“Thành phố Hoa phượng đỏ” là một bài thơ của nhà thơ Hải Như. Hải Như quê ở Nam Định, nhưng ông có một tình yêu Hải Phòng sâu nặng. Ông từng là phóng viên, biên tập viên Báo Vệ quốc quân, Cứu quốc, Giác ngộ,… Nhưng Hải Như được bạn đọc cả nước biết đến là một nhà thơ. Ông viết nhiều về đề tài Bác Hồ (đến nay có hơn 40 bài thơ về Bác). Đặc biệt, Hải Như có hơn 100 bài thơ được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc.
Năm 1970, vợ chồng nhà thơ nổi tiếng Liên Xô, K.Xi-mô-nốp sang thăm Việt Nam và đến Hải Phòng. Cùng đi với vợ chồng nhà thơ Xô-viết, có nhà thơ Huy Cận, Hải Như và các nhạc sĩ Phạm Tuyên, Hồ Bắc, Hoàng Vân… Mùa hè, thành phố Hải Phòng rực rỡ hoa phượng đỏ. Hải Như xuất thần viết bài thơ “Thành phố Hoa phượng đỏ” ca ngợi mảnh đất và con người Hải Phòng, sau đó được nhạc sĩ Lương Vĩnh phổ nhạc. Lương Vĩnh là ca sĩ, nhạc sĩ của Hải Phòng hồi đó. Ca sĩ Hoàng Thái (Đoàn Ca múa Hải Phòng) là người đầu tiên hát bài này trên sân khấu Hải Phòng, gây xúc động lòng người. Vào một chiều mùa hè 1971, ca sĩ Kiều Hưng lần đầu tiên hát bài này trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam và bài hát lập tức được đông đảo công chúng cả nước yêu thích.
Câu đầu tiên là cảnh sắc đặc trưng của Hải Phòng: “Tháng Năm rợp trời hoa phượng đỏ”. Tác giả bài thơ biểu lộ tình yêu tha thiết đối với thành phố biển, đó là những đôi trai gái yêu nhau, là những người thợ ngày đêm lao động, là những địa danh gợi lên rất nhiều lam lũ, vất vả của người Hải Phòng ngày xưa. Hải Như xúc động về con người Hải Phòng không chỉ nỗ lực lao động dựng xây thành phố quê hương, kiên cường đánh trả không lực Hoa Kỳ khét tiếng ngày đêm bắn phá ác liệt, mà còn xả thân cùng miền Nam đánh Mỹ. Truyền thống “Trung dũng, quyết thắng” của Hải Phòng được nhà thơ Hải Như và nhạc sĩ Lương Vĩnh tô đậm từ cao trào của bài hát với âm hưởng anh hùng ca: “Hải Phòng đó hiên ngang chỉ biết ngẩng đầu/ Trăm trận đánh quê ta kiên cường”. Và hai tác giả mong ước: “Hải Phòng ơi, hôm nay bé nhỏ, mai ta đã thấy rộng dài rực sáng/ Sánh vai cùng Sài Gòn, Đà Nẵng quê hương”. Giai điệu bài hát vừa tha thiết trữ tình, vừa hào hùng sử thi.
46 năm đã qua, bài hát “Thành phố Hoa phượng đỏ” vẫn tràn đầy sức sống. Không một người dân Hải Phòng nào không yêu thích, xúc động và tự hào về bài hát nổi tiếng này. 61 năm qua, kể từ ngày những tên lính thực dân Pháp cuối cùng rút khỏi Hải Phòng (13-5-1955), thành phố Cảng đã lớn lên từng ngày. Và đến nay, đúng như nhà thơ Hải Như đã dự đoán: Hải Phòng hôm nay đã “tráng lệ rộng dài, sánh vai cùng Sài Gòn, Đà Nẵng”! Những cái tên như: Bến Bính, Xi Măng, Cầu Rào, Cầu Đất, Lạc Viên… giờ đây không còn dấu vết xưa lam lũ, mà bừng sáng lên với những công trình to đẹp, những tòa nhà nguy nga, những con phố rộng dài, sầm uất.
Mỗi dịp tháng Năm về, đi trên mảnh đất Hải Phòng, nghe bài hát “Thành phố Hoa phượng đỏ”, người Hải Phòng lại càng yêu, càng tự hào về quê hương mình; còn bè bạn bốn phương thì nô nức đến Hải Phòng để chiêm ngưỡng hoa phượng đỏ và chia vui cùng người dân thành phố Cảng.
ĐÀO NGỌC ĐỆ