Với sự gia tăng dân số đô thị và tốc độ đô thị hóa như hiện nay thì nhu cầu về nhà ở là vấn đề cấp thiết. Trước tình hình đó, Nhà nước luôn có chủ trương xây dựng nhà ở xã hội, nhà tái định cư để đáp ứng một phần nhu cầu nhà ở cho người dân. Với chính sách đó, khi người dân ở nhà tái định cư sẽ nhận được một số lợi ích quan trọng như có quỹ đất, có nhà nhanh để thực hiện việc tái định cư. Bên cạnh đó, nhà ở tái định cư nằm trong quy hoạch tổng thể đồng bộ, nếu thực hiện tốt thì người dân sẽ được hưởng những tiện ích từ hạ tầng đến các cơ sở văn hóa xã hội, từ đó giúp họ sớm ổn định cuộc sống.
Thế nhưng trên thực tế, sau khi xây dựng xong, có khá nhiều khu nhà tái định cư bị bỏ hoang một cách đáng tiếc. Đơn cử, dự án nhà tái định cư N01-D17 Duy Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) được xây dựng từ năm 2010, dự kiến hoàn thành năm 2013. Đây là dự án nhà tái định cư được bố trí cho các hộ dân thuộc diện giải phóng mặt bằng, thu hồi đất dự án đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài. Dự án có quy mô gồm 1 tầng hầm để xe và 15 tầng nổi. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, sau hơn 10 năm triển khai xây dựng, dự án mới chỉ xây xong phần thô. Do không được đưa vào sử dụng nên nhiều hạng mục đã xuống cấp. Tầng 1 của dự án trở thành nơi ở của công nhân xây dựng. Bên trong dự án, cỏ dại mọc um tùm, che kín lối đi lại... Dự án tái định cư tại khu đô thị mới Sài Đồng (Long Biên, Hà Nội) cũng nằm trong tình trạng tương tự. Đây là dự án nhà tái định cư được triển khai từ năm 2001 đến 2006 do Công ty Cổ phần Xây dựng số 3 Hà Nội (Hanco 3) làm chủ đầu tư. Dự án dùng để tái định cư tại chỗ khi thực hiện giải phóng mặt bằng mở rộng tuyến phố Sài Đồng trong khu đô thị Sài Đồng. Do xảy ra khiếu kiện, người dân không nhận nhà nên toàn bộ quỹ nhà này đến nay vẫn... bỏ hoang. Hiện nay, 3 tòa nhà 6 tầng không có người ở, xung quanh vườn hoa, sân chơi cỏ mọc um tùm, các cửa ra vào tòa nhà đều trong tình trạng “cửa đóng, then cài”...
 |
Nhà tái định cư N01-D17 Duy Tân (Cầu Giấy) triển khai xây dựng hơn 10 năm, đến nay vẫn chưa đưa vào sử dụng. |
Không chỉ các dự án nêu trên, mà tại nhiều quận trên địa bàn TP Hà Nội cũng diễn ra tình trạng tương tự, như: Khu tái định cư Hoàng Cầu (Đống Đa), nhà tái định cư 4A Tạ Quang Bửu (Hai Bà Trưng)... Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong cho biết: “Hiện nay, các quy chuẩn, tiêu chuẩn về nhà ở tái định cư chưa thật rõ, khiến chất lượng nhà tái định cư chưa đáp ứng yêu cầu của người dân. Đặc biệt là vấn đề bong tróc, tắc hệ thống thoát nước hay cung cấp các dịch vụ xã hội... khiến chất lượng cuộc sống của người dân, chất lượng nhà ở chưa được bảo đảm nên người dân không mặn mà với các dự án tái định cư”.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam: Trước đây, nhà tái định cư thực hiện theo cách được cấp vốn rồi giao các đơn vị đầu tư, xây dựng, kèm theo một số ưu đãi. Tuy nhiên, hiệu quả của các dự án nhà tái định cư trong giai đoạn này chưa thể hiện tốt. Việc nghiên cứu tính ưu việt, đáp ứng yêu cầu thực tế của người dân cũng chưa được tiến hành sâu sát, khiến không ít dự án bị bỏ hoang vì không phù hợp nhu cầu sử dụng các công trình...
Để hạn chế tình trạng nhà tái định cư bỏ không, trong khi người dân thiếu chỗ ở, theo TS Nguyễn Minh Phong: Cần có quy hoạch về việc xây dựng và phát triển các khu tái định cư có kết nối tốt về điện, nước, trường học, bệnh viện và các cơ sở hạ tầng khác để giúp người dân yên tâm sinh sống trong những điều kiện tốt nhất. Bên cạnh việc tiếp tục xây dựng các cơ sở tái định cư trong quy hoạch và phù hợp với các điều kiện cần thiết thì chúng ta cũng cần có sự mềm dẻo như đền bù trực tiếp bằng tiền để người dân tự đi tìm các quỹ nhà có nhu cầu phù hợp với mình. Bên cạnh đó, cần thực hiện đấu thầu công khai các dự án tái định cư để bảo đảm lựa chọn được các nhà đầu tư có uy tín, chất lượng cao nhất, giá thành rẻ nhất đáp ứng các yêu cầu về tái định cư của người dân.
Xây dựng, phát triển nhà tái định cư là chủ trương đúng đắn thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước tới người dân. Tuy nhiên, tình trạng nhà thừa nhưng chỗ ở đáp ứng nhu cầu thực sự của người dân lại thiếu, họ không mấy mặn mà với nhà tái định cư thì cần có đánh giá lại tính hiệu quả của các công trình để có những cách làm phù hợp, tránh gây lãng phí như hiện nay.
Bài và ảnh: ĐỨC THỊNH