Qua 10 năm triển khai thực hiện, dự án góp phần quan trọng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh (QPAN) ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, địa bàn khó khăn; tạo điều kiện để đội ngũ trí thức trẻ lập thân, lập nghiệp, cống hiến tài năng, trí tuệ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bám địa bàn, xây cơ sở
Lớp học xóa tái mù chữ tại bản Tả Chải, xã Sì Lở Lầu (Phong Thổ, Lai Châu) đã kết thúc, nhưng bà con vẫn nhớ mãi hình ảnh Lý Trúy Lu và Lý Gạ Che, đội viên trí thức trẻ tình nguyện (TTTTN) Đoàn KT-QP 356 (Quân khu 2), hằng ngày “tăng bo” trên chiếc xe máy cà tàng khi trời vừa nhá nhem tối, vượt cung đường hiểm trở hơn 10km để dạy chữ cho người dân. Vất vả là vậy, nhưng với các em, đó là niềm hạnh phúc khi góp phần đưa con chữ đến với bản nghèo, giúp bà con nâng cao dân trí. Biết chữ, bà con tự tìm đọc tài liệu, bước đầu áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Ông Tẩn Sài Đông, Chủ tịch UBND xã Sì Lở Lầu phấn khởi: “Địa phương chúng tôi hiện có dân tộc Dao và Hà Nhì sinh sống. Bà con ở đây đều mong muốn biết đọc, biết viết tiếng phổ thông. Chúng tôi ủng hộ, đánh giá rất cao Đoàn KT-QP 356 mở lớp xóa tái mù chữ cho bà con. Đó là điều kiện thuận lợi giúp Sì Lở Lầu phát triển kinh tế, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, góp phần bảo vệ vững chắc đường biên, cột mốc trên địa bàn biên giới”.
Lý Trúy Lu và Lý Gạ Che là hai trong số 732 TTTTN được Quân khu 2 tuyển chọn trong 10 năm thực hiện Dự án 174. Dấu ấn của các TTTTN đã được khẳng định bằng sự đổi thay đáng kể về kinh tế, văn hóa, xã hội ở những vùng gian khó. Giai đoạn 2010-2020, lực lượng TTTTN cùng cán bộ, nhân viên các đội sản xuất và xây dựng cơ sở chính trị giúp đỡ hàng nghìn hộ dân từng bước thoát nghèo, trong đó có 480 hộ thoát nghèo và ổn định cuộc sống; giúp 68 xã thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, trong đó có 7 xã hoàn thành về đích nông thôn mới. Đời sống của đồng bào các dân tộc trong vùng dự án từng bước được cải thiện, nhất là khắc phục sản xuất nông nghiệp manh mún, phá thế độc canh, thuần nông trước đây.
Cũng với nhiệt huyết và sức trẻ, 10 năm có mặt tại vùng biên giới, TTTTN ở các đoàn KT-QP thuộc Quân khu 1 đã mang tâm huyết, trách nhiệm của tuổi trẻ để giúp đỡ đồng bào các dân tộc vươn lên thoát nghèo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) trong vùng dự án, tăng cường sự gắn kết giữa địa phương với các đoàn KT-QP, được cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân yêu mến, tin tưởng.
Đồng chí Lê Hải Hòa, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng ghi nhận: “Dự án 174 là chủ trương đúng đắn của Chính phủ và Bộ Quốc phòng. Thông qua dự án đã bổ sung kịp thời nguồn cán bộ có tri thức, nhiệt huyết, chuyên môn ngành nghề còn thiếu đối với các đoàn KT-QP. Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cao Bằng thường xuyên chỉ đạo các địa phương trong khu KT-QP phối hợp chặt chẽ với Đoàn KT-QP 799 (Quân khu 1) triển khai dự án. Giai đoạn 2010-2020 đã tuyển chọn được 114 lượt TTTTN, hỗ trợ chính quyền và nhân dân vùng dự án thực hiện tốt các chương trình, mục tiêu phát triển KT-XH, xây dựng những địa bàn khó khăn trước đây thành vùng giàu về kinh tế, vững mạnh về QPAN”.
 |
Trí thức trẻ tình nguyện Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 326 (Quân khu 2) tham gia dạy chữ cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Ảnh: HỒNG SÁNG.
|
Thực hiện Dự án 174, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 1 đã chỉ đạo Đoàn KT-QP 338 và 799 phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương trên địa bàn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tuyển chọn, tập huấn cho đội ngũ TTTTN, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để đội ngũ này phát huy vai trò xung kích, tham gia thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ KT-QP. Qua 10 năm triển khai thực hiện, quân khu đã tuyển dụng 5 đợt, thu hút 215 lượt đội viên có trình độ, năng lực, ngành nghề phù hợp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Một trong những kết quả nổi bật của lực lượng TTTTN là đã góp phần hình thành nhiều mô hình thôn, bản kiểu mẫu và giảm nghèo bền vững ở các địa phương.
