Từ đầu năm 2021, tại huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, nhiều "cò đất" thường xuyên tập trung, đưa ra nhiều thông tin không có cơ sở nhằm đẩy giá đất lên cao. Theo anh Chu Bá Lý-một người môi giới bất động sản (BĐS) tại địa phương, giá một mảnh đất tại xã Cao Sơn, huyện Lương Sơn đã tăng gấp hai lần so với tháng 10 năm trước. Thời gian này, không ít người đã bỏ bê công việc để lao vào làm "cò đất" hoặc đầu tư BĐS.
|
|
Văn bản số 2174/UBND của UBND TP Hạ Long về việc cảnh giác trước tình trạng “sốt đất” ảo tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. |
Tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, thời gian qua, một số người môi giới đầu tư BĐS mua đi bán lại các lô đất trong quy hoạch dân cư thuộc các dự án như: Khu dân cư Bắc cầu Bang, xã Thống Nhất do Công ty Cổ phần Thống Nhất 508 làm chủ đầu tư; các khu dân cư đô thị tại phường Cao Xanh, Hà Khánh và một số dự án khác trên địa bàn thành phố. UBND TP Hạ Long nhận định, đây là hoạt động của các nhóm đầu cơ có tổ chức, lợi dụng thông tin về quy hoạch đô thị để tung ra các tin không chính xác về giao dịch đất đai nhằm gây “sốt”, đẩy giá đất tăng cao trong thời gian ngắn nhằm trục lợi. Trước tình hình đó, ngày 19-3, UBND TP Hạ Long đã có Văn bản số 2174/UBND yêu cầu các cơ quan, đơn vị của thành phố thực hiện nghiêm các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực chuyên môn phụ trách, không để xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự, phức tạp trên địa bàn thành phố; cung cấp kịp thời thông tin về quy hoạch, thủ tục pháp lý, tiến độ triển khai... để UBND xã, phường, cơ quan truyền thông kịp thời đăng tải thông tin cho các tổ chức, cá nhân biết và cảnh giác trước việc "sốt đất" ảo.
Tình trạng “sốt đất” như trên xuất hiện tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ để lại những hệ lụy khó lường. Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Ở nước ta, hầu hết những cơn “sốt đất” gần đây đều xuất phát từ những thông tin chưa rõ ràng về dự án, quy hoạch. Việc “thổi” giá bằng nhiều chiêu trò của "cò đất" khiến giá đất xung quanh các dự án tăng chóng mặt, không ít người bị thua lỗ, phá sản vì chỉ sau một thời gian, giá đất đã trở về với điểm ban đầu". Bên cạnh đó, một số chuyên gia kinh tế còn cho rằng, “sốt đất” sẽ làm tăng chi phí phát triển nhà ở, gây khó khăn cho việc thực thi các chính sách để phát triển nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội của Chính phủ, đồng thời có nguy cơ gây ra khủng hoảng tài chính. Để ngăn chặn tình trạng này, GS Đặng Hùng Võ cho rằng: “Các địa phương cần tạm dừng việc cho chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở khi quy hoạch chưa được phê duyệt; giải tán các “chợ cóc” BĐS do giới "cò nhà đất" lập ra; các cơ quan truyền thông, báo chí cần vào cuộc để đăng tải những thông tin chính xác về tình trạng quy hoạch, đưa ra những cảnh báo kịp thời đối với nhà đầu tư. Ngoài ra, chính quyền cấp tỉnh cần chuẩn bị những nội dung đổi mới về quản lý đất đai hướng tới một thị trường BĐS bền vững, chung tay xây dựng Luật Đất đai sửa đổi”.
|
|
Giá đất tại một số nơi thuộc xã Cao Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình đã tăng gấp hai lần so với tháng 10 năm trước. Ảnh: NGUYỄN VĂN. |
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam, Tổng thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam, việc kiểm soát, ngăn chặn tình trạng “sốt đất” là rất cấp bách. Chính quyền các địa phương phải vào cuộc quyết liệt để kiểm soát mọi hoạt động sử dụng đất đai, các giao dịch mua bán đất đai... bảo đảm thực hiện theo đúng quy định của pháp luật; gắn trách nhiệm của lãnh đạo các ban, ngành chức năng, chính quyền cơ sở đối với tình trạng “sốt đất”. Bên cạnh đó, phải cung cấp đầy đủ thông tin về chủ trương phát triển kinh tế, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn; kịp thời phát hiện và xử lý hoạt động tung tin thất thiệt, gây ảnh hưởng đến thị trường, đặc biệt là những tin tức không chính xác làm “sốt đất”, bất ổn ở địa phương.
VĂN THI