Thời gian qua, nhiều vụ vận chuyển, buôn bán pháo lậu đã bị các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ. Để ngăn chặn hoạt động buôn bán pháo nổ, Công an TP Hà Nội đã triển khai kế hoạch mở đợt cao điểm phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về pháo, kiên quyết không để tình trạng chế tạo, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo trái phép diễn ra trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Ngày 21-11 vừa qua, Đội Cảnh sát kinh tế, Công an quận Bắc Từ Liêm phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 22, Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội tiến hành kiểm tra Công ty Cổ phần Dịch vụ giao hàng nhanh, địa chỉ số 19, ngõ 196 Phú Diễn, phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, phát hiện hai kiện hàng có biểu hiện nghi vấn. Tổ công tác đã tiến hành kiểm tra, phát hiện gần 15kg pháo nổ được đóng gói trong hai kiện hàng này. Làm việc với bưu cục, tổ công tác đã tra soát thông tin về số điện thoại và địa chỉ người gửi hoàn toàn trùng khớp với thông tin trinh sát đã thu được trước đó. Ban chuyên án đã tổ chức lực lượng trinh sát đến huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên để xác định nơi các đối tượng tiến hành sản xuất pháo. Ngay trong chiều cùng ngày, tổ công tác đã bắt quả tang hai đối tượng Ngô Ngọc Định (sinh năm 2006) và Quách Xuân Tùng (sinh năm 2007) đang thực hiện hành vi sản xuất pháo nổ tại nhà của Định ở xóm Cao Khản, xã Bản Ngoại, huyện Đại Từ. Tổ công tác đã thực hiện Lệnh khám xét khẩn cấp và Lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với hai đối tượng trên.

Tại cơ quan công an, Ngô Ngọc Định khai nhận: Khoảng đầu tháng 11-2022, nhận thấy nhu cầu tiêu thụ pháo trước Tết tăng cao trong khi việc mua bán pháo nổ bị cấm nghiêm ngặt, Định đã tìm hiểu trên mạng cách sản xuất pháo nổ, sau đó đặt mua các tiền chất về để tự sản xuất pháo đem bán kiếm lời. Sau khi sản xuất pháo nổ, Định đăng bài bán pháo trên internet và chuyển hàng đi. Để vận chuyển, cất giấu pháo không bị phát hiện, Định dùng các loại quần bò, áo rộng để nhồi pháo vào trong, quấn nhiều loại quần áo xung quanh, sau đó cho vào bao tải dán kín rồi đóng vào thùng carton và dán băng dính bên ngoài để tránh máy soi, sau đó mang đi gửi cho khách.

leftcenterrightdel
 Ngô Ngọc Định và Quách Xuân Tùng bị bắt khi đang sản xuất pháo.

 

Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Đoàn Văn Đông, Đội trưởng Đội Cảnh sát kinh tế, Công an quận Bắc Từ Liêm, cho biết: “Đầu tháng 10-2022, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Đội Cảnh sát kinh tế phát hiện nguồn tin về một số đối tượng có dấu hiệu sản xuất, buôn bán pháo nổ từ Thái Nguyên về Hà Nội tiêu thụ. Các đối tượng không trực tiếp giao hàng mà gửi qua các bưu cục/đơn vị chuyển phát đến tay người mua. Trên kiện hàng gửi không có thông tin người gửi, chỉ có số điện thoại liên hệ để trốn tránh cơ quan chức năng phát hiện. Việc trao đổi thông tin, giao dịch mua bán được thực hiện qua các hội nhóm kín trên Facebook. Phát hiện thủ đoạn tinh vi như trên của các đối tượng, Đội Cảnh sát kinh tế đã nhanh chóng triển khai các biện pháp nghiệp vụ, làm rõ được vị trí, nhân thân lai lịch đối tượng cầm đầu. Đơn vị đã báo cáo Ban chỉ huy cho xác lập chuyên án để đấu tranh. Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Bắc Từ Liêm đang củng cố hồ sơ, tài liệu để ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với các đối tượng liên quan về tội sản xuất, buôn bán hàng cấm”.

Hằng năm vào thời điểm trước Tết Nguyên đán, đặc biệt là 3 tuần áp Tết, để phục vụ nhu cầu của một bộ phận người tiêu dùng thiếu ý thức pháp luật, các đối tượng buôn bán pháo nổ gia tăng giao dịch. Các đối tượng lấy hàng từ khu vực giáp biên giới phía Bắc, vận chuyển về nội địa, đặc biệt là địa bàn TP Hà Nội, sau đó mới phân phối đi các tỉnh. Bên cạnh các vi phạm về pháo, còn xuất hiện nhiều vụ việc liên quan đến chế tạo, sử dụng pháo tự chế dẫn tới những tai nạn thương tâm, mà nạn nhân đa phần là thanh, thiếu niên. Theo Công an TP Hà Nội, đơn vị đã giao chỉ tiêu cụ thể. Theo đó, 100% địa bàn các quận, huyện, thị xã không để xảy ra tình trạng đốt pháo trái phép tràn lan trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Công an TP Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị xây dựng phương án phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến pháo tại 100% tuyến, địa bàn trọng điểm, nhất là trên không gian mạng, dịch vụ bưu chính và phương tiện giao thông.

Bên cạnh sự vào cuộc của các lực lượng chức năng, để hạn chế tình trạng sản xuất, buôn bán, vận chuyển, sử dụng pháo nổ, pháo tự chế, cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, giáo dục, vận động người dân, nhất là nhóm thanh, thiếu niên hiếu động, thiếu hiểu biết về sự nguy hiểm của pháo nổ, pháo tự chế. Ðối với những đối tượng cố tình sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ pháo cần xử lý nghiêm minh theo pháp luật. Có như vậy, mới có thể hạn chế các vi phạm pháp luật về pháo, để không còn xảy ra những vụ việc đau lòng do pháo nổ gây ra trong mỗi dịp cuối năm.

Bài và ảnh: HUYỀN TRANG