Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành và toàn xã hội, công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân CĐDC/dioxin những năm qua đã đạt được nhiều kết quả đáng trân trọng?
 |
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh. Ảnh: ĐÌNH TRỌNG
|
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh: Chiến tranh đã lùi xa hơn 45 năm, nhưng CĐDC/dioxin do quân đội Mỹ phun rải xuống chiến trường miền Nam trong 10 năm (1961-1971) đã gây ra hậu quả thảm khốc, lâu dài cả về môi trường và sức khỏe con người, làm cho hơn 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người trong số đó là nạn nhân. Nhiều nạn nhân là thế hệ thứ hai, thứ ba, thứ tư vẫn phải chịu di chứng và hậu quả nặng nề của CĐDC/dioxin.
Những năm qua, Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành đã quan tâm xây dựng, ban hành nhiều văn bản pháp luật liên quan đến nhiệm vụ khắc phục hậu quả chất độc hóa học (CĐHH) sau chiến tranh, đồng thời đặc biệt coi trọng giải quyết chế độ, chính sách đối với người có công (NCC) với cách mạng nói chung và người tham gia kháng chiến bị nhiễm CĐHH nói riêng. Đến nay, hơn 320.000 người tham gia kháng chiến bị nhiễm CĐHH và con đẻ của họ được hưởng trợ cấp hằng tháng theo Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng. Công tác vận động nguồn lực xã hội, chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân được các cấp hội nạn nhân CĐDC/dioxin triển khai tích cực, hiệu quả, được nhiều tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm ở trong nước và nước ngoài ủng hộ.
Với tinh thần “Đoàn kết-nghĩa tình-trách nhiệm-vì nạn nhân CĐDC”, VAVA luôn phấn đấu thực hiện tốt công tác vận động nguồn lực chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân và đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân CĐDC Việt Nam, đồng thời phối hợp với các cơ quan hữu quan tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước các chủ trương, chính sách đối với họ; đóng góp nhiều ý kiến về tình hình thực hiện chính sách đối với nạn nhân CĐDC... Phong trào “Hành động vì nạn nhân CĐDC Việt Nam”, do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động ngày càng lan tỏa sâu rộng, được sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng xã hội trong nước, quốc tế, thiết thực góp phần xoa dịu nỗi đau da cam.
PV: Trong kết quả chung đó có sự quan tâm thường xuyên của Bộ Quốc phòng (BQP), Tổng cục Chính trị (TCCT) và các cơ quan, đơn vị quân đội, thưa đồng chí?
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh: Từ khi VAVA được thành lập (10-1-2004) đến nay, BQP, TCCT và các cơ quan, đơn vị quân đội thường xuyên quan tâm, giúp đỡ tổ chức hội các cấp và nạn nhân CĐDC cả về vật chất, tinh thần, nhất là quan tâm đến đời sống, sinh hoạt của các cựu chiến binh, thương binh, nạn nhân CĐDC tại trung tâm bảo trợ xã hội các tỉnh, thành phố. Các cơ quan báo chí quân đội luôn gắn bó, đồng hành, phản ánh kịp thời các hoạt động của hội; thường xuyên thông tin, tuyên truyền về thảm họa da cam, công cuộc khắc phục hậu quả CĐHH sau chiến tranh và việc giải quyết chế độ chính sách, chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân CĐDC.
Cục Chính sách, TCCT thường xuyên phối hợp với VAVA và Cục NCC (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) nghiên cứu tham mưu, đề xuất sửa đổi Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng (trong đó có người tham gia kháng chiến bị nhiễm CĐHH), xử lý thông tin liên quan đến quyền lợi, chế độ, chính sách đối với nạn nhân CĐDC. Các cơ quan, đơn vị quân đội tích cực tham gia các hoạt động do VAVA tổ chức; nhiều doanh nghiệp, đơn vị quân đội đã ủng hộ, giúp đỡ nạn nhân CĐDC hàng chục tỷ đồng. Binh chủng Hóa học và VAVA đã ký kết chương trình phối hợp hoạt động; Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga, Học viện Quân y... phối hợp với VAVA trong các công trình nghiên cứu về CĐDC và thực hiện dự án xông hơi, giải độc cho nạn nhân...
Sự giúp đỡ to lớn, hiệu quả của BQP, TCCT và các cơ quan, đơn vị quân đội dành cho VAVA và nạn nhân CĐDC trong những năm qua thiết thực góp phần xoa dịu nỗi đau da cam và tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức hội các cấp hoàn thành tốt nhiệm vụ.
PV:Trong 5 năm thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư, công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân và vận động nguồn lực có những chuyển biến tích cực như thế nào, thưa đồng chí?
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh: Ngày 14-5-2015, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 43-CT/TW (Chỉ thị 43) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam”, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và toàn hệ thống chính trị đối với việc giải quyết hậu quả CĐHH, giúp đỡ nạn nhân CĐDC và hoạt động của tổ chức hội các cấp.
Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị 43, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội đã nhận thức sâu sắc, quan tâm hơn đến việc giải quyết hậu quả CĐHH sau chiến tranh và công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân CĐDC. Chế độ, chính sách đối với nạn nhân được bảo đảm đúng quy định; nhiều chế độ, chính sách tiếp tục được bổ sung, sửa đổi phù hợp, kịp thời. Công tác tuyên truyền, vận động, đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam được phối hợp triển khai chặt chẽ, kiên trì, bước đầu đạt được kết quả đáng khích lệ.
Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động góp phần để các tầng lớp nhân dân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế... hiểu rõ hơn thảm họa da cam/dioxin do Mỹ gây ra ở Việt Nam; đồng thời vận động nhiều nguồn lực giúp đỡ nạn nhân và cuộc đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân. Từ năm 2015 đến tháng 6-2020, các cấp hội đã vận động quỹ (gồm tiền và vật chất) tổng trị giá hơn 1.555 tỷ đồng, để đầu tư xây dựng các trung tâm nuôi dưỡng, phục hồi chức năng, dạy nghề; hỗ trợ xây nhà tình nghĩa, hỗ trợ vốn sản xuất; tặng xe lăn, khám chữa bệnh, xông hơi tẩy độc phục hồi sức khỏe; thăm hỏi, tặng quà nạn nhân... Hiện nay, VAVA đang thực hiện 25 dự án ở trong nước và với bạn bè quốc tế để giúp đỡ nạn nhân CĐDC. Phong trào “Hành động vì nạn nhân CĐDC Việt Nam” tiếp tục nhận được sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng xã hội trong nước, quốc tế chung tay chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân và xoa dịu nỗi đau da cam.
PV: Thưa đồng chí, để thực hiện tốt phương châm “Đổi mới, hướng về cơ sở, hướng về nạn nhân”, thời gian tới, công tác xây dựng hội nạn nhân CĐDC/dioxin các cấp tiếp tục được quan tâm như thế nào?
 |
Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Bạc Liêu bàn giao “Mái ấm da cam” tặng gia đình nạn nhân. Ảnh: THANH HÀ
|
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh: Những năm qua, công tác xây dựng, củng cố tổ chức hội vững mạnh luôn được các cấp quan tâm, làm nòng cốt thúc đẩy công tác vận động nguồn lực, chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân. Đến tháng 6-2020, tổ chức hội nạn nhân CĐDC/dioxin được thành lập ở 63 tỉnh, thành phố, 615 quận, huyện, hơn 6.550 xã, phường..., với tổng số gần 400.000 hội viên.
Năm 2020, tổ chức hội thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh các địa phương tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Trung ương về tiếp tục đổi mới, sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị và thực hiện Thông báo số 158-TB/TW ngày 2-1-2020, Kết luận của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Kết luận số 102-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về hội quần chúng trong tình hình mới; đồng thời Nhà nước chuyển đổi cơ chế quản lý về tài chính đối với các hội quần chúng...
Từ thực tế đó, các cấp hội cần bám sát đặc điểm, tình hình địa phương, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ việc quán triệt, tổ chức thực hiện hiệu quả Chỉ thị 43, đồng thời đề xuất các biện pháp lãnh đạo củng cố, kiện toàn, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức hội hoạt động, nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước giao là chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân và đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân CĐDC Việt Nam. Các cấp hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở và nạn nhân; xác định công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân là nhiệm vụ hàng đầu, là lương tâm, trách nhiệm và “thước đo” chủ yếu đánh giá năng lực, hiệu quả hoạt động của tổ chức hội.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
DUY ANH (thực hiện)