Nhiều thuận lợi cho người bệnh
Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Xuân Đoài, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết: “Trước ngày 1-1-2021, người có thẻ BHYT đăng ký khám, chữa bệnh (KCB) ban đầu ở tuyến dưới, khi đi KCB tại các bệnh viện tuyến tỉnh mà không có giấy chuyển viện thì được coi là trái tuyến và chỉ được BHYT thanh toán 60% chi phí điều trị nội trú theo mức hưởng của thẻ BHYT. Tuy nhiên, theo Điều 22 Luật BHYT năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) thì từ ngày 1-1-2021, người có thẻ BHYT khi đi KCB tại bệnh viện tuyến tỉnh, nếu điều trị nội trú sẽ được BHYT thanh toán 100% chi phí điều trị theo mức hưởng của thẻ BHYT mà không cần giấy chuyển viện. Quy định này không áp dụng đối với điều trị ngoại trú”.
Cũng theo ông Hoàng Xuân Đoài, người bệnh cần phân biệt rõ BHYT thanh toán 100% chi phí điều trị theo mức hưởng của thẻ BHYT chứ không phải 100% tổng chi phí điều trị. Ví dụ, với bệnh nhân có thẻ BHYT mức hưởng 80% thì trước ngày 1-1-2021, nếu đi KCB trái tuyến tại bệnh viện tuyến tỉnh chỉ được chi trả 60% của 80%, tức 48% tổng chi phí điều trị nội trú; từ ngày 1-1-2021, khi đi KCB trái tuyến tại bệnh viện tuyến tỉnh sẽ được BHYT chi trả 100% của 80%, tức 80% tổng chi phí điều trị nội trú. Mặt khác, chính sách thông tuyến BHYT chỉ áp dụng đối với tuyến tỉnh, không áp dụng với các bệnh viện tuyến Trung ương. Hiện nay, theo quy định, nếu đi KCB trái tuyến tại các bệnh viện tuyến Trung ương, bệnh nhân chỉ được BHYT thanh toán 40% chi phí điều trị nội trú theo mức hưởng của thẻ BHYT.
 |
Phẫu thuật cho bệnh nhân bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên (Vĩnh Phúc). |
Nói về ưu điểm của việc thông tuyến BHYT tuyến tỉnh, bà Đỗ Thị Châm, phụ trách Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, chính sách này tạo thuận lợi cho người bệnh khi có nhu cầu điều trị tại bệnh viện tuyến tỉnh, nhất là với những bệnh nhân bị bệnh vượt quá khả năng điều trị của tuyến dưới. Khi đó, bệnh nhân sẽ nhanh chóng được nhập viện, điều trị tại bệnh viện tuyến tỉnh mà không mất thời gian đi khám, xin giấy chuyển viện từ tuyến dưới. Với những người dân ở địa phương này nhưng đi công tác, học tập, làm việc... tại địa phương khác nếu không may bị ốm thì có thể đến điều trị nội trú tại các bệnh viện tuyến tỉnh ở đây, không phải về địa phương xin giấy chuyển viện mà vẫn được hưởng đầy đủ quyền lợi BHYT... Mặt khác, khi thực hiện chế độ thông tuyến, quyền lợi của bệnh nhân được bảo đảm tốt hơn sẽ góp phần thu hút đông đảo người dân tham gia BHYT, đồng thời tạo động lực để các cơ sở y tế tuyến dưới phấn đấu nâng cao chất lượng KCB nhằm “giữ” bệnh nhân.
Khuyến khích khám chữa bệnh đúng tuyến
Một trong những vấn đề đặt ra khi thông tuyến là các bệnh viện tuyến tỉnh có thể sẽ phải đối mặt với tình trạng quá tải; có thể xảy ra tình trạng chỉ định điều trị nội trú ở bệnh viện tuyến tỉnh với cả bệnh nhân mắc bệnh nhẹ... dẫn tới lạm chi quỹ BHYT.
Tìm hiểu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, chúng tôi thấy trong nửa đầu tháng 1-2021, số lượng bệnh nhân đến KCB chỉ tăng nhẹ, không có hiện tượng nhập viện điều trị nội trú ồ ạt. Ông Hoàng Xuân Đoài, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, các cơ sở y tế tuyến huyện tại Phú Thọ đều đã được đầu tư cả về con người và trang thiết bị, bảo đảm chất lượng KCB. Mặt khác, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu nếu chỉ “hắt hơi, sổ mũi” cũng lên bệnh viện tỉnh KCB thì chính bệnh nhân là người bị ảnh hưởng đầu tiên vì vừa phải đi xa, vừa phải khám, điều trị trong điều kiện đông đúc, quá tải. Bệnh viện tỉnh cũng đã có quy định cụ thể về việc chỉ định nhập viện điều trị nội trú nên không xảy ra tình trạng bệnh nhân tăng đột biến...
Mặc dù bệnh nhân khi tự đi KCB không đúng tuyến tại bệnh viện tuyến tỉnh đều được BHYT thanh toán 100% chi phí điều trị nội trú theo mức hưởng của thẻ BHYT, tuy nhiên theo Văn bản số 4055/BHXH-CSYT ngày 23-12-2020 của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam thì trong trường hợp này, bệnh nhân không được hưởng chế độ không cùng chi trả chi phí KCB như quy định tại điểm c khoản 1 Điều 22 Luật BHYT hiện hành (quy định bệnh nhân được BHYT chi trả 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh khi có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở). Đồng thời, phần chi phí cùng chi trả của người bệnh không được xác định là điều kiện để cấp giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm. Vì vậy, để người bệnh được hưởng đầy đủ quyền lợi BHYT, trong đó có quyền lợi không phải cùng chi trả chi phí KCB thuộc phạm vi được hưởng BHYT khi đủ điều kiện, đồng thời tránh tình trạng quá tải bệnh viện, BHXH Việt Nam đề nghị các địa phương, ngành y tế và các ban, ngành liên quan đẩy mạnh tuyên truyền rộng rãi, đầy đủ về chính sách BHYT, khuyến khích bệnh nhân đi KCB đúng tuyến, đúng quy định.
Bài và ảnh: PHƯƠNG HIỀN