Vì sao rừng Tây Nguyên suy giảm?
Kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020: Chính phủ tuyên bố đóng cửa rừng tự nhiên và dừng cấp phép các công trình thủy điện liên quan đến đất rừng Tây Nguyên được người dân trên địa bàn Đắc Lắc nói riêng, các tỉnh Tây Nguyên nói chung phấn khởi và đồng tình ủng hộ.
Lực lượng Kiểm lâm tuần tra, bảo vệ Vườn Quốc gia Yok Đôn (trên địa bàn xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắc Lắc).
Theo kết luận này thì Dự án xây dựng Nhà máy thủy điện Đrăng Phôk, tại xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắc Lắc (triển khai từ năm 2007, do Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Ứng dụng công nghệ mới TP Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư, đang trong giai đoạn lập hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường) nằm trong vùng lõi Vườn Quốc gia Yok Đôn sẽ không được triển khai. Nếu không dự án này sẽ phải chặt phá rừng, mở đường, tập trung với số lượng lớn trang thiết bị, vật tư, con người sẽ gây tác động tiêu cực tới môi trường, công tác bảo tồn các loài động thực vật cũng như không thể kiểm soát được tình trạng săn bắn thú, khai thác lâm sản trái phép…
Theo thống kê của các ngành chức năng, trong 5 năm (2010-2014), trữ lượng rừng khu vực Tây Nguyên giảm hơn 57 triệu mét khối, tương ứng giảm 17,4%, từ 327,5 triệu mét khối năm 2010 xuống 270,5 triệu mét khối năm 2015. Trong đó, rừng giàu giảm gần 20 triệu mét khối, rừng nghèo kiệt giảm gần 67 triệu mét khối. Tính đến ngày 31-12-2014, tổng diện tích rừng và đất quy hoạch cho lâm nghiệp của 5 tỉnh Tây Nguyên là 3.354.194ha. Trong đó, đất có rừng là 2.567.118ha (giảm 180.000ha so với năm 2010), gồm: Rừng tự nhiên 2.253.804ha, giảm 273.000ha, rừng trồng là 313.313ha, tăng 93.000ha so với năm 2010; đất chưa có rừng, quy hoạch cho lâm nghiệp là 787.000ha.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Cao Đức Phát, (nay là Phó trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương) cho biết: Diện tích rừng tự nhiên khu vực Tây Nguyên giảm có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu do chuyển mục đích sử dụng đất có rừng sản xuất là rừng tự nhiên nghèo kiệt sang trồng cao su, cây công nghiệp, cây ăn quả; chuyển mục đích sử dụng đất có rừng sang mục đích khác theo quy hoạch của địa phương để xây dựng công trình thủy điện, hạ tầng giao thông, công trình công cộng; phá rừng, lấn chiếm đất rừng để lấy đất canh tác sản xuất nông nghiệp và trồng cây công nghiệp.
Theo phân tích của Bộ NN và PTNT, Ban Kinh tế Trung ương và Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, nguyên nhân của tình trạng phá rừng trái pháp luật ở Tây Nguyên là do dân số tăng nhanh dân di cư tự do cần có đất ở và đất canh tác, tạo sức ép lớn lên tài nguyên rừng. Giá một số mặt hàng nông sản tăng mạnh dẫn đến tình trạng xâm lấn, chuyển đổi mục đích sử dụng đất ồ ạt, phá rừng trái phép để lấy đất trồng những loại cây có giá trị thương phẩm cao. Một số địa phương, cơ sở chưa thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng, quản lý đất lâm nghiệp, vẫn để tồn tại những tụ điểm phá rừng nghiêm trọng. Việc xử lý các vi phạm về bảo vệ và phát triển rừng còn thiếu kiên quyết, phối hợp thiếu chặt chẽ, một bộ phận thiếu trách nhiệm, thậm chí tiêu cực, tiếp tay cho những đối tượng phá rừng. Công tác giao đất, giao rừng ở Tây Nguyên thực hiện chậm; quản lý các cơ sở chế biến gỗ, các tụ điểm mua, bán gỗ kém hiệu quả; việc cấp phép kinh doanh thiếu quy hoạch, không gắn liền với quy hoạch nguồn nguyên liệu...
