụ”; giúp người sử dụng dịch vụ nước từ công trình thủy lợi hiểu rõ bản chất hàng hóa của nước, coi dịch vụ nước là một dịch vụ đầu vào cho sản xuất, từ đó nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm… Tuy nhiên, các đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn khi trả phí dịch vụ thì người dân có quyền được lựa chọn trồng, canh tác cây gì cho phù hợp với lượng nước đã trả phí hay không. Do đó, các đại biểu đề nghị cần nghiên cứu kỹ tính khả thi khi đưa việc quy định giá dịch vụ thủy lợi vào luật.
Bên cạnh đó, quy định mới về xã hội hóa trong đầu tư xây dựng và quản lý, khai thác công trình thủy lợi cũng được các đại biểu tập trung thảo luận. Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, điểm mới của dự thảo luật là đầu tư, quản lý các công trình theo hình thức xã hội hóa, nhằm huy động nguồn lực của toàn xã hội tham gia công tác thủy lợi, góp phần nâng cao chất lượng công trình thủy lợi đặc biệt là công trình có quy mô nhỏ. Tuy nhiên, cần làm rõ hơn các chính sách khuyến khích đầu tư về giá, thuế; cần quy định rõ trách nhiệm trong quản lý, khai thác, vận hành sử dụng các công trình này.
Đồng ý với việc cần thiết ban hành Luật Thủy lợi trong điều kiện biến đổi khí hậu cũng như nhu cầu công nghiệp hóa, đô thị hóa hiện nay, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, phải bảo đảm tính đồng bộ của luật này với các luật hiện có. Bên cạnh đó, Luật cũng cần tính đến hiệu quả sử dụng tiết kiệm nước từ góc độ đất nông nghiệp hiện không còn nhiều trong khi quy mô dân số phát triển.
Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ lưu ý thêm: Cần phải bảo đảm an toàn các công trình thủy lợi, đặc biệt là những công trình liên quan đến an ninh, quốc phòng. Theo Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, quy định về an toàn thủy lợi mới chỉ mang tính chất kỹ thuật chứ chưa mang tính yêu cầu hoặc ràng buộc trách nhiệm của các Bộ, ngành. Do đó, Phó chủ tịch Đỗ Bá Tỵ cũng đề nghị công tác bảo vệ an ninh trong dự thảo luật phải được nêu cụ thể và quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành trong quản lý công trình để tránh đùn đẩy, chồng chéo trách nhiệm.
Kết luận phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với dự án Luật Thủy lợi. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, cũng như chỉ đạo Ban soạn thảo tiếp tục rà soát các chủ trương, đường lối của Đảng, rà soát theo tinh thần Hiến pháp và hệ thống pháp luật có liên quan để bảo đảm tính tương thích và thống nhất. Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu cơ quan soạn thảo bổ sung, chỉnh lý và làm rõ về quản lý đầu tư, quy hoạch các công trình thủy lợi bảo đảm an toàn, hiệu quả, tiết kiệm, đặc biệt chú ý đến hệ thống thủy lợi, trong đó có phân loại đầu mối nguồn nước, kênh dẫn, nội đồng...
Nhấn mạnh việc tính giá dịch vụ sẽ ảnh hưởng đến 80% số hộ nông dân đang sử dụng nguồn nước tưới, tiêu cho nông nghiệp, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển yêu cầu Ban soạn thảo phải đánh giá rất rõ các mặt, nhất là chính sách miễn giảm phải hợp lý, đề nghị rà soát lại Điều 38 quy định về nguyên tắc định giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi; sự cần thiết phải có lộ trình trong việc tính giá dịch vụ thủy lợi. Bên cạnh đó, Phó chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, Ban soạn thảo cần làm rõ vấn đề bảo đảm nước tưới, tiêu, tự do kinh doanh trồng trọt, những thiệt hại, quản lý nước đến công trình thủy lợi nội đồng; mối quan hệ thủy lợi, thủy điện; trách nhiệm quản lý nhà nước giữa các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân; vấn đề an toàn hồ chứa, gắn với an ninh quốc phòng; về hợp tác quốc tế; ứng dụng khoa học công nghệ; cũng như việc thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo khi chuyển sang tính giá dịch vụ thủy lợi...
NGUYỄN THẢO