Phóng viên (PV): Sau chuyến khảo sát dự án giảm tỷ lệ tử vong mẹ ở vùng đồng bào DTTS được triển khai tại tỉnh Lai Châu, bà đánh giá như thế nào về kết quả bước đầu của dự án này?
Bà Trần Thị Bích Loan: Dự án “Không ai bị bỏ lại phía sau: Các can thiệp sáng tạo để giảm tử vong mẹ tại các khu vực DTTS ở Việt Nam” do Merck Sharp & Dohme (MSD) và Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tài trợ với sự hợp tác của Bộ Y tế đã được triển khai tại 6 tỉnh miền núi (Lai Châu, Sơn La, Bắc Kạn, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông), với tổng kinh phí hơn 2 triệu USD. Dự án triển khai các sáng kiến quan trọng nhằm cải thiện khả năng tiếp cận, sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và kế hoạch hóa gia đình có chất lượng cho phụ nữ DTTS, nhằm bảo đảm không phụ nữ nào tử vong vì nguyên nhân có thể phòng tránh được trong khi mang thai và sinh đẻ. Tôi cho rằng dự án đã được triển khai khá hiệu quả. Bởi các địa phương mà dự án lựa chọn là những tỉnh miền núi có điều kiện kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn. Những tỉnh này có nhiều đồng bào DTTS sinh sống, điều kiện văn hóa, xã hội vẫn còn nhiều thách thức, ảnh hưởng đến việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Hoạt động của dự án đã đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức của người dân trong tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Dự án cũng hỗ trợ đào tạo cho các nhân viên y tế địa phương để cung cấp dịch vụ tốt hơn, đồng thời hỗ trợ một số trang thiết bị cho các cơ sở y tế nhằm tạo điều kiện cho đội ngũ y, bác sĩ thực hiện tốt việc chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em.
 |
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu hướng dẫn bà mẹ chăm sóc con đúng cách. Ảnh: DIỆP CHÂU |
PV: Mặc dù chúng ta đã đạt được những bước tiến đáng kể trong công tác chăm sóc sức khỏe phụ nữ sau sinh nhưng thực tế tỷ lệ tử vong mẹ ở những địa bàn đặc biệt như miền núi, vùng đồng bào DTTS, trong đó có 6 tỉnh của dự án, vẫn còn cao so với bình quân chung của cả nước. Chúng ta nên nhìn nhận thực tế này như thế nào, thưa bà?
Bà Trần Thị Bích Loan: Việc thay đổi nhận thức của người dân không phải là điều có thể thực hiện nhanh chóng. Sự thay đổi nhận thức và chấp nhận sự vận động cần quá trình và thời gian bởi phong tục, tập quán của bà con đã được duy trì từ rất lâu. Ngoài ra, điều kiện về đường sá từ nhà đến cơ sở y tế còn rất khó khăn. Chúng ta cũng thiếu cơ sở vật chất và đội ngũ nhân viên y tế ở cơ sở để bảo đảm việc cung cấp các dịch vụ cho người dân theo mong đợi và nhu cầu. Tôi cho rằng những thực tế đó là nguyên nhân dẫn đến việc thăm khám, rà soát chưa thực sự như mong muốn, vì vậy chưa kịp thời phát hiện những dấu hiệu có thể dẫn đến tai biến sản khoa, nguyên nhân dẫn đến tử vong mẹ và trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, thời gian qua, với sự nỗ lực của ngành y tế, cùng sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong việc chăm sóc sức khỏe người dân nói chung, cho bà mẹ và trẻ em nói riêng, sự đồng hành của dự án đã có được những dấu ấn quan trọng. Cùng với đó, nhận thức của vùng đồng bào DTTS đã có chuyển biến tích cực hơn trong việc tiếp cận và sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe, năng lực của đội ngũ y, bác sĩ từng bước được nâng cao sẽ giúp giảm bớt khó khăn, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, miền, giữa các tỉnh miền núi và vùng đồng bằng, hướng tới thực hiện giảm tỷ lệ tử vong mẹ ở những địa bàn này thời gian tới.
 |
Bà Trần Thị Bích Loan. |
PV: Theo bà, ngành y tế cũng như các địa phương cần có những giải pháp như thế nào để có thể đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ tử vong mẹ?
Bà Trần Thị Bích Loan: Để nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ, trẻ em, đặc biệt là phụ nữ ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục tập trung vào việc nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, chính sách về phòng bệnh, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, chăm sóc sức khỏe sinh sản, tạo điều kiện cho mọi người dân được dễ dàng tiếp cận tới các dịch vụ y tế chất lượng, hiệu quả. Tiếp theo là tăng cường đào tạo, tập huấn, cầm tay chỉ việc, chuyển giao kỹ thuật tuyến trên cho mạng lưới y tế cơ sở, đặc biệt là đội ngũ y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản nhằm tăng khả năng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, sức khỏe sinh sản có chất lượng đến mọi người dân, giúp nâng cao năng lực xử lý tai biến sản khoa, thực hiện mục tiêu giảm tử vong mẹ, tử vong sơ sinh, tử vong trẻ em và cải thiện tình trạng dinh dưỡng ở bà mẹ và trẻ em, nhất là các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, trong đó có các gói dịch vụ về chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ mang thai và trẻ em cũng như các chương trình, đề án liên quan khác. Các cơ quan cần phối hợp chặt chẽ trong việc sử dụng nguồn lực để triển khai hiệu quả các hoạt động nhằm tăng cường sự tiếp cận cũng như thụ hưởng dịch vụ từ các hoạt động của người dân. Vấn đề ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cũng cần được chú trọng trong thời gian tới. Việc hợp tác quốc tế cũng rất quan trọng nhằm tăng cường sự hỗ trợ cả về kỹ thuật và nguồn lực để chúng ta có thêm các điều kiện triển khai hoạt động hướng tới mục tiêu giảm tử vong mẹ hiệu quả hơn.
PV: Trân trọng cảm ơn bà.
HÀ VŨ (thực hiện)
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.