Giải pháp khôi phục rừng bền vững
Để đạt mục tiêu đến năm 2020, diện tích rừng Tây Nguyên đạt 2,71 triệu héc-ta, nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 49,8%, Bộ NN và PTNT sẽ tập trung hoàn thành rà soát và lập quy hoạch bảo vệ, khôi phục, phát triển rừng khu vực Tây Nguyên vào năm 2017; đánh giá cụ thể bố trí cây trồng nông nghiệp ở Tây Nguyên, đề xuất cơ cấu cây trồng hợp lý nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu.
Phó trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát đề nghị, trên cơ sở kết quả Dự án tổng điều tra kiểm kê rừng đã được công bố, Chủ tịch UBND các tỉnh giao trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng đến Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã và chủ rừng. Huy động lực lượng công an, quân sự và cả hệ thống chính trị vào cuộc, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn tình trạng phá rừng lấy gỗ, lâm sản và đất sản xuất trái pháp luật; xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, chống người thi hành công vụ. Không chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp trong khu vực rừng tự nhiên hiện nay sang mục đích khác. Kiên quyết thu hồi diện tích rừng, đất lâm nghiệp thuộc các dự án vi phạm pháp luật, không thực hiện đúng dự án được phê duyệt. Xử lý nghiêm, đúng pháp luật đối với tổ chức, cá nhân lợi dụng chủ trương cải tạo, chuyển đổi rừng nghèo kiệt để trục lợi…
Ông Ngô Đông Hải, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương nhận định: Mất rừng, suy thoái tài nguyên rừng cùng với thách thức lớn của biến đổi khí hậu đã, đang và sẽ tác động mạnh đến phát triển kinh tế-xã hội và đời sống người dân Tây Nguyên, có thể làm thay đổi tập quán sinh sống và canh tác của người dân. Vì vậy cần sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật và chính sách về quản lý, bảo vệ rừng sát với thực tiễn; cụ thể hóa các quy định về quyền và nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực quản lý, khai thác, bảo vệ rừng làm cơ sở triển khai việc giao, cho thuê đất rừng. Tạo điều kiện cho người dân bản địa bảo vệ rừng, sống được bằng nghề rừng. Đồng quan điểm trên, ông Trần Việt Hùng, nguyên Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho rằng: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến phá rừng song chung quy lại đều do lợi ích của việc phá rừng lớn hơn lợi ích của việc bảo vệ, phát triển rừng. Vì vậy, bên cạnh việc tăng cường các giải pháp hiện có (chủ yếu là các giải pháp về tăng cường công tác quản lý), cần nghiên cứu, ban hành và triển khai các cơ chế, chính sách nhằm bảo đảm quyền và lợi ích cho các lực lượng tham gia bảo vệ và phát triển rừng. Để thực hiện các giải pháp trên cần xây dựng và triển khai các đề án (dự án) phát triển các chuỗi giá trị rừng tự nhiên và rừng trồng đối với từng đối tượng rừng tại từng địa bàn cụ thể; trong đó xác định rõ vai trò, lợi ích của từng chủ thể tham gia chuỗi, bảo đảm cho các đối tượng tham gia có thu nhập ít nhất tương đương với các đối tượng tham gia sản xuất nông nghiệp.
Khôi phục và phát triển bền vững rừng vùng Tây Nguyên là nhiệm vụ cấp bách, góp phần quan trọng ứng phó, thích nghi với biến đổi khí hậu không chỉ cho Tây Nguyên mà còn cho cả vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và cả nước. Vì vậy đòi hỏi các cấp, các ngành và địa phương phải hành động khẩn trương, quyết liệt.
Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN CHUNG