Ngộ nhận biểu hiện ở hai khuynh hướng chính: Hoặc là đánh giá quá cao, hoặc là đánh giá quá thấp. Khuynh hướng nhận thức, đánh giá quá cao là phổ biến, là đặc trưng của sự ngộ nhận. Đã nhận thức, đánh giá sai lầm, nhưng người ngộ nhận lại khăng khăng cho mình là đúng; hoặc tìm mọi “lý lẽ” ngụy biện, nhằm làm cho người khác phải nhận thức, đánh giá như mình, thậm chí bắt ép người khác phải làm theo ý mình!
Theo tư duy khoa học, trước một hiện thực khách quan nào đó, phải nhìn nhận cho sâu và toàn diện, so sánh với các sự vật, hiện tượng tương đồng hoặc cùng loại với nó, rồi phân tích cho kỹ càng, thì mới đánh giá được đúng cái thực chất, cái “tầm” của nó. Song, người ngộ nhận lại xem xét đối tượng một cách vội vàng, lệch lạc, đơn lẻ, mà thường là tô vẽ lòe loẹt, đề cao nó một cách quá đáng. Chẳng hạn, có nhà thơ, nhà văn, diễn viên, cầu thủ, doanh nhân nào đó chỉ ở mức “thường thường bậc trung” thôi, nhưng người ngộ nhận lại đánh giá là “nhà thơ, nhà văn lừng danh”, là “ngôi sao” hoặc “diva ca nhạc”, “diễn viên sáng giá”, “đạo diễn gạo cội”, “doanh nhân nổi tiếng”(!). Có những sự việc rõ ràng là sai trái-so với chân lý đích thực, nhưng người ngộ nhận lại đánh giá là đúng, là tốt, là hay.
Lại có nhiều người ngộ nhận về chính bản thân mình. Ông A, bà B, anh X, chị Y tài năng chẳng hơn ai, thậm chí có mặt kém cỏi, thế mà cứ dương dương tự đắc cho mình là tài giỏi hơn người! Do đó, đi đến đâu và gặp ai (trừ thượng cấp), nhất là khi được lên đài truyền hình hoặc được báo chí phỏng vấn, thì ông, bà, anh, chị ấy đôi khi lại ra vẻ khệnh khạng, điệu đà, vênh váo, khoa chân múa tay, phát ngôn huênh hoang. Người mắc chứng ngộ nhận về bản thân lúc nào cũng chỉ nhìn thấy cái bụng, cái rốn của mình. Mà họ thì luôn luôn cố phình bụng mình cho to, nên đã che lấp cả sự thật, che lấp cả người khác.
Có ba lý do cơ bản dẫn đến ngộ nhận. Một là, do thiếu cái tâm. Người ngộ nhận thường hay “yêu nên tốt, ghét nên xấu”. Lòng đã không trong, tất yếu mắt không thể sáng được. Do đó, ngộ nhận là sự bóp méo hoặc tô hồng hiện thực. Hai là, do hạn hẹp về trí tuệ (trí tuệ-một yếu tố cơ bản nằm trong chữ tài, giúp người ta đánh giá hiện thực khách quan một cách lý tính chứ không phải bằng cảm tính). Ít hiểu biết, tầm nhìn hẹp, không thông minh và sắc sảo trong tư duy, nên không thể đánh giá đúng được hiện thực khách quan hoặc chính bản thân mình. Vì thế, trông con gà ri lại ngỡ phượng hoàng, thấy con chim sẻ cứ khăng khăng là đại bàng, nhìn con ễnh ương cứ tưởng là con bò. Ba là, do tính bảo thủ, trì trệ và sự chủ quan mà ra. Người ngộ nhận thường không thích người khác góp ý, phê bình mình. Họ luôn luôn cho mình là đúng.
Đã thiếu cái tâm, kém cái trí, lại thêm tự phụ, chủ quan, tự mãn, trì trệ, thì làm sao mà đánh giá đúng được một con người, một tập thể, một sự vật, sự việc, hay một vấn đề cho chính xác? Vì thế, người ngộ nhận thực chất là người sống không có bản lĩnh. Tuy hay gồng mình lên, nhưng lại không đủ can đảm để đàng hoàng gọi tên sự thật, không dám nói đúng sự thật! Nói cách khác, ngộ nhận là biểu hiện rõ nhất của lối sống ảo-một lối sống không sâu sát thực tiễn, rất nguy hại cho chính mình và dễ dẫn người khác (hoặc áp đặt người ta) đi đến những hành xử sai lạc, lầm lỗi.
ĐÀO NGỌC ĐỆ