Tôi và bác vẫn thường hay tranh luận về những câu chuyện thời sự nóng hổi hằng ngày, những quan điểm sống mới và tôi đã học được không ít kinh nghiệm quý báu từ bác. Duy chỉ có một quan điểm mà tôi và bác đã không ít lần tranh luận nhưng vẫn chưa tìm được tiếng nói chung, ấy vẫn là chuyện trọng nam khinh nữ.

Bác tôi vẫn cho rằng, việc nội trợ, bếp núc là việc của đàn bà, đàn ông vào bếp nấu nướng thì chỉ "núp váy vợ", chẳng làm nên trò trống gì. Tôi thì cho rằng, quan điểm này là của mấy chục năm, thậm chí cả trăm năm về trước vì khi ấy, phụ nữ không tham gia vào công việc chính trị, xã hội mà chỉ chuyên tâm vào chăm sóc gia đình, chồng con. Còn xã hội ngày nay, người chồng hay người vợ cũng đều phải đi làm 8 giờ/ngày. Mỗi người đều có thu nhập riêng. Hết công việc, trở về với gia đình thì mỗi người cũng đều phải có trách nhiệm với gia đình như nhau, không có lý do gì mà vợ nấu cơm còn chồng ngồi xem ti vi hay đọc báo.

Mới đây, vợ cậu em tôi sinh con trai đầu lòng, mẹ tròn con vuông, cả nhà ai cũng mừng. Lúc vợ sắp vượt cạn, em tôi cũng đăng ký dịch vụ được vào phòng sinh để tiếp sức cho vợ. Buổi tối hôm vợ sinh, cậu “đuổi” hết mọi người trong gia đình về để mình ngủ lại, tự tay chăm sóc vợ, con. Nhìn cậu em hạnh phúc, cưng nựng cậu con trai và chăm sóc vợ chu đáo, tôi thấy thật khâm phục ông bố bỉm sữa này. Vậy mà bác tôi vẫn giữ quan điểm: “Chăm gái đẻ không phải việc của đấng mày râu!”.

Xã hội ngày càng hiện đại, con người càng phấn đấu và đấu tranh cho bình đẳng, công bằng xã hội mà trong đó, mục tiêu bình đẳng giới luôn được các quốc gia, dân tộc nỗ lực thực hiện. Người xưa có câu “Đàn ông đi biển có đôi, đàn bà vượt cạn mồ côi một mình”. Câu thành ngữ này ý nói rằng đàn ông lúc khó khăn, gian nan, hiểm nguy luôn có bạn đồng hành. Còn người phụ nữ 9 tháng mang nặng, đến kỳ vượt cạn đầy gian nguy nhưng chỉ một thân, một mình.

Làm chồng, làm vợ không chỉ là tình cảm mà còn là trách nhiệm, là thương yêu và sẻ chia. Lâu nay chúng ta vẫn đấu tranh cho bình đẳng giới, để người phụ nữ được vươn mình ra khỏi căn bếp chật hẹp, đến với các hoạt động chính trị, xã hội. Thế nhưng, mục tiêu thực hiện bình đẳng giới trước tiên hãy bắt đầu từ những việc nhỏ nhất ngay trong chính cuộc sống thường ngày ở mỗi gia đình.

HẢI ANH