Việt Nam đứng vào hàng các nước có tỷ lệ người hút thuốc lá cao nhất thế giới hiện nay với tỷ lệ hơn 50% nam giới từ tuổi trưởng thành trở lên hút thuốc lá, hơn 60 triệu người chịu ảnh hưởng của khói thuốc (hút thuốc thụ động).
Tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch
PGS,TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại (PCTH) của thuốc lá cho biết, với mục tiêu tăng cường công tác tư vấn cai nghiện thuốc lá qua điện thoại và công tác tư vấn điều trị cai nghiện thuốc lá tại các cơ sở y tế, năm 2015, Quỹ PCTH của thuốc lá đã hỗ trợ thành lập Trung tâm Tư vấn cai nghiện thuốc lá tại Trung tâm Hô hấp-Bệnh viện Bạch Mai, đồng thời triển khai hoạt động tư vấn cai nghiện tại 5 bệnh viện (BV) gồm: BV Phổi Trung ương, BV Ung Bướu Hà Nội, BV Trung ương Huế, BV Nhân dân Gia Định (TP Hồ Chí Minh) và BV Y học cổ truyền Trung ương. Mô hình tư vấn cai nghiện thuốc lá tại 5 BV phải đáp ứng được 3 mục tiêu chính: Lập phòng/đơn vị cai nghiện, tư vấn cai nghiện thuốc lá và tổ chức hoạt động cai nghiện, tư vấn cai nghiện thuốc lá tại BV.
PGS,TS Lương Ngọc Khuê cho biết, hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch như bệnh động mạch vành, đột quỵ não, bệnh động mạch ngoại vi. Cả hút thuốc lá chủ động và thụ động đều ảnh hưởng lên hệ tim mạch, tuy nhiên nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá với bệnh tim mạch còn hạn chế, đặc biệt đa số người dân không tin tác hại của việc hít thuốc lá thụ động đối với các bệnh tim mạch. Việc cai nghiện thuốc lá mang lại nhiều lợi ích, nhất là với bệnh tim mạch, không chỉ cho người hút thuốc lá mà còn cả những người sống xung quanh. Thầy thuốc phải luôn thông báo về tác hại của thuốc lá với sức khỏe cho các bệnh nhân hút thuốc và hỗ trợ bệnh nhân trong việc bỏ thuốc lá, xây dựng kế hoạch bỏ thuốc lá, khuyến khích dùng các dược phẩm hỗ trợ bỏ thuốc lá, cung cấp các nguồn thay thế; thu xếp lịch theo dõi và tái khám cho bệnh nhân.
Nhiều người vẫn vô tư hút thuốc lá ở nơi công cộng. Ảnh: VŨ DUNG
Có dấu hiệu tích cực
Theo nhận định của ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), người dân đánh giá trong năm 2015 và những tháng đầu năm 2016 công tác PCTH của thuốc lá tại những nơi công cộng đã có những bước phát triển tích cực. Tại công sở đều có đề biển cấm hút thuốc lá hoặc chỉ rõ những nơi được phép hút thuốc lá. Các cơ quan, đơn vị đều có nội quy, quy chế; đoàn thể, công đoàn, đoàn thanh niên đều có văn bản quy định mọi người phải hút thuốc lá đúng quy định. Tác dụng của tuyên truyền, vận động cai nghiện thuốc lá đã giúp người sử dụng thuốc lá ở Việt Nam hiện nay giảm 2% trong tổng số những người nghiện thuốc lá. “Tôi cho rằng đây là con số hết sức tích cực và đã được WHO đánh giá rất cao. Việc giảm tỷ lệ người sử dụng thuốc lá phụ thuộc rất nhiều vào ý thức tự giác của chính người đó và sự vào cuộc quyết liệt của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị. Các cơ quan truyền thông cũng vào cuộc quyết liệt, nhắc nhở, khuyến cáo người hút thuốc để giúp họ bỏ thuốc hoặc hút ít hơn. Theo tôi, đây cũng là một điểm sáng của công tác PCTH của thuốc lá”, ông Nguyễn Huy Quang nhận định.
Theo kết quả Điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành thực hiện lần thứ hai tại Việt Nam năm 2015, do Bộ Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ, WHO, Tổng cục Thống kê, Trường Đại học Y Hà Nội thực hiện cho thấy kết quả đáng mừng trong việc giảm tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc thụ động tại Việt Nam. Cụ thể, so với năm 2010, tỷ lệ hút thuốc thụ động tại nhà giảm từ 73,1% xuống 59,9%; hút thuốc thụ động tại nơi làm việc giảm từ 55,9% xuống 42,6%, hút thuốc thụ động tại trường học giảm từ 22,3% xuống 16,1%; hút thuốc thụ động trên các phương tiện giao thông công cộng giảm từ 34,4% xuống 19,4%.
Về kết quả này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: “Kết quả trên cho thấy nhận thức của người dân, của cán bộ công chức về tác hại của thuốc lá, ý thức tuân thủ quy định của Luật PCTH của thuốc lá đã được nâng cao; hoạt động xây dựng môi trường không khói thuốc của Quỹ PCTH của thuốc lá đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Những nỗ lực trong hoạt động PCTH của thuốc lá, đặc biệt là những thành quả xây dựng môi trường không khói thuốc... có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh Việt Nam đã gia nhập Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá với các cam kết mạnh mẽ về việc thực hiện các biện pháp giảm nguồn cung, giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá nhằm giảm tỷ lệ mắc bệnh và chết do sử dụng thuốc lá”.
Có thể nói, sự nỗ lực của các bộ, ngành, các tổ chức chính trị xã hội và các tỉnh, thành phố, các tổ chức hoạt động PCTH của thuốc lá, sự đóng góp tích cực của báo chí trong tuyên truyền về tác hại của thuốc lá, sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế... đã giúp cho công tác PCTH của thuốc lá ở nước ta đang ngày một hiệu quả.
THU HƯƠNG