Trước tình hình trên, Ban CHQS huyện Nam Trà My kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nắm chắc tình hình, chủ động triển khai các phương án sơ tán nhân dân ra khỏi các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, giảm tối đa thiệt hại do mưa lũ.

Chiều 23-10, khi nhận được thông tin lượng mưa trên địa bàn liên tục tăng cao, hơn 300 cán bộ, chiến sĩ bộ đội, dân quân huyện Nam Trà My phối hợp cùng lực lượng chức năng địa phương đội mưa, băng rừng, vượt núi đến kiểm tra từng khu dân cư, từng hộ dân, huy động lực lượng xung kích tham gia giúp nhân dân chằng, chống nhà cửa; di dời dân ở những vùng có nguy cơ sạt lở đất, các điểm dân cư ở ven sông, suối, vách núi, khe nước... đến nơi an toàn.

Dân quân xã Trà Mai cứu kéo, hỗ trợ phương tiện của người dân đi qua khu vực sạt lở. 

Để hạn chế nguy cơ lây lan dịch Covid-19, đồng thời giảm thiệt hại trong trường hợp khu vực tránh trú xảy ra bất trắc, rủi ro, các địa phương ưu tiên đến mức tối đa di dời, sơ tán tại chỗ, ở xen ghép trong các gia đình có nhà kiên cố; tổ chức chốt chặn tại các bến sông, bờ suối, tuyên truyền, vận động người dân không đánh bắt cá, vớt củi, di chuyển qua sông suối, trên các cầu tạm khi có nước lớn, nước chảy xiết; tổ chức và duy trì lực lượng xung kích phòng, chống lụt, bão ở địa phương, sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống. Đêm 23 và sáng 24-10, toàn huyện đã tổ chức sơ tán gần 400 hộ dân, với hơn 1.500 nhân khẩu, sinh sống tại các khu vực có nguy cơ mất an toàn cao thuộc các xã: Trà Cang, Trà Leng, Trà Nam, Trà Tập, Trà Mai, Trà Linh.

Đặc biệt, dự báo chính xác tình hình, chiều 23-10, trong điều kiện mưa to, gió lớn, 40 cán bộ, chiến sĩ dân quân xã Trà Mai cùng lực lượng xung kích của địa phương kịp thời sơ tán 12 người già, trẻ em cùng nhiều tài sản của 6 hộ gia đình nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở cao ở thôn 2 đến khu tránh trú. Sáng hôm sau, thấy bùn đất từ ta luy dương bắt đầu tràn xuống mặt đường, lực lượng cứu hộ tiếp tục sơ tán toàn bộ người dân trong thôn 2 đến nơi an toàn.  Khoảng 9 giờ sáng 24-10, sau tiếng nổ lớn, hàng trăm mét khối đất đá, bùn non từ trên vách núi bất ngờ đổ sập xuống khu dân cư. Do đã được sơ tán từ trước nên vụ sạt lở này không gây thiệt hại về người.

Đồng chí Hồ Ngọc Quang, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Trà Mai cho biết: “Từ kinh nghiệm phòng, chống lụt bão, mùa mưa bão năm nay, thay vì huy động toàn bộ quân số lên cơ quan ứng trực, chúng tôi chia nhỏ đội hình xuống cắm chốt tại các thôn, đề phòng trường hợp đường sá, giao thông chia cắt thì cán bộ, chiến sĩ vẫn có thể ứng phó kịp thời. Các phương tiện cứu hộ, cứu nạn như: Cưa máy, áo phao, xà beng, cuốc, xẻng, thuốc và lương thực, thực phẩm dự trữ đều được các lực lượng chuẩn bị chu đáo”.

Trên địa bàn xã Trà Leng, nơi cách đây đúng một năm từng xảy ra vụ sạt lở đất kinh hoàng khiến hàng chục người chết và mất tích, các phương án phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn cũng được các lực lượng chức năng tích cực triển khai. Trước mùa mưa bão năm nay, Ban CHQS xã đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương khảo sát, chuẩn bị chu đáo hàng chục khu tránh trú, từ nhỏ lẻ đến tập trung để sẵn sàng sơ tán nhân dân. Trong khu tái định cư Bằng La, công trình nhà sinh hoạt cộng đồng khang trang, kiên cố, hai tầng với đầy đủ thiết chế văn hóa, công trình phụ trợ do Bộ tư lệnh Quân khu 5 xây tặng người dân, giờ đây như “pháo đài” vững chắc được chính quyền địa phương trưng dụng để sẵn sàng tiếp nhận, bảo đảm nơi ăn, chốn ở cho khoảng 150 đến 200 người dân từ các thôn lân cận về tránh trú.

Trung tá Trần Quốc Ánh, Phó chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Nam Trà My cho biết: “Sáng 25-10, lượng mưa trên địa bàn đã có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn, Ban CHQS huyện đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo ngành chức năng phối hợp UBND các xã tiếp tục trực chốt, cắm biển cảnh báo giao thông tại các điểm nguy hiểm, chỉ đạo người dân không được qua lại nơi ngập nước trên các tuyến đường. Đơn vị cũng thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn ban CHQS các xã tăng cường theo dõi diễn biến thời tiết để chủ động ứng phó, giúp địa phương phòng, chống, giảm thiệt hại và khắc phục hậu quả. Để bảo đảm giao thông đi lại và thông tin liên lạc phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn, đơn vị cũng đề nghị UBND huyện chỉ đạo các lực lượng chức năng đưa phương tiện đến san ủi, gia cố những đoạn đường bị sạt lở; khắc phục những trụ điện gãy đổ. Riêng với những điểm sạt lở nhỏ, xe hai bánh có thể qua lại được, lực lượng dân quân các xã đang tích cực khai thông, giải phóng mặt đường, đồng thời phân công lực lượng xuống hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình bị thiệt hại bởi mưa lũ để bà con sớm ổn định lại cuộc sống”.

Nhờ chủ động các phương án và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó có sự đóng góp tích cực của cán bộ, chiến sĩ LLVT huyện, đến thời điểm này, thiệt hại do mưa lũ gây ra ở Nam Trà My giảm rất nhiều so với mọi năm. 

Bài và ảnh: VIỆT HÙNG