Chủ động các phương án phòng, chống rét
Điểm trường Nậm Ty B của Trường Mầm non xã Hua Thanh (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) có 100% học sinh là con em đồng bào dân tộc Mông, thuộc diện khó khăn. Trong những ngày rét thấu da thịt, nhiều phụ huynh vẫn đưa con đến lớp. Chị Giàng Thị Sáng, phụ huynh học sinh Lầu Thị Tuyết Hoa, lớp ghép 3-4 của Điểm trường Nậm Ty B, cho biết: “Do còn phải đi làm nương nên dù biết trời rất lạnh, tôi vẫn đưa con đến trường”.
Đón trẻ từ tay phụ huynh, cô giáo Mùa Thị Dương, Nhóm trưởng của Điểm trường Nậm Ty B vội đưa bé vào lớp, đi thêm đôi tất và cho bé uống một cốc nước ấm. Những ngày nền nhiệt độ xuống thấp, dưới 6 độ C, học sinh phải nghỉ học để tránh rét, các cô thường xuyên nhắc nhở phụ huynh chủ động giữ ấm cho con em. Tuy nhiên, do điều kiện khó khăn nên nhiều học sinh của Điểm trường Nậm Ty B không đủ quần áo ấm để mặc. Cô giáo Mùa Thị Dương cho biết: “Khi đến lớp, các cô giáo đã chuẩn bị sẵn quần áo ấm-số quần áo được huy động từ những gia đình trong xã và của chính các cô. Có bé lạnh tới mức tay run không cầm được thìa để ăn. Thương các con, chúng tôi phải bón cơm cho các con”.
 |
Cô và trò Trường Mầm non xã Hua Thanh (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên). Ảnh: Phạm Kiên. |
Không riêng địa bàn miền núi, Thủ đô Hà Nội cũng vừa trải qua những ngày rét đậm, rét hại, có ngày nhiệt độ xuống dưới 10 độ C. Để bảo đảm sức khỏe cho học sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Hà Nội cùng các trường học trên địa bàn đã chủ động có phương án phòng, chống rét, bảo đảm an toàn sức khỏe của học sinh. Theo ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP Hà Nội: Sở đã có văn bản gửi đến các quận, huyện với quy định mới về việc học tập của học sinh trong những ngày rét đậm. Theo quy định mới, các trường học chủ động cập nhật tình hình thời tiết hằng ngày để lùi giờ học thay vì cho học sinh nghỉ học nếu nhiệt độ dưới 10 độ C (với học sinh tiểu học) và 7 độ C (với học sinh THCS) như quy định cũ.
Theo ghi nhận, phòng GD&ĐT các quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP Hà Nội đã xây dựng kế hoạch phòng, chống rét phù hợp điều kiện thực tế địa phương. Có mặt tại Trường Tiểu học Ba Đình (quận Ba Đình, TP Hà Nội) vào ngày nhiệt độ ngoài trời hơn 10 độ C, các hoạt động dạy và học được duy trì, chủ yếu trong phòng học kín, đủ ấm. Các lớp học được nhà trường che chắn rèm mành, cửa sổ, cửa ra vào đóng kín. Cùng với đó, nhà trường đặc biệt quan tâm tới bữa ăn của học sinh. Cô Trần Thị Tố Trinh, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Ba Đình cho biết: “Hiện nay, nhà trường có 1.076 học sinh, hầu hết các con đều ăn bán trú. Thực đơn được nhà trường xây dựng phù hợp với mùa đông. Các suất cơm được tăng cường dinh dưỡng và chỉ mang tới cho học sinh trước giờ ăn 10-15 phút, bảo đảm nóng sốt, vừa giúp làm ấm cơ thể, vừa bảo vệ hệ miễn dịch cho các con”.
Phát huy vai trò của phòng y tế trường học
Những ngày rét đậm, rét hại, tỷ lệ học sinh đến lớp của Trường Tiểu học số 1 Phố Ràng (huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) vẫn ổn định, đạt 93%. Năm học 2020-2021, toàn trường có 681 học sinh. Ngay từ đầu năm học, phòng y tế nhà trường đã tăng cường tuyên truyền để học sinh giữ gìn vệ sinh, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Nhất là trong những ngày thời tiết thay đổi bất thường, việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho học sinh càng được nhà trường chú trọng. Theo bà Ma Thị Xuân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 Phố Ràng: Bên cạnh các phương pháp giữ ấm cho học sinh khi đến trường, cán bộ y tế nhà trường đã chuẩn bị đầy đủ thuốc, vật tư y tế phục vụ công tác điều trị các bệnh thường mắc vào mùa đông cho học sinh.
Thời tiết lạnh khiến học sinh dễ nhiễm các bệnh về đường hô hấp như: Viêm họng, sổ mũi, sốt virus... Vì vậy, để kịp thời chăm sóc sức khỏe cho học sinh, cô Trần Thị Quỳnh, cán bộ y tế Trường Tiểu học Ba Đình ngày nào cũng tuyên truyền, hướng dẫn học sinh cách giữ ấm cơ thể, những biện pháp phòng, chống các loại bệnh vào mùa đông trên loa phát thanh của nhà trường vào giờ ra chơi. Khẳng định vai trò quan trọng của phòng y tế học đường, cô Quỳnh cho biết: “Nền nhiệt thấp, độ ẩm lớn nên các con rất dễ bị ốm. Vì thế, từ đầu mùa lạnh đến nay, tôi thường xuyên có mặt sớm ở trường, sẵn sàng sơ cấp cứu ban đầu và làm ấm cơ thể cho các con”.
Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, PGS, TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, khuyến cáo: “Để phòng, chống các bệnh thường gặp vào mùa đông, các nhà trường cần tuyên truyền để học sinh giữ gìn vệ sinh cá nhân thật tốt, giữ ấm cơ thể, nhất là vùng cổ và ngực. Phòng y tế trường học cần rà soát danh mục các loại thuốc theo quy định, sẵn sàng sơ cấp cứu cho học sinh nếu các em mắc những bệnh thông thường, nhưng quan trọng nhất là phải có phương pháp giữ ấm cơ thể cho học sinh”.
Nhắc tới một số trường hợp học sinh gặp nạn khi đốt than để sưởi ấm, PGS, TS Nguyễn Tiến Dũng cảnh báo tới người dân, các trường học, đặc biệt là các trường ở vùng sâu, vùng xa tuyệt đối không được dùng phương pháp sưởi ấm này cho học sinh trong phòng kín. Đồng thời lưu ý phụ huynh và các trường cho học sinh ăn đủ dinh dưỡng, thức ăn loãng, dễ tiêu, các thực phẩm giàu vitamin để tăng cường sức đề kháng trong những ngày giá rét.
NGUYỄN HOÀI