Quy trình ra đời, tồn tại và phát triển của pháp luật là: Xây dựng chính sách, thể chế hóa thành pháp luật, tổ chức thực hiện chính sách và pháp luật, tổng kết thực tiễn, bổ sung chính sách, sửa đổi pháp luật và tiếp tục tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật.
Trong chu trình khép kín, liên tục này, PBGDPL đóng vai trò hết sức quan trọng, giúp người dân nắm được các quy định của pháp luật, hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình trong các mối quan hệ pháp luật để tuân thủ, chấp hành hay sử dụng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình; là cơ sở để cơ quan chức năng áp dụng pháp luật trong giải quyết các mối quan hệ dân sự, lao động, hành chính, kinh doanh thương mại, hình sự... Pháp luật sẽ không có ý nghĩa nếu như các chủ thể thực hiện không nhận thức rõ về nó.
 |
Cán bộ Vùng Cảnh sát biển 4 tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân xã đảo Thổ Châu (Phú Quốc, Kiên Giang). Ảnh: ĐỨC TUẤN. |
Thực tiễn nhiều năm hành nghề luật sư tôi thấy rằng, công tác PBGDPL ở các địa phương đã được thực hiện tương đối tốt; hiểu biết, nhận thức pháp luật của người dân ngày càng được nâng cao, đặc biệt là ở khu vực thành thị. Nhiều người dân đã biết sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của mình; việc chấp hành pháp luật tốt hơn và việc áp dụng pháp luật của cơ quan chức năng cũng thuận lợi hơn. Người dân cũng đang dần hình thành thói quen sử dụng dịch vụ pháp lý để được tư vấn, giúp đỡ nên không những quyền, lợi ích hợp pháp của họ được bảo đảm mà an ninh, trật tự, an toàn xã hội cũng tốt hơn.
Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khác nhau nên mức độ hiểu biết, nhận thức pháp luật của người dân nói chung đến nay vẫn còn một số hạn chế, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng núi, vùng sâu, vùng xa... Vì thế, không ít người không phân biệt được đúng/sai, đòi hỏi, đưa ra những yêu cầu không có căn cứ pháp lý, hoặc gây ra những tranh chấp, khiếu kiện không cần thiết; bị xâm phạm quyền lợi hợp pháp nhưng không biết và không biết sử dụng pháp luật để yêu cầu các cơ quan bảo vệ pháp luật bảo vệ quyền lợi cho mình; có những hành vi chống đối, cản trở, thậm chí chống người thi hành công vụ. Nhiều vụ tranh chấp dân sự, đặc biệt là tranh chấp về đất đai dẫn đến quan hệ hàng xóm láng giềng bị rạn nứt, bố mẹ, anh chị em trong gia đình mất đoàn kết do lòng tham, sự ích kỷ và thiếu hiểu biết pháp luật...
Trong nhiều vụ án chống người thi hành công vụ, chỉ vì người dân thiếu hiểu biết pháp luật, thiếu kiềm chế cảm xúc, cho rằng quyền lợi của mình bị xâm hại, nhưng không biết cách giải quyết như thế nào cho đúng pháp luật dẫn đến hành vi chống lại lực lượng chức năng, bản thân rơi vào vòng lao lý... Một nguyên nhân quan trọng của tình trạng này là do công tác PBGDPL chưa hiệu quả.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc PBGDPL và nhận thức pháp luật của người dân còn hạn chế, đặc biệt là người dân khu vực nông thôn, vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Có thể kể đến như: Lực lượng cán bộ chuyên trách còn mỏng, chưa được trang bị kịp thời, thường xuyên kiến thức pháp luật, phương tiện vật chất để bảo đảm công tác PBGDPL hiệu quả; nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức tới nhiệm vụ này; hình thức PBGDPL chưa đa dạng, còn máy móc, giáo điều... Một nguyên nhân nữa là do đặc điểm văn hóa của người phương Đông thường coi tình hơn lý nên có xu hướng lấy tình cảm để giải quyết thay cho pháp luật...
Khi người dân hiểu biết, có ý thức chấp hành pháp luật tốt thì xã hội sẽ ngày càng văn minh, tiến bộ và việc quản lý xã hội sẽ thuận lợi hơn. Bởi vậy, công tác PBGDPL là một nhiệm vụ quan trọng. Trong bối cảnh phát triển kinh tế-xã hội, cải cách tư pháp tại Việt Nam hiện nay thì công tác PBGDPL lại càng quan trọng.
Để công tác này mang lại hiệu quả, theo tôi, chúng ta cần tiếp tục củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ, cơ quan, tổ chức có chức năng, nhiệm vụ PBGDPL từ Trung ương đến địa phương; bảo đảm đầy đủ cơ sở vật chất, điều kiện cho các cán bộ làm công tác PBGDPL; có quy định cụ thể về điều kiện, tiêu chuẩn, trình độ và trách nhiệm của cán bộ chuyên trách thực hiện nhiệm vụ này.
Bên cạnh đó, cần có các tiêu chí đánh giá và gắn trách nhiệm đối với từng địa phương trong thực hiện nhiệm vụ PBGDPL. Các địa phương cũng cần huy động lực lượng luật sư, luật gia tham gia đóng góp cho nhiệm vụ này; đa dạng hóa hoạt động PBGDPL; tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin để dễ thống kê, phân loại, tổng hợp và giúp người dân dễ tiếp cận, dễ hiểu, dễ vận dụng; phát triển mạnh mẽ các lực lượng bổ trợ tư pháp...
TS, luật sư ĐẶNG VĂN CƯỜNG (Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội)