Sinh vật NLXH là loài đang lấn chiếm nơi sinh sống, cạnh tranh thức ăn hoặc gây hại đối với các sinh vật bản địa. Sinh vật NLXH là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự tuyệt chủng của nhiều loài, phá hủy hoặc làm thoái hóa môi trường sống bản địa, phá hoại mùa màng; truyền bệnh cho các loài bản địa và cư dân, tác động tiêu cực tới kinh tế-xã hội và sức khỏe con người. Các kết quả nghiên cứu cho thấy, sinh vật NLXH đã làm tuyệt chủng 39% số loài xuất hiện trên bề mặt Trái Đất kể từ năm 1600 và phá hủy 36% hệ sinh thái. Tại Việt Nam, sinh vật NLXH điển hình là ốc bươu vàng khiến nền nông nghiệp của nước ta phải trả giá đắt, nhất là trong thập niên 1990. Với đặc tính sinh sản nhanh, có thể ăn hầu hết các loài thực vật, ốc bươu vàng nhanh chóng lan tràn từ Đồng bằng sông Cửu Long tới các tỉnh miền Trung và miền Bắc, phá hoại nghiêm trọng sự đa dạng sinh học, lúa, hoa màu. Đến nay, ốc bươu vàng vẫn làm khổ người dân nhiều địa phương; hằng năm, cả nước phải bỏ ra nhiều tiền của, công sức để diệt trừ, nhưng vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn.

Cây mai dương mọc tràn lan ở các khoảng đất trống tại phường Mỹ Xuân, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Ảnh: MỸ PHƯỢNG

Không chỉ ốc bươu vàng, nhiều sinh vật NLXH khác (bèo tây, cây mai dương, chuột hải ly Nam Mỹ, cá lau kính, chồn nhung đen, rùa tai đỏ...) cũng từng là nỗi ám ảnh của nhiều địa phương. Chuột hải ly mỗi năm đẻ 3 lứa, mỗi lứa đẻ 4-11 con, không chỉ phá hoại mùa màng mà còn gieo mầm bệnh lao, lao tủy, lao da. Cây mai dương, hạt có thể nảy mầm sau 23 năm và có thể phát triển số lượng cây gấp đôi sau một năm, đến nay, đã lan ra hầu hết các tỉnh, thành phố. Mai dương mọc thành vành đai rộng lớn và trở thành đối tượng nguy hiểm, khó phòng trừ. Với tôm càng đỏ và tôm hùm đất có tập tính ăn tạp, đào hang, phá hoại bờ ruộng, ảnh hưởng tới đa dạng sinh học, nên ngay từ năm 2013, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Thông tư liên tịch số 27/2013/TTLT-BTNMT- BNNPTNT, trong đó quy định không được sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Thế nhưng mới đây, một số người vẫn lén lút nuôi, mua bán, tiêu thụ... 

Theo nhiều chuyên gia, sinh vật NLXH vào nước ta chủ yếu được nhập một cách có chủ ý cho mục đích kinh tế, giải trí, qua con đường tiểu ngạch, du lịch hoặc cho mục đích khoa học… nhưng vì chưa được kiểm tra và kiểm soát tốt nên đã bùng phát, gây tác hại nặng nề. Trao đổi với chúng tôi, PGS, TS Nguyễn Quang Huy, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản 1 cho biết: "Để ngăn ngừa và kiểm soát được sinh vật NLXH, cần duy trì đồng thời nhiều giải pháp. Thứ nhất, người dân, doanh nghiệp cần tuân thủ đúng quy định của pháp luật về danh mục các loài sinh vật NLXH khi kinh doanh, nuôi trồng. Các cơ quan quản lý cần ngăn chặn hiệu quả việc nhập lậu, kinh doanh, vận chuyển sinh vật NLXH, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật. Thứ hai, cơ quan chức năng cần tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của sinh vật NLXH đối với sinh kế của chính họ cũng như hệ sinh thái và nền nông nghiệp quốc gia. Thứ ba, trong trường hợp sinh vật NXLH bị phát tán ra ngoài môi trường, cần khoanh vùng, cô lập để tiêu diệt ngay. Có thể dùng kết hợp các giải pháp sinh học, hóa học, cơ học để tiêu diệt, hạn chế chúng phát tán, xác lập thành quần thể trong tự nhiên".

Được biết, cùng với Luật Đa dạng sinh học 2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành danh mục loài sinh vật NLXH và có nguy cơ xâm hại theo Thông tư số 35/2018/TT-BTNMT; Tổng cục Thủy sản cũng đã ban hành danh mục các loài thủy sản được phép nuôi trồng, sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam. Theo GS, TS Nguyễn Lân Hùng, Tổng thư ký Hội Các ngành sinh học Việt Nam: “Người dân chưa thể biết hết được các loài sinh vật NLXH và tác hại của chúng. Do đó, rất cần cơ quan tuyên truyền, cơ quan nghiên cứu thông báo rộng rãi để họ biết, khi biết rồi mà vi phạm đương nhiên bị xử phạt và xử phạt thật nghiêm...”.  

 KIM DUNG