10 năm qua, dấu ấn của các đội viên TTTTN được thể hiện rõ nét ở hầu hết các địa bàn trong vùng dự án. Theo Thiếu tướng Trần Đình Thăng, Cục trưởng Cục Kinh tế, Phó trưởng ban Quản lý Dự án 174, Bộ Quốc phòng, từ năm 2010-2020, Bộ Quốc phòng đã tuyển chọn, tuyển dụng 2.648 lượt đội viên TTTTN trong số hơn 3.500 hồ sơ đăng ký tham gia dự án. Sau 10 năm triển khai thực hiện, Dự án 174 đã hoàn thành và đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra. Với sức trẻ, lòng nhiệt huyết, trình độ, kiến thức khoa học, đội ngũ TTTTN đã phát huy tốt vai trò, sát cánh cùng cán bộ, chiến sĩ các đoàn KT-QP và nhân dân vùng dự án phát triển KT-XH, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững gắn với củng cố QPAN trên địa bàn biên giới, biển, đảo, vùng sâu, vùng xa, đạt kết quả thiết thực.
Trong tham gia phát triển KT-XH, đội viên TTTTN đã tích cực tuyên truyền, vận động và làm nòng cốt tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật triển khai thực hiện các dự án xóa đói, giảm nghèo, chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật, xây dựng kinh tế hộ bền vững, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từng bước nâng cao đời sống nhân dân. Nhiều mô hình xóa đói, giảm nghèo đã được xây dựng và nhân rộng, đem lại hiệu quả thiết thực. Cụ thể, TTTTN đã tham gia cải tạo, khai hoang, phủ xanh hơn 26.000ha đất trống, đồi trọc; trồng mô hình mẫu hơn 307ha cây lương thực, công nghiệp, thảo dược để nhân dân tham quan, rút kinh nghiệm. Lực lượng TTTTN còn đóng góp quan trọng vào xây dựng đơn vị và hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, với việc tham gia củng cố 74 chi bộ, 821 tổ chức đoàn thể, vận động 2.144 thanh niên địa phương lên đường nhập ngũ; có 252 đội viên được tuyển dụng vào bộ máy chính quyền, đoàn thể địa phương...
Tiếp tục phát huy nguồn lực trí thức trẻ
Những kết quả thực hiện Dự án 174 đã góp phần tích cực vào hoàn thành nhiệm vụ của các đoàn KT-QP trong thời gian qua. Đó là minh chứng khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước; vai trò của Bộ Quốc phòng, các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan, nhất là các đoàn KT-QP trong quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện. Đồng thời cho thấy vai trò xung kích, lòng nhiệt tình cống hiến và sức mạnh của trí thức trẻ khi được tập hợp, tổ chức vì sự nghiệp cách mạng của Đảng.
Tuy nhiên, cùng với những kết quả đạt được trong 10 năm qua, để tiếp tục phát huy nguồn lực TTTTN tại các khu KT-QP, Ban Quản lý Dự án 174, Bộ Quốc phòng đã chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế, rút ra những bài học kinh nghiệm, làm cơ sở để đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định triển khai đề án trong giai đoạn tiếp theo.
Một trong những tồn tại, hạn chế căn cốt là nhận thức về nhiệm vụ của TTTTN tại một số địa phương chưa đầy đủ, nên trong công tác tuyển chọn và thực tế sử dụng có nơi, có lúc chưa phát huy được chuyên môn. Sự bố trí, sắp xếp, nơi ăn nghỉ và điều kiện làm việc, công tác tại một số nơi chưa được quan tâm đúng mức, chưa huy động được sức mạnh tổng hợp của cấp ủy, chính quyền các cấp trong tạo môi trường hoạt động phong phú cho đội viên TTTTN. Chưa có nguồn vốn riêng đầu tư cho TTTTN xây dựng, lập mô hình điểm phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội mà chủ yếu dựa vào nguồn kinh phí và các hoạt động của đơn vị để thực hiện. Do vậy, việc phối hợp huy động nguồn lực để lồng ghép xây dựng các mô hình chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất ở địa phương còn hạn chế, TTTTN ít có điều kiện để phát huy hết khả năng chuyên môn...
Từ kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế, Ban Quản lý Dự án 174, Bộ Quốc phòng đã đúc rút nhiều bài học kinh nghiệm. Trong đó, chú trọng phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương để lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng kế hoạch công tác của TTTTN phù hợp với hoạt động của đơn vị, nhu cầu ở địa phương. Phân công, giao nhiệm vụ cho TTTTN đến công tác tại các địa bàn phù hợp với năng lực, ngành nghề đào tạo; xây dựng các kế hoạch hoạt động đúng chức năng nhiệm vụ, tập trung ở địa bàn trọng yếu. Quan tâm giúp đỡ, bồi dưỡng, rèn luyện đội viên TTTTN, giải quyết triệt để các vướng mắc nảy sinh trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ...
Trên cơ sở kết quả đạt được giai đoạn 2010-2020, lãnh đạo Bộ Quốc phòng giao Cơ quan Thường trực Ban Quản lý Dự án 174 phối hợp với các cơ quan liên quan sớm hoàn chỉnh hồ sơ pháp lý báo cáo Bộ Quốc phòng trình Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục triển khai Dự án “Tăng cường TTTTN đến công tác tại các khu KT-QP giai đoạn 2021-2030”, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới; điều chỉnh cơ chế, chính sách thu hút các đội viên phù hợp với điều kiện phát triển KT-XH của đất nước.
ĐÀO HỒNG