 |
Viện Kiểm sát Nhân dân TP Sông Công (Thái Nguyên) trình chiếu tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh trong quá trình xét xử vụ án tại phiên tòa ngày 23-11-2020. Ảnh: NGUYỄN ĐỨC |
Các phương tiện liên lạc và kinh doanh đã thay đổi nhiều với sự ra đời của internet. Nó là cơ sở ra đời của bằng chứng điện tử. Việc xác thực các dữ liệu điện tử (DLĐT) được thu thập có giá trị là bằng chứng rất quan trọng. Pháp luật dân sự Việt Nam hiện nay đã có nhiều quy định công nhận chứng cứ điện tử, như theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, DLĐT là một trong những nguồn thu thập chứng cứ. Thông điệp DLĐT được thể hiện dưới hình thức trao đổi DLĐT, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử... Đây là một trong những căn cứ giúp đương sự có chứng cứ chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước tòa án. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử tại tòa án cũng xuất hiện nhiều vụ tranh chấp mà các chứng cứ chủ chốt, quan trọng là DLĐT do đương sự cung cấp không đáp ứng được tính xác thực, hợp pháp theo quy định. Ví dụ, tại Bản án số 20/2019/KDTM-PT ngày 12-8-2019 về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa, Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh Bình Dương không chấp nhận chứng cứ điện tử. Cụ thể, phía bị đơn là "Công ty TNHH SX DN hàng hóa" và nguyên đơn là "Công ty TNHH CN B" (tên hai công ty đã được mã hóa theo quy định tại Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐTP ngày 16-3-2017 của TAND Tối cao về việc công bố bản án, quyết định trên Cổng thông tin điện tử của tòa án-PV). Phía bị đơn cung cấp chứng cứ phản tố cho rằng, nguyên đơn đã giao hàng hóa kém chất lượng nên khi bị đơn xuất khẩu hàng hóa này đã bị khách hàng yêu cầu bồi thường và phạt tiền; chứng cứ điện tử là văn bản gửi qua email. Tuy nhiên, các chứng cứ trên gửi qua email đều có nội dung là tiếng nước ngoài, chưa được dịch sang tiếng Việt, không được chứng thực theo quy định tại Khoản 3, Điều 96, Bộ luật Tố tụng Dân sự và không rõ người gửi, không rõ mối quan hệ giữa người gửi và bị đơn nên tòa án cấp phúc thẩm không xem các email mà bị đơn cung cấp là chứng cứ.
Theo TS Dương Thanh Biểu, nguyên Phó viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, mặc dù pháp luật công nhận giá trị chứng cứ của DLĐT nhưng vẫn thiếu các quy định cụ thể về quy trình thu thập chứng cứ, căn cứ xác minh tính chính xác của DLĐT nên gây lúng túng cho cơ quan tố tụng trong việc đánh giá, công nhận DLĐT là chứng cứ trong vụ án dân sự. Mặt khác, yêu cầu, chi phí cho việc khôi phục các dữ liệu đã bị phá hủy hay giám định tính hợp pháp của dữ liệu hoặc việc mã hóa các DLĐT cũng chưa được quy định cụ thể. Bên cạnh đó, khi khai thác DLĐT cũng phát sinh nhiều vấn đề pháp lý về an ninh, chính trị và quyền của bên thứ ba, quyền riêng tư của cá nhân. Chẳng hạn, đương sự có thể yêu cầu tòa án xem xét tiến hành tìm kiếm dữ liệu nhưng không có quy định nghĩa vụ xóa dữ liệu, bảo mật dữ liệu đã được sao chép trong quá trình tra cứu dữ liệu (điều này làm tăng nguy cơ vi phạm quyền riêng tư của cá nhân). Hay thẩm phán có quyền yêu cầu xác minh, thu thập dữ liệu cho việc xem xét, đánh giá chứng cứ để bảo đảm tính khách quan của vụ án nếu thấy cần thiết, nhưng pháp luật lại chưa quy định thế nào là cần thiết. Ngoài ra, phạm vi địa lý cũng ảnh hưởng đến việc tra cứu bởi DLĐT không bị giới hạn về mặt không gian và thời gian, có tính chất chuyển đổi và xuyên biên giới. Điều này dẫn đến việc tra cứu DLĐT khó thực hiện và xác minh khi liên quan đến yếu tố nước ngoài...
Để khắc phục những bất cập của pháp luật về chứng cứ điện tử, Luật sư Trần Quang Khải, Trưởng văn phòng Luật sư Quang Khải và cộng sự kiến nghị: "Các nhà làm luật cần sớm bổ sung những quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thu thập chứng cứ là DLĐT của cá nhân, cơ quan, tổ chức để bảo đảm tính đầy đủ, trọn vẹn của chứng cứ trong vụ án dân sự. Do tính đặc thù của DLĐT nên các thủ tục và kỹ thuật được áp dụng để tra cứu, truy cập, giải mã... những tài liệu này của cơ quan tố tụng cũng cần được liên tục cập nhật và hướng dẫn...". Bà Đặng Thị Ngọc Ánh, Thư ký TAND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) nêu kinh nghiệm: "Đương sự cần lưu ý, để một DLĐT được công nhận là chứng cứ thì dữ liệu phải được thu thập theo trình tự, thủ tục theo các điều khoản của Bộ luật Tố tụng Dân sự quy định về chứng cứ. Ngoài ra, khi thu thập DLĐT, các đương sự cũng cần bảo đảm độ tin cậy của cách thức khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi bảo đảm duy trì tính toàn vẹn của dữ liệu, cách thức xác định người khởi tạo và các yếu tố phù hợp khác theo quy định tại Điều 14, Luật Giao dịch điện tử năm 2005".
Có thể thấy, hoàn thiện pháp luật về chứng cứ điện tử trong tố tụng dân sự là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến kết quả giải quyết vụ việc dân sự, không chỉ làm cơ sở cho tòa án giải quyết vụ việc được chính xác, đúng pháp luật mà còn có ý nghĩa đối với các đương sự trong bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
DƯƠNG SAO