Nỗi đau từ những vụ đuối nước
Theo báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), mỗi năm cả nước có hơn 2.000 trẻ em bị tử vong do đuối nước. Tỷ lệ này ở nước ta cao gấp 10 lần các nước phát triển, trong đó 70% trẻ đuối nước ở lứa tuổi dưới 15. Có 53% trường hợp đuối nước xảy ra khi trẻ em chơi gần ao, hồ, sông, suối, kênh mương không có sự bảo vệ của người lớn. Nguyên nhân chính là do các em không biết bơi, thiếu kỹ năng xử lý khi xảy ra tai nạn đuối nước; nhiều em thiếu không gian vui chơi, lại vào thời điểm nghỉ hè dẫn đến việc các em ra sông, suối để vui chơi, tắm mát. Mặt khác, môi trường sống xung quanh trẻ lại không bảo đảm an toàn, như tại các ao, hồ quanh nhà không có rào chắn, biển cảnh báo, biển cấm, ở xa khu dân cư, ít người qua lại nên khi trẻ rơi vào tình thế nguy hiểm không nhận được sự trợ giúp kịp thời của người lớn. Ngoài ra, sự thiếu quan tâm của phụ huynh cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến những vụ tai nạn thương tâm đối với trẻ em.
 |
Lớp dạy bơi cho học sinh tại Trường Tiểu học Dịch Vọng B (quận Cầu Giấy, Hà Nội). |
Thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban, ngành và địa phương đã chú trọng việc dạy bơi cho học sinh bằng nhiều biện pháp, trong đó có việc tăng cường các lớp học bơi vào dịp hè, phổ biến kiến thức về tai nạn đuối nước cho học sinh. Theo ông Nguyễn Trọng An, nguyên Phó cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH): Mặc dù nước ta có hẳn đề án về phòng, chống đuối nước, các địa phương có cả một tháng hành động vì trẻ em, nhưng vì những hoạt động đó vẫn còn tổ chức một cách hình thức nên hiệu quả chưa đạt như mong muốn. Ở một số địa phương, tuy đã ưu tiên dành nguồn lực, chỉ đạo các trường học dạy bơi cho học sinh, nhưng do tiến hành theo mùa vụ nên hiệu quả không cao. Chính vì vậy, tình trạng đuối nước ở trẻ em vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Từ đầu năm 2019 đến nay, cả nước xảy ra rất nhiều vụ đuối nước trẻ em thương tâm. Trong khi dư luận chưa hết bàng hoàng bởi vụ đuối nước xảy ra vào ngày 8-2 tại ven biển xã Bình Định Bắc (Thăng Bình, Quảng Nam) cướp đi sinh mạng của 6 học sinh Trường THCS Nguyễn Duy Hiệu, thì vào chiều 21-3, sau khi đi tắm sông, 8 em nhỏ ở phường Thịnh Lang (TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) cũng thiệt mạng do đuối nước.
Cần sự chung tay của toàn xã hội
Tai nạn đuối nước trẻ em ở nước ta hiện nay đang gây bức xúc cho dư luận xã hội, ảnh hưởng đến tâm lý của mỗi gia đình và trẻ em. Tại hội thảo về xây dựng kế hoạch bảo vệ trẻ em do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức, nhiều đại biểu cho rằng, thời gian tới chúng ta cần có kế hoạch hành động cụ thể và sự chung tay của cả cộng đồng. Theo đó, mỗi cơ sở giáo dục cần linh động tổ chức, lồng ghép những kỹ năng cần thiết về đuối nước với hoạt động dạy học trên lớp. Cùng với đó phối hợp hướng dẫn tập luyện kỹ năng bơi lội phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Đặc biệt, chính quyền địa phương cần chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường rà soát, cắm biển báo, biển cảnh giới để trẻ em, học sinh biết những điểm sông, hồ nguy hiểm dễ xảy ra tai nạn đuối nước để tránh. Bên cạnh đó cần đẩy mạnh chiến dịch tuyên truyền về tai nạn đuối nước, giúp trẻ em có những kiến thức cơ bản về nguy cơ đuối nước, về tầm quan trọng của việc học bơi; cách thức xử lý khi bị đuối nước và kỹ năng cứu người đuối nước…
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) nhấn mạnh: "Để giảm tai nạn đuối nước ở trẻ em, rất cần sự chung tay, góp sức của toàn xã hội. Bởi thực tế cho thấy, không ít vụ đuối nước xảy ra do thiếu sự giám sát của các bậc phụ huynh. Đã đến lúc chúng ta cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó tập trung trang bị kỹ năng bơi lội an toàn cho trẻ. Ngoài ra, nhà trường và gia đình phải phối hợp chặt chẽ trong việc giám sát với trẻ khi các em ra sông, suối, hồ, ao tắm. Các trường phổ thông cần đưa nội dung về phòng, chống đuối nước, thương tích ở trẻ em vào nhắc nhở thường xuyên trong buổi sinh hoạt ở lớp, sinh hoạt chào cờ".
Bài và ảnh: ĐỨC THỊNH - LAN HƯƠNG