Bà Rịa-Vũng Tàu là địa phương có tốc độ phát triển kinh tế-xã hội cao, thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực nên có nhu cầu tuyển dụng lao động lớn. Từ đầu năm 2018 đến nay, TTDV việc làm tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tổ chức 5 phiên giao dịch, thu hút hơn 120 lượt doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia, với nhu cầu tuyển dụng gần 31.000 lao động. Tuy nhiên, qua 5 phiên giao dịch chỉ có hơn 3.000 lượt người tham gia và khoảng 370 người được nhận hồ sơ trực tiếp; hơn 450 người được hẹn phỏng vấn. Bà Nguyễn Thị Huê, cán bộ nhân sự Công ty TNHH Nitori Bà Rịa-Vũng Tàu, cho rằng: “5 phiên giao dịch việc làm từ đầu năm đến nay chỉ có hơn 3.000 lượt người đến tham dự là quá ít. Mặc dù công ty chúng tôi rất cần tuyển lao động, nhưng chủ yếu chỉ tuyển được lao động phổ thông, còn với những vị trí khác thì rất khó, bởi phần lớn NLĐ chưa đáp ứng được yêu cầu”.

Theo số liệu thống kê của Cục Việc làm (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), hiện cả nước có 48 TTDV việc làm tổ chức sàn giao dịch. Bình quân mỗi phiên giao dịch thu hút từ 25 đến 30 doanh nghiệp và khoảng 400 đến 450 lao động tham gia, trong đó có 200 đến 230 lao động được sơ tuyển, phỏng vấn. Trên thực tế, tiềm năng nguồn cung và nhu cầu tuyển dụng lao động là rất lớn, thế nhưng hiệu quả qua các phiên giao dịch việc làm lại không đạt được như kỳ vọng.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng cung và cầu lao động chưa gặp nhau. Qua các phiên giao dịch việc làm cho thấy, thông tin thị trường lao động chưa được các TTDV việc làm cập nhật, đáp ứng kịp thời và chưa thu hút được doanh nghiệp có uy tín tham gia. Hệ thống TTDV việc làm còn hạn chế về khả năng tư vấn, giới thiệu việc làm và thu thập thông tin về cung-cầu lao động. Ngoài ra, hoạt động của các TTDV việc làm chưa đồng bộ, chưa có sự gắn kết trở thành một hệ thống kết nối trên phạm vi toàn quốc; phạm vi các hoạt động giao dịch việc làm chủ yếu ở khu vực thành thị, nơi có đông NLĐ. Cùng với đó, nhu cầu tuyển dụng của một số doanh nghiệp đòi hỏi NLĐ phải có kinh nghiệm làm việc, trình độ ngoại ngữ… trong khi đa số người tìm việc làm chưa có nhiều kinh nghiệm, thiếu thông tin về vị trí việc làm mà mình ứng tuyển...

Anh Nguyễn Văn Đức ở thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội, cho biết: “Sau khi tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, tôi cũng tham gia nhiều phiên giao dịch việc làm nhưng vẫn chưa có nơi nào nhận. Tiêu chí các công ty đưa ra là phải có kinh nghiệm, kỹ năng giao tiếp, trong khi đó sinh viên mới ra trường như chúng tôi chưa được tiếp cận công việc bao giờ thì làm sao có kỹ năng và kinh nghiệm?”.

Để giúp người cần việc làm và doanh nghiệp có nhu cầu tuyển lao động sớm gặp nhau, một số TTDV việc làm đã có những cách làm sáng tạo. Ví dụ, TTDV việc làm Hà Nội thành lập những điểm giao dịch việc làm vệ tinh tại nhiều quận, huyện. Qua đó, năm 2017, TP Hà Nội đã giải quyết việc làm cho 152.000 người, đạt 100% kế hoạch; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh và đào tạo cho 195.993 lượt người, đạt 115% kế hoạch. Ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP Hà Nội, khẳng định: “Những điểm giao dịch việc làm vệ tinh phát huy được hiệu quả thiết thực, đóng góp vai trò quan trọng trong việc kết nối cung-cầu trên thị trường lao động”.

Cũng về vấn đề này, bà Lê Kim Dung, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), cho rằng: "Để các phiên giao dịch việc làm đạt kết quả như mong muốn, các cơ quan chức năng cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, tăng cường tổ chức các hoạt động tư vấn, cung cấp nhiều cơ hội tiếp cận với TTDV việc làm cho doanh nghiệp, NLĐ, trong đó chú trọng các dịch vụ trực tuyến. Quan trọng nhất là thiết lập mối quan hệ gắn kết chặt chẽ với các doanh nghiệp để nắm bắt kịp thời nhu cầu tuyển dụng, không để doanh nghiệp thiếu nhân lực cho sản xuất, kinh doanh và tập trung hướng nghiệp, đào tạo nâng cao kỹ năng làm việc, kỹ năng nghề... cho NLĐ.

Điều cần thiết để các cơ quan chức năng và các TTDV việc làm xem xét chính là thành lập được hệ thống kết nối liên thông các TTDV việc làm trong cả nước. Một lao động ở miền Bắc hoàn toàn có thể được tuyển dụng làm việc ở một doanh nghiệp miền Nam thông qua các TTDV việc làm ở bất kỳ đâu, đó mới là đích đến cần thiết của cung và cầu lao động hiện nay.

ĐỨC HUY - LAN HƯƠNG