Dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê (Thạnh Hà, Hà Tĩnh) được triển khai năm 2008 với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, do Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC) làm chủ đầu tư. Tháng 9-2009, TIC chính thức khởi động dự án bằng việc thực hiện thử nghiệm công nghệ và bóc đất tầng phủ. Sau 10 năm thực hiện dự án để lại nhiều hệ lụy, tác động trực tiếp đến kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh và đời sống người dân trên địa bàn.
 |
Bãi tắm 2 biển Thạch Hải chưa được đầu tư.
|
Trong quá trình khai thác thử nghiệm, bóc đất tầng phủ với độ sâu 34m, chiều dày moong 3km, rộng 2km, độ cao bãi thải 45m so với mặt nước biển… xảy ra hiện tượng cát bay vào khu dân cư khi gió biển thổi vào; cát chảy khi mưa to gây sạt lở bãi thải, làm bồi lấp đất nông nghiệp của người dân. Đặc biệt, những khu dân cư gần moong mỏ đã có hiện tượng tụt nước ngầm, gây thiếu nước, tạo ra sự hoang mạc hóa đất đai. Hiện nay, diện tích bị bỏ hoang do thiếu nước ở các xã trong vùng dự án là 74,9ha, nếu dự án tiếp tục triển khai việc đào sâu và mở rộng moong mỏ (khoảng trên 500m theo kế hoạch dự án) thì dự báo sẽ xảy ra hiện tượng tụt nước ngầm trên diện rộng và sa mạc hóa sẽ ảnh hướng đến toàn bộ diện tích 1.277ha đất trồng lúa hai vụ, 685ha đất trồng lạc, 385ha đất trồng rau, củ, quả… GS, TSKH Đặng Trung Thuận, Chủ tịch Hội Địa hóa Việt Nam, cho rằng: "Việc khai thác mỏ sắt Thạch Khê sẽ gây nguy cơ nhiễm mặn và hoang mạc hóa vùng ven biển Thạch Hà. Đối với khu vực mỏ sắt Thạch Khê, khi bơm hút tháo khô mỏ, mực nước ngầm trong cồn cát bị hạ thấp, nước biển xâm nhập vào và dần thay thế khối nước ngọt vốn có trong đất cồn cát. Vì vậy, đất đai ở đây sẽ dần nhiễm mặn và trở nên hoang hóa”.
 |
Một góc bãi biển Thạch Hải đã được đầu tư.
|
Tại xã Thạch Hải (Thạch Hà), nơi mỏ sắt chiếm gần hai phần diện tích, ông Nguyễn Ưu Tú, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Thạch Hải chia sẻ: “Do nằm trong quy hoạch nên hàng nghìn hộ dân không được phép đầu tư xây dựng mới nhà ở, không được cấp đất ở để tách hộ. Do đó, đa số các gia đình phải sống trong cảnh chật chội, xuống cấp. Nhiều gia đình có 3 đến 4 thế hệ sống chung trong một ngôi nhà chật chội, cũ nát, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân. Nhiều gia đình bị thu hồi hết đất sản xuất, trong khi chưa có phương án tái định cư, chưa chuyển đổi được nghề nghiệp. Vì vậy, người dân phải tìm mọi công việc có thể để kiếm sống qua ngày”.
Theo Phó chủ tịch UBND xã Thạch Hải Bùi Đình Lâm: Thạch Hải trước đây là một trong những xã tốp đầu của huyện về phát triển kinh tế-xã hội. Nhưng sau 10 năm do ảnh hưởng của dự án nên hiện nằm trong những xã khó khăn nhất của huyện. Trước khi chưa thực hiện dự án, bãi biển Thạch Hải là khu nghỉ dưỡng, tắm biển lý tưởng, có tiềm năng phát triển du lịch. Đến nay, do không được đầu tư hạ tầng du lịch, hệ thống nhà hàng, khách sạn xuống cấp nghiêm trọng, chỉ còn lại 20 nhà hàng trong điều kiện xây dựng tạm bợ, hoạt động không hiệu quả… Trên địa bàn xã có gần 40 di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng, trong đó có 3 di tích cấp quốc gia. Đặc biệt, trên dãy núi Nam Giới là một quần thể di tích, danh thắng với nhiều di tích mang giá trị lịch sử, cũng như giá trị tâm linh, tín ngưỡng, như: Đền thờ Chiêu trưng Đại vương Lê Khôi, chùa Quỳnh Viên, đền thờ Thần Ngư, di chỉ người Việt cổ… tất cả tạo thành khu du lịch, sinh thái, tâm linh có tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, qua 10 năm triển khai mỏ sắt Thạch Khê đã hạn chế nhiều đến sự phát triển văn hóa, dịch vụ, du lịch. Nhiều di tích lịch sử, văn hóa xuống cấp, hệ thống giao thông không được đầu tư... dẫn đến lượng du khách về tham quan, thưởng ngoạn giảm hẳn, ảnh hướng lớn đến thu nhập của nhân dân.
Ngoài những lý do trên, các chuyên gia của Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) cũng đồng quan điểm với tỉnh Hà Tĩnh rằng: Năng lực của TIC chưa đáp ứng được điều kiện để khai thác, kể cả với giai đoạn I là bóc đất tầng phủ, bồi thường giải phóng mặt bằng. Không những yếu, thiếu năng lực tài chính mà khả năng huy động vốn vay đáp ứng tiến độ triển khai dự án của TIC cũng chưa xác định được; chi phí khai thác, sản xuất và vận chuyển cao, tài nguyên khai thác chưa được tận dụng triệt để, thị trường tiêu thụ không ổn định… là những băn khoăn, lo ngại của các chuyên gia kinh tế, lãnh đạo và người dân tỉnh Hà Tĩnh về dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê.
Qua khảo sát người dân 6 xã vùng dự án và ý kiến phản biện của các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế… UBND tỉnh Hà Tĩnh cho rằng: Việc dừng dự án sẽ tránh được nhiều rủi ro, nhất là những tác động đến môi trường và điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
LÊ ANH TẦN