Quá trình giải phóng mặt bằng được đẩy nhanh

Một trong những phương án tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ xây dựng và cải tạo công viên chính là việc đảm bảo giải phóng mặt bằng để bàn giao cho chủ đầu tư đúng kế hoạch. Để làm được điều này, Sở Xây dựng Hà Nội đã đề xuất tập trung xử lý nghiêm những vi phạm về lấn chiếm các khu vực đã được quy hoạch xây dựng công viên; phối hợp với các cơ quan chức năng tại địa phương vận động thuyết phục người dân di dời các khu vực tâm linh… Đặc biệt, với những công viên được xây dựng trong nội thành sẽ tập trung nguồn lực để xây dựng cải tạo phù hợp với cảnh quan đặc thù và đặc điểm không gian sinh hoạt công cộng của người dân.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, công trình Công viên văn hóa, du lịch vui chơi giải trí Kim Quy (100ha) ở huyện Đông Anh được khởi công từ năm 2016 đến nay đã giải phóng được trên 99ha, nhưng vẫn còn vướng mắc về giải phóng mặt bằng. Sở đã đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo địa phương sớm hỗ trợ và bàn giao mặt bằng cho nhà thầu để tiến hành xây dựng.

leftcenterrightdel

TP Hà Nội đang nỗ lực đẩy nhanh thực hiện các dự án xây dựng và cải tạo công viên trong nội đô với mục tiêu đảm bảo không gian xanh trong đô thị. 

Đối với Công viên khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An ở huyện Thanh Trì (50,9ha), sau nhiều năm triển khai đến nay đã hoàn thiện một số tuyến đường vào công viên và tu bổ các công trình tưởng niệm. Để đẩy nhanh tiến độ dự án, một số hạng mục của công trình cần chuyển sang hình thức đầu tư công và lên phương án di dời một phần nghĩa trang địa phương nằm trong khu vực dự án.

Cùng với xây mới các công viên, TP Hà Nội cũng dành nguồn lực cải tạo công viên Thống Nhất, Thủ Lệ và Bách Thảo.

Công viên Thống Nhất (48ha) được quy hoạch chi tiết 1/500 theo hướng công viên mở kết hợp dịch vụ. Phần diện tích đất công viên có mục đích công cộng (không thu phí) thực hiện theo hình thức đầu tư công, diện tích có mục đích kinh doanh được đầu tư theo hình thức xã hội hóa.

Trong khi đó, Công viên Thủ Lệ sau thời gian dài khai thác sử dụng đã xuống cấp và cơ sở hạ tầng hiện có chưa đáp ứng được yêu cầu về dịch vụ vui chơi, nghỉ ngơi phục vụ người dân. Để nâng cao chất lượng phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí, Sở Xây dựng đề xuất chuyển đổi hình thức quản lý và tái đầu tư để vừa duy trì không gian xanh, cũng như là điểm vui chơi công cộng của người dân Thủ đô và du khách.

Đối với Công viên Bách Thảo (10ha), phần diện tích đất công viên có mục đích công cộng (không thu phí) sẽ được cải tạo theo hình thức đầu tư công, còn diện tích sử dụng kinh doanh sẽ được đầu tư theo hình thức xã hội hóa.

leftcenterrightdel
Sau nhiều năm sử dụng, nhiều công viên đang xuống cấp và không đáp ứng yêu cầu không gian sinh hoạt công cộng của người dân. 

Tăng cường không gian xanh, sinh hoạt công cộng trong đô thị

Với việc phát triển đô thị hóa nhanh, TP Hà Nội nhiều năm qua luôn đối mặt với tình trạng thiếu các công viên quy mô lớn, không gian vui chơi hiện đại, đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách. Để giải quyết vấn đề này, trong kế hoạch của thành phố giai đoạn 2022-2025, Hà Nội sẽ tập trung đôn đốc, giải quyết để hoàn thành 6 công viên với diện tích hàng trăm ha đang trong giai đoạn điều chỉnh, hoàn thiện thủ tục đầu tư.

Theo đó, TP Hà Nội sẽ đầu tư xây dựng mới 6 công viên, gồm: Công viên Chu Văn An, trên địa bàn huyện Thanh Trì, quy mô 50,93ha, do UBND huyện Thanh Trì đầu tư thực hiện; Công viên và hồ điều hòa CV1 Khu đô thị mới Cầu Giấy, diện tích khoảng 31,7ha, do Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển đô thị Sài Đồng thực hiện, Công ty TNHH Phát triển công viên Trung tâm là doanh nghiệp dự án; Công viên Khu đô thị Tây Nam Hà Nội, diện tích 11,2ha, do Công ty TNHH VNT thực hiện;

Công viên văn hóa Kim Quy, diện tích khoảng 101,09ha, nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Tập đoàn Mặt trời; Công viên hồ Phùng Khoang, diện tích khoảng 11,8ha, do Liên danh Tổng Công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội và Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng đô thị thực hiện; Công viên văn hóa - Vui chơi, giải trí, thể thao quận Hà Đông, diện tích khoảng 96,7ha do UBND quận Hà Đông thực hiện.

Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư của nhà nước và xã hội hạn chế, nên việc thực hiện các dự án xây dựng công viên, cây xanh quy mô lớn của TP Hà Nội đang được tiến hành, nhưng còn chậm. Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thế Công cho biết, việc đầu tư công viên có vốn rất lớn. Sau khi hoàn thành, nhà đầu tư chỉ được khai thác kinh doanh phần công trình xây dựng (mật độ xây dựng 5%) để thu hồi vốn, nhưng phải tự duy tu, duy trì, quản lý vận hành toàn bộ công viên để phục vụ nhân dân, nên chưa thu hút nhà đầu tư quan tâm.

leftcenterrightdel
Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng và cải tạo công viên trong đô thị cần sự quan tâm và tạo điều kiện về chính sách của thành phố.

Để đáp ứng nhu cầu về không gian sinh hoạt công cộng của người dân, TP Hà Nội đang quyết liệt rà soát diện tích dành cho việc xây dựng công viên, vườn hoa, cây xanh, mặt nước, cùng đó hoàn thiện cơ chế chính sách để đẩy nhanh các công viên lớn đang chậm tiến độ, cũng như hỗ trợ nhà đầu tư trong thực hiện dự án.

Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2030, khu vực nội đô sẽ có 60 công viên, trong đó 18 công viên xây mới, 42 công viên, vườn hoa hiện có sẽ được cải tạo, nâng cấp và 7 khu công viên đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển văn hóa-xã hội của Thủ đô theo hướng xanh, hiện đại.

Bài, ảnh: NGỌC HUY